Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / 75 năm truyền thống CSGT
Cảnh sát đường thủy Hải Phòng vì bình yên sông nước
Ngày đăng: 19/01/2021
Là đơn vị đầu tiên của lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ gìn gìn ANTT trên sông nước, Phòng Cảnh sát đường thủy Hải Phòng không ngừng phát huy truyền thống, liên tục lập nhiều chiến công, góp phần giữ gìn bình yên sông nước vùng Đông Bắc tổ quốc.

Hải Phòng là đô thị trung tâm cấp quốc gia, đầu mối giao thông quan trọng hội tụ đầy đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không, là địa danh cảng biển chính của các tỉnh phía Bắc, một trọng điểm phát triển kinh tế biển và là một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ du lịch, thuỷ sản giáo dục và y tế của vùng duyên hải Bắc bộ.

Về đường thuỷ, Hải Phòng vừa có tuyến giao thông đường thuỷ nội địa riêng biệt, vừa có tuyến giao thông đường thuỷ nội địa đan xen hoạt động với tuyến luồng hàng hải; hệ thống cảng Hải Phòng là một cụm cảng tổng hợp cấp quốc gia, là 1 trong 2 hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam với hơn 40 cảng, bến kéo dài trên sông Cấm, sông Bạch Đằng, cửa Lạch Huyện và cửa Nam Triệu.

Đường thủy Hải Phòng là điểm hội tụ của các tuyến đường thủy gồm 26 tuyến với chiều dài 506,38 km trong đó: 16 tuyến đường thủy nội địa Quốc gia đi qua với chiều dài 326,3 km được phân loại cấp tuyến từ I đến III; 9 tuyến đường thủy địa phương với chiều dài 159,48 km cơ bản được phân loại cấp tuyến từ cấp III đến cấp VI, đặc biệt có tuyến ven đảo Cát Bà dài 20,6 km.

Với hệ thống cảng biển quốc tế ra đời sớm và là cửa ngõ chính của các tỉnh miền Bắc giao thương bằng đường thuỷ với mọi miền trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Hải Phòng có hệ thống sông ngòi phong phú đa dạng. Từ xa xưa, khi các loại hình giao thông khác chưa phát triển thì tàu, thuyền của các nước và các tỉnh đã tấp nập ra, vào sông Tam Bạc và đi sâu vào nội địa đến phố Hiến (Hưng Yên) để buôn bán, trao đổi hàng hoá với nước ta. Các đạo quân xâm lược của phong kiến, thực dân, đế quốc cũng lợi dụng đường thuỷ Hải Phòng nhiều lần tiến quân xâm lược nước ta. Với vị trí địa lý vùng đất Hải Phòng, đặc biệt từ khi có cảng Hải Phòng - cửa ngõ chính của miền Bắc thông ra biển thì vị trí, vai trò mạng lưới giao thông đường thuỷ Hải Phòng được nâng lên trở thành giao thông huyết mạch của vùng đông bắc Tổ quốc.

Ý thức được vị trí đặc biệt quan trọng đó, được sự chỉ đạo của Bộ Công an, ngày 15/8/1955 Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 715/TCCB thành lập Quận Công an trên sông thuộc Sở Công an Hải Phòng để tiến hành toàn diện các mặt công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn sông, biển thuộc phạm vi phụ trách. Đây là đơn vị duy nhất của công an các tỉnh miền Bắc làm nhiệm vụ Cảnh sát trên sông lúc bấy giờ, đánh dấu một sự kiện lần đầu tiên có một lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT trên đường thuỷ; góp phần phòng ngừa tai nạn, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Mặc dù còn thiếu về biên chế tổ chức, kinh nghiệm và phương tiện nhưng trong giai đoạn này lực lượng công an trên sông đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ ANTT của đất nước và thành phố.

Ngay sau khi được thành lập, ổn định tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách, Quận Công an trên sông đã triển khai lực lượng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để ổn định tình hình ANTT ở địa bàn được phân công phụ trách. Hải Phòng là điểm tập kết của quân đội Pháp để rút khỏi miền Bắc trong thời gian 300 ngày, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận đồng bào, chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết. Mặt khác, thời kỳ này, thực dân Pháp và bọn phản động trong nước ra sức dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam để phục vụ kế hoạch chống phá Cách mạng lâu dài. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn trên các tuyến đường thuỷ là yêu cầu cấp bách. Ban chỉ huy Quận Công an trên sông đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng để hướng dẫn điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, tài sản, góp phần chống các luận đỉệu tuyên truyền và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Cùng với việc đảm bảo an toàn giao thông trên sông, biển, lực lượng Cảnh sát trên sông đã làm tốt công tác phát động phong trào quần chúng ở các đơn vị vận tải thuỷ và bà con ngư dân cam kết bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn giao thông, an ninh trật tự bến bãi, phòng chống các loại tội phạm hoạt động trên tuyến đường thuỷ. Lực lượng Cảnh sát trên sông còn tích cực tham gia phong trào hợp tác hoá, vận động xây dựng các hợp tác xã vận tải, đánh cá, phối hợp với các lực lượng vũ trang tổ chức lưc lượng dân quân tự vệ bám thuyền ra khơi, trang bị vũ khí tự vệ để chống âm mưu bắt cóc ngư dân, khai thác tin tức của bọn gián điệp biệt kích. Hoạt động của lực lượng Cảnh sát trên sông đã góp phần đảm bảo TTATGT, TTATXH trên các tuyến, địa bàn giao thông đường thuỷ của thành phố, đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ cải tạo và xây dựng CNXH ở thành phố trong những năm đầu mới giải phóng còn bộn bề khó khăn, thách thức.

Khi bị thua ở miền Nam, hòng cứu vãn tình thế và ngăn chặn chi viện của miền Bắc XHCN cho cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ đã leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc hết sức ác liệt. Cảng Hải Phòng là cửa khẩu chính tiếp nhận viện trợ của các nước XHCN giúp Việt Nam đánh Mỹ nên đã trở thành mục tiêu trọng điểm đánh phá bằng không quân và hải quân. Lúc này, nhiệm vụ của lực lượng công an trên sông là: tập trung vận động nhân dân ở gần các kho tàng, bến bãi đi sơ tán; tuyên truyền vận động nhắc nhở các đoàn vận tải sông ngụy trang, phòng tránh khi địch đánh phá để bảo vệ an toàn thuyền viên, phương tiện và tài sản, đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng chiến tranh để xâm phạm tài sản của Nhà nước và nhân dân. Ở các trạm, CBCS thay nhau thường trực 24/24 giờ hàng ngày để quan sát phát hiện bom, thuỷ lôi do địch thả xuống;  kiểm soát, điều tiết lộ trình của tàu, thuyền qua lại được an toàn. Bất chấp mưa bom, bão đạn của máy bay, tàu chiến địch đánh phá, CBCS Cảnh sát trên sông vẫn bám sát địa bàn Cảng và các tuyến sông để hướng dẫn luồng lạch cho tàu, thuyền lách qua các bãi bom nổ chậm, thuỷ lôi để giải toả hàng nghìn tấn hàng ra khỏi các trọng điểm đánh phá, nhiều đợt chuyển quân, vũ khí, phương tiện quân sự an toàn, bí mật.

Trong chiến đấu, CBCS Cảnh sát trên sông không chỉ dũng cảm, gan dạ mà còn có nhiều mưu trí sáng tạo. Ngày 01/10/1967 máy bay địch thả bom nổ chậm, bom từ trường dày đặc tại ngã ba Tam Kỳ (sông đào Hạ Lý) làm cho hơn 50 tàu, thuyền vận tải bị mắc kẹt, nếu không được giải toả thì dễ bị máy bay địch phát hiện đánh phá gây thiệt hại khó lường, trước tình thế khó khăn đầy cam go này, tinh thần mưu trí sáng tạo của CBCS Cảnh sát trên sông đã được phát huy, với việc nắm chắc luồng lạch và các bãi bom mìn của địch, các chiến sỹ Cảnh sát trên sông đã trực tiếp chỉ huy, lệnh cho tất cả các tàu, thuyền không được nổ máy rồi dùng dây lần lượt kéo số tàu, thuyền này vượt qua bãi bom mìn một cách an toàn. Đây là một thành công táo bạo và là kinh nghiệm được vận dụng trong nhiều năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ sau này.

CBCS Cảnh sát trên sông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Trong cuộc chiến đấu ác liệt đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Dưới làn bom đạn địch, thuyền của nhân dân bị đánh đắm, không sợ nguy hiểm, đồng chí Trần Xuân Mấm - Chiến sĩ Cảnh sát trên sông đã kịp thời cứu sống được 2 cụ già và 3 cháu nhỏ. Đồng chí Bùi Huy Cát, chiến sĩ lái canô luôn có mặt ở những trọng điểm địch đánh phá. Một lần địch bắn rốc két xuống cầu xe hoả làm 2 thuyền chở 18 tấn thóc và 1 xà lan chở 30 tấn phân đạm trên sông đào Hạ Lý bị trúng đạn và có nguy cơ bị đắm. Dưới làn bom đạn địch, đồng chí đã bình tĩnh dùng canô kéo các phương tiện trên ra khỏi khu vực địch đánh phá, bảo vệ an toàn cho phương tiện và tải sản. Thành tích của 2 đồng chí Trần Xuân Mấm và Bùi Huy Cát đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người và là tấm gương về nêu cao tinh thần trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân để các thế hệ CBCS Cảnh sát đường thuỷ noi theo học tập.

Từ ngày 16/4/1972 đến ngày 30/12/1972, cuộc chiến đấu của quân và dân Hải Phòng chống chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra bước vào thời kỳ cam go quyết liệt nhất, với dã tâm biến miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá, đế quốc Mỹ đã sử dụng cả không quân, hải quân đánh phá hết sức ác liệt, tập trung vào các thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Ở Hải Phòng, địch dùng máy bay B52, hàng trăm lượt máy bay cường kích, tuần dương hạm, tàu khu trục... tập trung đánh phá các kho tàng, nhà máy, cầu cống, bến bãi như: nhà máy Xi măng; kho xăng dầu Thượng Lý; bến Bính; cầu Xi măng... Đặc biệt, chúng quyết tâm phong toả cảng Hải Phòng bằng thuỷ lôi, bom hẹn giờ, bom từ trường xuống các luồng sông, biển với 3276 quả thuỷ lôi, 40 quả bom hẹn giờ, toàn bộ luồng lạch ra vào Cảng, 12 cửa sông, 81 điểm trên các luồng vận tải sông thuộc địa bàn Hải Phòng hầu như bị tê liệt. Lúc này, các trạm Máy Chỉ, An Dương, Máy Chai không hoạt động  được.

Giám đốc sở công an Hải Phòng đã chỉ đạo Đồn Công an trên sông thành lập 2 trạm nổi trên sông ở Kênh Đồng (thôn Quán Trang) và Kinh Thầy (ngã ba sông Kinh thầy) để vừa kiểm tra, kiểm soát tàu, thuyền qua lại, vừa quan sát đánh dấu toạ độ bom mìn do máy bay địch thả xuống nhằm điều tiết tàu, thuyền qua lại an toàn. Lực lượng công an trên sông đã phối hợp cùng bộ đội công binh rà phá bom mìn, thuỷ lôi để mở các luồng lạch cho tàu, thuyền qua lại, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt. Trong gần 200 ngày bị bom, mìn, thuỷ lôi phong toả song giao thông đường thuỷ vẫn không bị ách tắc, huyết mạch giao thông vẫn được giữ vững, âm mưu phong toả của đế quốc Mỹ hoàn toàn bị thất bại, góp phần quan trọng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đưa đến việc buộc Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973.

Sau khi kết thúc chiến tranh phá hoại, nhiệm vụ cấp bách trước mắt đặt ra là: rà phá bom, mìn, thuỷ lôi mở thông luồng lạch, nâng cao năng lực vận tải để đáp ứng cao nhất chi viện cho miền Nam đấu tranh giải phóng hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc. Do nắm chắc tình hình, vị trí các bãi bom, mìn, thuỷ lôi do máy bay địch thả xuống, lực lượng Công an trên sông đã phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang, ngành giao thông vận tải và chuyên gia nước ngoài tiến hành rà phá. Trong thời gian ngắn, số bom, mìn, thuỷ lôi do đế quốc Mỹ phong toả cảng Hải Phòng cơ bản đã được phá huỷ hoặc tháo gỡ. Cảng Hải Phòng và các tuyến sông, biển lại nhộn nhịp các phương tiện vận tải vào, ra phục vụ đắc lực cho công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng CNXH ở miền Bắc, đồng thời đáp ứng yêu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam.

Trước yêu cầu chi viện của chiến trường miền Nam, 24 CBCS ưu tú của lực lượng Công an trên sông đã hăng hái xung phong lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chi viện cho an ninh các tỉnh phía Nam. Các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã có đồng chí anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tô thắm thêm những trang sử truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát đường thuỷ cũng như CATP Hải Phòng. Trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lực lượng Công an trên sông Hải Phòng đã mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp một phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đi đến chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một trang sử mới - Cả nước đi lên CNXH.

Sau thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát đường thủy tiếp tục lập nhiều chiến công xuất sắc tô thắm thêm truyền thống của lực lượng nói riêng và Công an Hải Phòng nói chung.

Cảnh sát đường thủy Hải Phòng ra quân bảo đảm TTATGT, TTXH trên sông.

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã có nhiều đổi thay to lớn toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong tình hình mới, nhiệm vụ công tác Công an nói chung và Cảnh sát đường thuỷ nói riêng đứng trước những yêu cầu nặng nề, đầy khó khăn phức tạp. Để đáp ứng các yêu cầu đó một cách hiệu quả nhất, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ sẽ thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau đây:

1. Xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng là nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Quy định số 08 QĐ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng về trách nhiệm “nêu gương” của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, tác phong công tác, cải tiến lề lối làm việc của lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp. Chỉ thị số 07/CT-BCA ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về "Tăng cường lãnh đạo, nâng cao văn hóa ứng xử CAND trong tình hình mới”; Chỉ thị 12/CT-BCA của Bộ Công an "về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ CAND" nhằm xây dựng lực lượng Cảnh sát đường thủy trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao, có phẩm chất, đạo đức tốt; luôn mẫn cán và tận tuy trong công việc, có lối sống lành mạnh, thái độ ứng xử có văn hoá, thân thiện.

2. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác thi đua khen thưởng, xây dựng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; động viên CBCS thực hiện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong đơn vị. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nội bộ. Chủ động phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ CBCS sai phạm, không để xảy ra các vụ việc sai phạm nghiêm trọng.

3. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc và nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc và dự báo tốt tình hình liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa của thành phố; kịp thời tham mưu cho Giám đốc CATP, Ban ATGT đề xuất Thành phố các giải pháp có hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT, quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm. Không để xảy ra trọng án, tội phạm hoạt động có yếu tố nước ngoài, tội phạm khủng bố trên các tuyến, địa bàn đường thủy.

4. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo ANTT, TTATGT, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật kết hợp TTKS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xử phạt; kiềm chế, giảm tai nạn giao thông đường thủy trên cả 3 tiêu chí, không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện thủy chở khách; ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn thành phố. Triển khai thực hiện các phương án phân luồng điều tiết giao thông, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống. Duy trì thực hiện và nâng cao chất lượng các công trình, mô hình, phần việc đang triển khai; nghiên cứu, đăng ký xây dựng thêm những công trình, mô hình, phần việc mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Phòng Cảnh sát đường thủy Công an Tp.Hải Phòng