Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Nghiên cứu - Trao đổi
Phát huy vai trò của Ủy ban ATGT các cấp trong vận động nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT
Ngày đăng: 28/04/2017

Năm 2016, cả nước tập trung nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhưng tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên phạm vi cả nước có nhiều chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm được kéo giảm, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong năm 2016, toàn quốc xảy ra 21.589 vụ, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.261 vụ (-5,52%), giảm 43 người chết (-0,49%), giảm 1.792 người bị thương (-8,5%). Điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong năm An toàn giao thông 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.

Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển đã thành công trong việc kéo giảm tỷ lệ thiệt mạng do TNGT xuống dưới 10 người/100.000 dân, góp phần vào việc thực hiện thành công mục tiêu Thiên nhiên kỷ của Liên hợp Quốc. Kết quả này được nhân dân ghi nhận và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

 Ký kết bảo đảm ATGT cho trẻ em trong tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ tư

Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, huy động được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương vào cuộc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT trong năm 2016, bao gồm: hoàn thiện các quy định pháp luật về TTATGT; nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông; siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện và tái cơ cấu lĩnh vực vận tải; đổi mới công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong đó tập trung kiểm tra về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng xe, an toàn kỹ thuật phương tiện, đào tạo, sát hạch lái xe; đổi mới và tăng cường giáo dục tuyên truyền vận động về trật tự ATGT; chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn…

Tuy nhiên có thể thấy TNGT tại VN vẫn còn ở mức cao với thiệt hại lớn về người và tài sản.Trên cơ sở số liệu báo cáo của Bộ Công an, nếu so sánh tiêu chí số người thiệt mạng do TNGT/100.000 dân, Việt Nam đang ở mức 9.5 người, thấp hơn Thái Lan: 12, Malayssia 23.6 và Hàn Quốc 13.6, tuy nhiên nếu so sánh với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Đức, Thuỵ Điển thì với chỉ tiêu này từ 3 đến 4 người/100.000 dân thì rõ ràng chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều.Theo ước tính của nhiều tổ chức trên thế giới (WHO, ADB, JICA) thiệt hại do tai nạn giao thông hàng năm tại Việt Nam có thể chiếm tới 2,9% tổng GDP của cả nước. Với GDP năm 2016 đạt 204 tỷ USD, thiệt hại từ TNGT tại Việt Nam có thể lên tới 6 tỷ USD, tương đương hơn 130.000 tỷ VND/năm. (16 triệu USD, tương đương 350 tỷ VND/một ngày thiệt hại do TNGT). Đây là một con số rất lớn với một quốc gia đang phát triển ở mức trung bình-thấp như Việt Nam. Chính bởi vậy cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để tiếp tục kéo giảm sâu TNGT tại Việt Nam.

Để có các giải pháp đúng, trúng và hiệu quả, cần phải hiểu các nguyên nhân gây nên TNGT.Theo số liệu thống kê về TNGT tại Việt Nam, trong số các nguyên nhân dẫn tới TNGT, nhân tố con người luôn chiếm tỷ trọng rất lớn.Theo phân tích thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an liên quan đến tai nạn giao thông trong năm 2015, (khoảng 20 ngàn vụ), có tới 54% số vụ TNGT là so vi phạm các nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông như chạy quá tốc độ (9%), đi không đúng làn đường, phần đường (26%), tránh vượt sai (10%), chuyển hướng không đúng quy định (9%).

Trong nhiều năm qua, số vụ TNGT liên quan tới nhân tố con người luôn chiếm một tỷ lệ rất cao, tới hơn 70% tổng số vụ TNGT tại Việt Nam. Tại các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, nhân tố con người có thể chiếm tới 92%. Chính bởi vậy một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của chỉ thị 18 CT/TW ngày 4 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông là đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, nhận thức rõ hiểm họa tai nạn giao thông, mỗi người khi tham gia giao thông thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông. Trong các giải pháp cấp bách kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông của Chính phủ trong Nghị Quyết số 88 cũng khẳng định công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông cho mọi đối tượng tham gia giao thông để mọi người tự giác chấp hành là biện pháp quan trọng hàng đầu; yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan thông tin, báo chí phải đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên, kiên trì và liên tục.

Có thể thấy muốn kéo giảm sâu TNGT tại Việt Nam, một trong những giải pháp trọng tâm là cần tập trung thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Trong lĩnh vực này, một quy luật đã được khẳng định: tuyên truyền vận động giáo dục sẽ thay đổi nhận thức, thay đổi nhận thức dẫn tớithay đổi hành vi. Chính bởi vậy tuyên truyền vận động người dân luôn được coi là một giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao an toàn giao thông.

Cùng với hệ thống các cơ quan tổ chức ở trung ương, tại các tỉnh thành phố hiện nay đang có một hệ thống chặt chẽ nhằm bảo đảm trật tự ATGT. Mỗi tỉnh thành phố đều có ban ATGT. Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn. Vị trí trưởng ban do Chủ tịch UBND tỉnh thành phố nắm giữ. Ở cấp tỉnh thành phố, Ban ATGT địa phương bao gồm Văn phòng ban ATGT, các cơ quan thành viên như Sở GTVT, Công an, Giáo dục đào tạo, Y tế, Thông tin truyền thông và nhiều tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội khác. Ở cấp Quận, Huyện hiện nay không có phòng chuyên về an toàn giao thông mà chức năng này thường được ghép vào thành một nhiệm vụ của phòng Kinh tế hạ tầng, Công thương, phòng Quản lý đô thị hoặc có cơ quan thường trực là Công an quận huyện (tại thành phố Hồ Chí Minh).

 Cùng chung tay bảo đảm TTATGT

Để có thể thực hiện tuyên truyền một cách sâu rộng và hiệu quả, ngoài các kênh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin tại chúng, ban ATGT các cấp có vai trò hết sức quan trọng, vì chỉ có ban ATGT tại địa phương mới có thể thực hiện tuyên truyền vận động được người dân ở mức cụm dân cư, tổ dân phố, các trường học... trong lĩnh vực này đã có những địa phương làm rất tốt. Điển hình như:

(1) Kinh nghiệm Thái Bình - “Phủ sóng” ATGT mọi địa bàn

Theo ông Lê Phương Huy, Chánh VP Ban ATGT Tỉnh Thái Bình sau khi phân tích thực trạng và số liệu TNGT, Ban ATGT tỉnh nhận thấy, nguyên nhân chính gây nên các vụ TNGT trên địa bàn chính là người điều khiển phương tiện chưa chấp hành đúng pháp luật giao thông. Do đó, kéo giảm TNGT phải bắt đầu từ ý thức của người tham gia giao thông, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch “phủ sóng” tuyên truyền pháp luật TTATGT tới từng xã, phường, khu dân cư, khu công nghiệp… Ngoài ra, còn tổ chức triển lãm ảnh về TTATGT, những điểm nóng TNGT; Tuyên truyền lưu động, tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người tử vong do TNGT; Trao học bổng cho học sinh bị TNGT hoặc có thân nhân bị TNGT...

 “Đến nay, hầu hết các xã, phường trên địa bàn đã tổ chức được các buổi tuyên truyền ATGT. Các buổi tuyên truyền thường được xây dựng nội dung cho phù hợp từng nhóm đối tượng, như tuyên truyền ở khu công nghiệp phải chú trọng nội dung đi đúng làn đường, phần đường, đi xe máy phải đội MBH, kỹ năng tham gia giao thông an toàn vào ban đêm, trong khu công nghiệp... Tại các trường học sẽ tăng cường nội dung đi bộ, đi xe đạp an toàn, đội MBH đúng cách. Còn tại các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, sẽ có thêm nội dung bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục con em, quản lý các thành viên khi tham gia giao thông...”, ông Huy cho hay.

Theo đề án đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT tiếp tục được chú trọng, tăng cường. Cụ thể, sẽ thành lập các tổ tham mưu tuyên truyền ATGT tại tỉnh và các huyện, thành phố; Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ATGT tại các cơ sở, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức ít nhất 2 buổi/năm truyền thông ATGT cho cán bộ, công nhân, người lao động. Các địa phương hàng ngày sử dụng hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền ATGT vào các buổi sáng và chiều tối, công khai các trường hợp vi phạm giao thông nơi người vi phạm sinh sống. Ngành GD&ĐT đưa ATGT là nội dung bắt buộc trong môn Giáo dục công dân, từng bước xây dựng trung tâm thực hành Luật Giao thông cho học sinh tại các huyện...

(2) Kinh nghiệm thành phố Hồ Chí Minh

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban ATGT thành phố đã thành lập tổ tuyên truyền ATGT cấp thành phố với sự có mặt của các sở ngành đoàn thể: GTVT, Công an, Giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông, văn hóa, đoàn thanh niên, mặt trận tổ quốc...để tham mưu về kế hoạch nội dung các hoạt động tuyên truyền cho ban ATGT thành phố.

Ban ATGT thành phố đã chỉ đạo các cơ quan lắp đặt các giá long môn cung cấp các biển báo điện tử với nội dung đa dạng phục vụ mục tiêu tuyên truyền ATGT trên các cửa ngõ chính ra vào thành phố. Giải pháp này đã góp phần tuyên truyền rất hiệu quả các kiến thức kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người dân sống ở các tỉnh lân cận nhưng làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh (chiếm tỷ lệ rất lớn trong dân số thành phố Hồ Chí Minh)

Ban ATGT thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của ban và truyền thông trong đó có đài tiếng nói thành phố và đài truyền hình thành phố để thực hiện các chương trình “đi an toàn, về nhà hạnh phúc”, theo hình thức trực tuyến, với tần suất cao và liên tục trong năm. Kết quả đánh giá cho thấy chương trình đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc kéo giảm TNGT tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tất nhiên có những nơi công tác vận động tuyên truyền chưa được như mong muốn.Do chưa có quy định cụ thể, đầy đủ tính pháp lý về mô hình, cơ cấu tổ chức, định biên nên các Văn phòng Ban ATGT gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức bộ máy, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác; nhiều địa phương chưa bố trí đủ biên chế và hợp đồng cho Văn phòng Ban, thậm chí một số địa phương không có biên chế.Ở cấp Huyện, hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm trừ một số rất ít địa phương bố trí cán bộ chuyên trách; chính bởi vậy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên mà chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm; nội dung tuyên truyền chưa sát với thực tế.

Trong thời gian tới tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra phức tạp. Bởi vậy để thực hiện thành công nghị quyết mới nhất của Liên hợp quốc về ATGT, trong đó Việt Nam là một thành viên tích cực trong quá trình soạn thảo và cam kết thực hiện, nhằm kéo giảm TNGT đường bộ năm 2020 xuống còn 50% mức của năm 2010, chúng ta cần kiên trì triển khai chỉ thị 18-CT-TW, Nghị Quyết số 88/NQ-CP ngày 24/08/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT, Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trong đó tập trung triển khai những giải pháp vận động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và văn hóa giao thông là một trong những yêu cầu cấp bách từ thực tế.

Để làm được việc này, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông xây dựng văn hoá giao thông tới khu dân cư, mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức, trường học;đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” và phát động phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”.

Có thể khẳng định từng địa phương có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kéo giảm TNGT trên cả nước. Mức độ thành công của các chương trình bảo đảm TTATGT phụ thuộc rất nhiều vào công tác triển khai tại 63 địa phương.Chính bởi vậy, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, và nguồn lực cho các cơ quan chức năng cho hoạt động bảo đảm TTATGT tại địa phương cần được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.Trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng, để phát huy vai trò của ban ATGT các cấp trong công tác vận động tuyên truyền người dân phát huy trách nhiệm, tham gia bảo đảm giữ gìn TTATGT, cần làm tốt một số việc sau:

Thứ nhất: Huy động được toàn bộ lực lực lượng của hệ thống chính trị ở các cấp cùng vào cuộc trong công tác tuyên truyền.Sự vào cuộc của các sở ngành đem lại một sức mạnh chính trị tổng hợp, giúp tận dụng được các kỹ năng, kiến thức trong nhiều lĩnh vực của nhiều cá nhân tổ chức trong công tác vận động tuyên truyền.

Thứ hai: Đảm bảo nguồn lực đặc biệt là nguồn lực về mặt con người cho hoạt động bảo đảm TTATGT tại địa phương. Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi có đủ nguồn lực con người đặc biệt là các vị trí chuyên trách được chính thức hóa về mặt pháp luật thì kết quả và hiệu quả công việc sẽ được nâng lên đáng kể. Trong điều kiện ngân sách gặp khó khăn, cần phát huy tối đa các nguồn lực xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp nêu cao trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng các cơ quan quản lý thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ATGT.

Thứ ba: Đảm bảo năng lực của hệ thống bao gồm năng lực con người, năng lực trang thiết bị, khả năng phối hợp...trong đó chú trọng tới tính ổn định của hệ thống, kể cả khi có sự luân chuyển, thay đổi cá nhân cụ thể trong các phòng ban, tổ chức. Để làm được việc này, cần liên tục tập huấn các kỹ năng phát huy nguồn lực xã hội hóa, hướng dẫn các quy định pháp luật về sử dụng nguồn tài chính xã hội hóa, đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và phát huy vai trò của truyền thông trong thời đại mới

Thứ tư: Có được các tài liệu, số liệu...phù hợp cho công tác vận động tuyên truyền ATGT.Khi tài liệu số liệu được các chuyên gia ở cấp trung ương chủ trì kết hợp với địa phương xây dựng và chuyển cho các cấp ở địa phương thực hiện tuyên truyền thì hiệu quả của công tác tuyên truyền sẽ rất cao. Bởi vậy việc xây dựng những tài liệu tuyên truyền chất lượng cao, dễ nhớ dễ hiểu dễ làm theo, thống nhất trên toàn quốc có vai trò hết sức quan trọng và nên được thực hiện ở cấp trung ương sau khi tham vấn ý kiến của địa phương, cơ sở.

Thứ năm: Có cơ chế chính sách quan tâm đãi ngộ phù hợp, quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của lực lượng tuyên truyền, lực lượng thực thi công vụ, có quy định cụ thể ghi nhận và biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt. Đặc biệt luôn cần coi trọng và ghi nhận vai trò của lực lượng tuần tra kiểm soát tại cấp cơ sở, vì bản chất xử phạt hợp lý cũng là một nội dung trong tuyên truyền.Đồng thờicần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân/tổ chức có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Trong quá trình triển khai các giải pháp trên cần đảm bảo gắn kết quả công tác vận động tuyên truyền với nhiệm vụ trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có những chỉ tiêu định lượng cụ thể để giám sát, quản lý và có điều chỉnh kịp thời với công tác vận động tuyên truyền nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT trên địa bàn địa phương./.

TS Khuất Việt Hùng,

Phó Chủ tịch chuyên trách

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

 

Các tin khác liên quan