Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới
Trả lời câu hỏi công dân
Ngày đăng: 10/11/2020

Bạn Mai Tiến Dũng ở Cao Bằng hỏi: Ngày 02/3/2020 tôi điều khiển xe ô tô tải chở cát bị rơi vãi trên đường và bị Cảnh sát giao thông kiểm tra, tôi mang đầy đủ giấy tờ xe nhưng do không để ý nên Giấy chững nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của tôi bị hết hạn 13 ngày. Như vậy tôi có bị phạt lỗi không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự hay không? Mức phạt cụ thể của tôi trong trường hợp này là bao nhiêu. Xin cảm ơn!

Ban biên tập xin trả lời bạn như sau:

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định việc vận tải hàng hóa bằng xe ô tô khi vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi và phải mang theo các giấy tờ sau:

- Đăng ký xe;

- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Người điều khiển phương tiện khi chở vật liệu xây dựng, cần tuân thủ quy định của pháp luật, che phủ bạt kín và kiểm tra cẩn thận trước khi lưu thông trên đường, không để cho vật liệu rơi vãi xuống đường, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, cụ thể:

Mức phạt đối với hành vi chở hàng hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng để rơi vãi

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông: Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường;

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.

Mức phạt lỗi không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

Như vậy, trong trường hợp của bạn sẽ bị phạt từ 2.400.000 đồng đến 4.600.000 đồng. Nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì bạn sẽ bị xử phạt mức trung bình là 3.500.000 đồng.

Bạn Ong Thế Dũng ở Quảng Ngãi hỏi: Vào khoảng 20 giờ, tháng trước tôi điều khiển xe mô tô đi trên đường thành phố có đèn đường, tôi không bật đèn chiếu sáng và quên không đội mũ bảo hiểm. Tôi bị Cảnh sát giao thông kiểm tra do bận việc nên tôi để quên Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự ở nhà. Xin hỏi tôi sẽ bị xử phạt như thế nào?

Ban biên tập xin trả lời bạn như sau:

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách và phải mang theo các giấy tờ: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị Định 100/2019/NĐ-CP

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ (điểm i khoản 2 Điều 6).

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn (điểm l khoản 1 Điều 6).

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực (điểm a khoản 2 Điều 21);

Như vậy bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền là từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng. Cụ thể bạn sẽ bị phạt tổng số tiền là 550.000 đồng (mức phạt được tính là trung bình của khung hình phạt khi vi phạm giao thông nếu không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ).

Bạn Nguyễn Đức Cảnh ở TP.Hồ Chí Minh hỏi: Tôi có điều khiển xe ô tô tải bị CSGT lập biên bản lỗi chở người đó trên thùng xe và không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Xin hỏi trong trường hợp trên tôi sẽ bị phạt bao nhiêu tiền, có bị tước Giấy phép lái xe không?

Ban biên tập xin trả lời lời bạn như sau:

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định:

Tại khoản 2 Điều 72 Luật giao thông đường bộ năm 2008 các phương tiện vận tải hàng hóa bằng xe ô tô không được chở người trong thùng xe, trừ trường hợp:

- Chở người đi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; chở cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân đi làm nhiệm vụ; chở người bị nạn đi cấp cứu;

- Chở công nhân duy tu, bảo dưỡng đường bộ; chở người đi thực hành lái xe trên xe tập lái; chở người diễu hành theo đoàn;

- Giải tỏa người ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì việc chở người trong thùng xe của ô tô là hành vi không được thực hiện.

Tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

- Đăng ký xe;

- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định như sau:

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô chở người trên thùng xe trái quy định; để người nằm, ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy (điểm c khoản 2 Điều 24);

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (điểm a khoản 9 Điều 24).

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực (điểm b khoản 4 Điều 21);

Như vậy theo quy định với trường hợp của bạn bạn sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 1.600.000 đồng. Ngoài ra, bạn còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

BBT