Hiểm họa TNGT từ đường ngang dân sinh
Thực tế cho thấy đa số các vụ TNGT đường sắt xảy ra trên các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ mà chủ yếu là tại các lối đi dân sinh tự mở trái phép qua đường sắt. Hậu quả các vụ tai nạn ngoài gây thiệt hại về người còn gây thiệt hại đáng kể về vật chất cho toàn xã hội và ngành đường sắt. Nguyên nhân xảy ra tai nạn do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, song phải nhận thấy rằng nhận thức của người tham gia giao thông về đường ngang và quy định của pháp luật khi tham gia giao thông qua đường ngang còn nhiều hạn chế. Điển hình:
Vụ TNGT xảy ra vào 21 giờ 40 ngày 10-3, tại km 639+750 (đường ngang có cảnh báo tự động) thuộc thuộc xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, một xe ô tô chở đất cố tình vượt đường ngang, bất chấp tín hiệu đèn đỏ cảnh báo tàu hỏa đã va chạm làm đầu máy số D19E- 968 bị bung, gãy đầu đấm, đầu máy trôi về phía Nam cách vụ tai nạn 2 km; 3 toa xe giáp đầu máy bị trật bánh; trong đó có 1 toa hàng cơm + 1 toa xe chở khách bị xoay ngang, vuông góc với đường sắt, toa xe chở khách số 3 bị đổ nghiêng 60 độ.Vụ tai nạn khiên lái tàu (tên Lê Minh Phú) đã tử vong ngay trên ca bin đầu máy, 2 hành khách, phụ lái tàu và tài xế ô tô bị thương.
Đầu tàu hỏa nát vụn khiến tài xế tàu hỏa tử vong ngay trên ca bin
Để đảm bảo an toàn, giúp yên tâm khi tham gia giao thông qua đường ngang, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn các quy định của pháp luật hiện hành về đường ngang và quy tắc tham gia giao thông trên đường ngang như sau:
1. Nhận thức về đường ngang:
Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, được Bộ Giao thông vận tải cho phép xây dựng và khai thác. (Khoản 8, điều 3, Luật đường sắt 2005)
Phạm vi đường ngang gồm: Đoạn đường bộ đi qua đường sắt nằm giữa hai chắn hoặc nằm giữa hai ray chính ngoài cùng và hai bên đường sắt cách má ray ngoài cùng trở ra 6 m nơi không có chắn; Đoạn đường sắt nằm giữa hai vai đường bộ tại điểm giao; Phạm vi đất nằm trong tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ. (Điều 4, Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT, ngày 15/8/2012 của Bộ GTVT)
Có nhiều cách phân loại đường ngang, đối với người tham gia giao thông thì chúng ta quan tâm tới việc phân loại đường ngang theo hình thức tổ chức phòng vệ:
- Đường ngang có người gác bao gồm:
+ Đường ngang có: Người gác, giàn chắn hoặc cần chắn, đèn báo hiệu trên đường bộ, chuông điện, biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào, vạch kẻ đường, tín hiệu ngăn đường phía đường sắt (nếu có).
+ Đường ngang có: Người gác, giàn chắn hoặc cần chắn, biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc hàng rào, tín hiệu ngăn đường phía đường sắt (nếu có), vạch kẻ đường (nếu có).
- Đường ngang không có người gác bao gồm:
+ Đường ngang có cần chắn tự động là đường ngang có: cần chắn tự động, đèn báo hiệu trên đường bộ, chuông điện, biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc hàng rào, vạch kẻ đường, không có tín hiệu ngăn đường phía đường sắt.
+ Đường ngang cảnh báo tự động là đường ngang có: Tín hiệu cảnh báo tự động, đèn báo hiệu trên đường bộ, chuông điện, biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc hàng rào, vạch kẻ đường, không có cần chắn, không có tín hiệu ngăn đường phía đường sắt.
- Đường ngang biển báo là đường ngang có: Biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc hàng rào, vạch kẻ đường.
2. Quy định về giao thông trên đường ngang:
Người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải thực hiện quy định sau đây (Điều 41, Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT, ngày 15/8/2012 của Bộ GTVT)
- Phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt;
- Phải chấp hành hướng dẫn của người gác đường ngang hoặc tín hiệu phòng vệ đường ngang: Hiệu lệnh của người gác chắn, cờ đỏ, biển đỏ, đèn đỏ; Chắn đường bộ; Tín hiệu đèn, tín hiệu chuông.
- Khi có báo hiệu dừng (hiệu lệnh của người gác chắn, cờ đỏ, biển đỏ, đèn đỏ, còi, chuông kêu, chắn đã đóng), người và tất cả các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước báo hiệu dừng (trước “vạch dừng”: vạch tín hiệu số 1.12 “Dừng lại”, biển báo hiệu số 122 “Dừng lại”, Điều 21, Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT, ngày 15/8/2012 của Bộ GTVT)
Tuy có đèn báo hiệu và biển báo “dừng lại” nhưng người dân vẫn “vô tư” đi qua đường ngang bất chấp nguy hiểm
- Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng.
- Cấm người không có trách nhiệm leo trèo, xê dịch, động chạm vào các tín hiệu, thiết bị đường ngang; vào nhà gác đường ngang.
- Đối với đường ngang biển báo, người đi bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi sắp đi vào đường ngang phải dừng lại, chú ý quan sát biển báo, lắng nghe còi tàu, quan sát trên đường sắt từ xa ở 2 phía đường ngang, nếu thấy tàu hoặc phương tiện giao thông đường sắt đang đến gần đường ngang thì phải dừng trước đường ngang cách má ray ngoài cùng trở ra ít nhất 5 m và phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.
Dừng, đỗ xe trong phạm vi đường ngang (Điều 42, Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT, ngày 15/8/2012 của Bộ GTVT):
- Trong phạm vi đường ngang, cấm quay đầu xe và dừng, đỗ xe.
- Khi cần phải đỗ xe gần đường ngang, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải chấp hành biển chỉ dẫn giao thông đường bộ, nơi không có biển chỉ dẫn thì phải đỗ xe cách xa chắn đường bộ ít nhất 10 m ở nơi có chắn hoặc đỗ cách xa má ray ngoài cùng ít nhất 20 m ở nơi không có chắn nhưng không được ảnh hưởng đến tầm nhìn của người quan sát hệ thống báo hiệu đường ngang.
Xử lý khi có trở ngại trên đường ngang (Điều 44, Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT, ngày 15/8/2012 của Bộ GTVT):
Khi phương tiện giao thông đường bộ bị hư hỏng, bị tai nạn hoặc hàng hoá rơi đổ tại đường ngang không có nhân viên gác chắn mà điểm gần nhất của xe hoặc của hàng hoá cách ray ngoài cùng nhỏ hơn 1,7 m thì người điều khiển phương tiện giao thông đó phải tìm biện pháp để báo hiệu cho tàu dừng trước chướng ngại theo quy định:
- Khi khẩn cấp có tàu tới gần, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải nhanh chóng đi về phía có tàu làm tín hiệu cho tàu đỗ lại: ban ngày dùng cờ đỏ hoặc vải đỏ mở, ban đêm dùng đèn đỏ, hướng về phía đoàn tàu tới. Nếu không có cờ đỏ, vải đỏ hoặc ánh đèn màu đỏ, thì ban ngày hai tay nắm lại hoặc cầm bất cứ vật gì quay vòng tròn hướng về phía tàu; ban đêm dùng đèn (bất cứ màu gì, trừ màu lục) hoặc ánh lửa, quay vòng tròn hướng về phía tàu.
- Khi không biết chắc chắn có tàu sắp tới và nếu ngoài người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, có đủ hai người thì mỗi người đi về một phía đường sắt, nếu chỉ có một người thì người đó đi về phía có tầm nhìn xấu hơn hoặc có độ dốc xuống phía đường ngang, đến chỗ cách đường ngang từ 500 m đến 800 m, đứng về phía tay phải, cách ray ngoài cùng ra 2 m, quay lưng về phía đường ngang để sẵn sàng làm tín hiệu cho tàu đỗ lại như quy định tại mục 1 nêu trên.
Nếu đường ngang ở gần ga, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có thể cử người về ga báo, sau khi đã bố trí phòng vệ như trên.
- Nếu chỉ có một mình, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải dùng hai cọc gỗ hoặc tre (cấm dùng cọc bằng kim loại hoặc bằng vật cứng khác), có buộc áo hoặc bằng mảnh vải (ban ngày) và đèn hoặc mồi lửa (ban đêm), cắm giữa lòng đường sắt, cách đường ngang ít nhất 500 m, cao trên mặt ray ít nhất 1m để làm tín hiệu phòng vệ báo cho người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt ngừng lại.
Đồng thời với việc thực hiện các biện pháp trên, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải tích cực và nhanh chóng tìm cách đưa xe hoặc hàng hoá ra khỏi đường sắt. Khi đã đưa các chướng ngại ra cách ray ngoài cùng 2,2 m và sau khi xem xét lại đường sắt không có trở ngại và hư hỏng, bảo đảm không có bộ phận nào của xe hoặc hàng hoá có thể rơi, đổ vào phạm vi an toàn của đường sắt, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải lập tức bỏ tín hiệu phòng vệ do mình đã đặt, sau đó tiếp tục đưa các chướng ngại ra xa đường sắt
3. Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm khi tham gia giao thông nơi đường ngang:
- Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm :
+ Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm: Lùi xe ở nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt (điểm l, khoản 2, điều 5, nghị định 171/2013/NĐ-CP).
+ Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm: Quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, (điểm d, khoản 3, điều 5, nghị định 171/2013/NĐ-CP)
+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm: Không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe ô tô bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt (điểm h, khoản 4, điều 5, nghị định 171/2013/NĐ-CP)
- Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm: Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt (điểm h, khoản 3, điều 6, nghị định 171/2013/NĐ-CP)
- Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm: Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt (điểm b, khoản 2, điều 8)
Chúc các bạn tham gia giao thông an toàn và đúng quy định của pháp luật!
BBT