1. Chuyên mục Khởi hành Chào buổi sáng VTV1:
Giải pháp hỗ trợ du khách ra Cát Bà sau sự cố chìm phà; Xử lý nghiêm xe khách đón trả khách sai quy định; Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma tuý.
Ngày 28/5/2024, báo Giao thông có tin: Ba năm, làm xong 800km cao tốc: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm thi công "3 ca, 4 kíp", xuyên lễ xuyên Tết của toàn ngành GTVT, đến nay cả nước đã có hơn 2.000km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác. Riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng chiều dài đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác lên tới hơn 800km, mang đến cơ hội phát triển lớn cho các địa phương có cao tốc đi qua. Thực tế thời gian qua cho thấy, các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác đang tạo ra giá trị lớn cho kinh tế xã hội địa phương. Điển hình ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ tuyến TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, mới đây, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 tiếp tục được đưa vào khai thác, thời gian thông thương đến TP.HCM - trung tâm kinh tế của cả nước được rút ngắn đáng kể. Đó là hiệu quả có thể nhìn thấy được, là yếu tố quan trọng để địa phương có điều kiện tốt trải thảm đỏ mời nhà đầu tư. Hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế như đẩy mạnh đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Riêng với nông sản, nếu giao thông không thuận tiện, câu chuyện "được mùa, mất giá" diễn ra thường xuyên.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, thực tiễn cho thấy, những dự án thường đổ về các tỉnh có điều kiện thuận lợi nhất về giao thông. Ở Đồng bằng sông Hồng trên trục Hà Nội - Hải Dương, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Ninh… khi hệ thống giao thông được cải thiện, nguồn đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, các khu công nghiệp được lấp đầy. Thực tế cho thấy, các địa phương có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước. Đơn cử, giai đoạn 2011-2019 tốc độ tăng GRDP bình quân của các tỉnh, thành phố: Lào Cai 10,23%/năm, Yên Bái 7,15%/năm, Phú Thọ 8,06%/năm, Hải Phòng 12,89%/năm, Quảng Ninh 9,91%/năm, Hải Dương 8,62%/năm, Tiền Giang 6,88%/năm, Long An 10,23%/năm… Trong khi tốc độ tăng GDP bình quân cả nước đạt khoảng 6,3%/năm.
+ Vụ xe máy tông bé gái rồi bỏ chạy, xử lý người giao xe cho nam thiếu niên: Ngày 26/5, Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý đối với người điều khiển xe máy tông vào bé gái rồi tăng ga bỏ chạy. Theo đó, người cầm lái xe gây tai nạn được xác định là thiếu niên 14 tuổi và chưa đủ điều kiện để điều khiển xe máy theo quy định của pháp luật. Trước đó, vào khoảng 19h45 ngày 19/5, Đoàn Lê Thanh D. (14 tuổi, trú phường 12, thành phố Đà Lạt) điều khiển xe máy chở theo Phạm Nhật N. (13 tuổi) lưu thông từ hướng cầu Mê Linh về khu phố 3 Mê Linh, phường 9, thành phố Đà Lạt. Khi đến khu vực hẻm trên đường Mê Linh, xe máy do D. điều khiển tông trúng bé T.C.L.A. (học lớp 3, trú phường 9, Đà Lạt). Cú va chạm làm bé A. ngã đập đầu xuống đường, bất tỉnh tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, D. điều khiển xe máy bỏ chạy khỏi hiện trường. Theo người nhà nạn nhân, bé A. hiện được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng trong tình trạng chấn thương vùng đầu, ảnh hưởng đến xương sọ, tụ máu màng cứng.
+ Xe tải chở gỗ dăm lật chắn ngang đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Sáng 25/5, đại diện Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Đội 3, Cục CSGT) cho biết, do xe tải chở gỗ dăm bị lật chắn ngang đường nên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã ùn tắc cục bộ. Lực lượng CSGT nhanh chóng dọn dẹp gỗ đổ ra đường, thông tuyến. Hồi 6h30 ngày 25/5/2024, ô tô tải mang BS 35C- 054.XX do tài xế N.V.Đ. (trú tại Thanh Ba, Phú Thọ) điều khiển, đi theo hướng Hà Nội - Ninh Bình đến Km 206+500 trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn qua xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thì bất ngờ bị lật, một lượng lớn gỗ dăm đổ vương vãi khắp mặt đường. Nhận được tin báo, Đội 3 đã nhanh chóng cử tổ công tác đến hiện trường, phân luồng giao thông giảm ùn tắc và thông báo cho đơn vị vận hành tuyến đường tổ chức cứu hộ. Tổ công tác cũng nhanh chóng dọn dẹp để mở lối cho các phương tiện khác lưu thông, giảm ùn tắc. Đến gần 9h, tình hình ùn tắc trên tuyến giảm bớt, ô tô có thể lưu thông chậm ở ba làn đường còn lại.
+ Giải pháp để hoàn thành hàng trăm km đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM: Theo quy hoạch được duyệt, TP Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km. Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội mới hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác vận hành 1 tuyến (Cát Linh - Hà Đông dài 13km) và đang thi công xây dựng 2 tuyến (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Nhổn - Ga Hà Nội dài 24km). Các tuyến còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Tại TP. HCM, ông Hoàng Ngọc Tuân, Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, theo quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị thành phố có hơn 220km với 8 tuyến. Đến nay, thành phố mới chỉ triển khai được 2 tuyến. Trong đó, tuyến đường sắt đô thị số 1 dài 19,7km dự kiến đưa vào khai thác thương mại vào năm 2024. Tuyến tàu điện ngầm số 2 giai đoạn 1 dài 11,3km dự kiến vận hành vào năm 2032. Như vậy, sau 20 năm triển khai nghiên cứu, phát triển các dự án đường sắt đô thị, đến nay TP.HCM vẫn chưa có tuyến đường sắt đô thị nào chính thức khai thác thương mại.
Trong khi đó, theo các chuyên gia để giải bài toán ùn tắc giao thông cho các đô thị từ 5 triệu dân trở lên thì chỉ có đường sắt đô thị mới giải quyết được. Nhưng nếu cứ tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như 20 năm qua thì có thể hàng trăm năm nữa cũng không thực hiện xong hệ thống đường sắt đô thị. Từ kinh nghiệm quốc tế trong đầu tư, quản trị phát triển đường sắt đô thị, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo hỗ trợ tối đa các thành phố phát triển hệ thống đường sắt đô thị. "Mỗi thành phố cần có một doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Việc cấp vốn từ nguồn ngân sách không vượt quá 50% và phần nhiều thông qua quỹ đất. Các dự án đầu tư bất động sản, quản lý đặc biệt coi trọng hợp tác công tư. Việc chọn tuyến hướng và đặt nhà ga coi trọng khả năng tạo giá trị tổng thể và phát triển nội sinh. Hà Nội và TP.HCM nên thực hiện 1-2 tuyến thử nghiệm với các tiêu chí: Tính khả thi cao, tác động lớn, phí thu hồi đất thấp và nên chọn phương án ngầm nếu cần thiết. Thời gian hoàn tất các dự án thử nghiệm này là trước năm 2030. Các dự án nên chú trọng 3 tiêu chí lớn: Chất lượng, giá thành và tiến độ thực hiện”, ông Sakaki Shigeyuki, đại diện WB tại Việt Nam chia sẻ.
3. Tình hình TNGT:
Ngày 28/5/2024, báo Giao thông có tin:
+ Ô tô tải cán xe máy ở ngã 5, hai người thương vong: khoảng 14h15 ngày 27/5, tại ngã 5 đường 376 giao với quốc lộ 38 đoạn thôn Đỗ Hạ, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên xảy ra vụ tai nạn giữa một xe tải mang BS 34H - 034.71 va chạm một xe máy BS 89K5 - 360x, chiếc xe máy cùng hai người đàn ông đi trên xe máy bị cuốn vào gầm và đẩy đi khoảng 5m thì ô tô tải dừng lại. Hậu quả, một nạn nhân tử vong tại chỗ, một nạn nhân bị thương nặng cấp cứu bệnh viện.
+ Va chạm ô tô tải, người phụ nữ đi xe máy tử vong tại chỗ: hồi 9h15’ ngày 27/5, trên tuyến đường Hùng Vương (quốc lộ 1 qua TP Huế), thuộc địa phận phường Phú Nhuận, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra vụ tai nạn giữa một ô tô BS 75C - 012.07 va chạm với xe máy BS 75B1 - 106.63 do bà Lê Thị Ánh Ng (SN 1962, trú tại phường Thuận Lộc, TP Huế) điều khiển đang lưu thông cùng chiều. Vụ tai nạn đã khiến người phụ nữ đi xe máy tử vong tại chỗ.
+ Xe máy kẹp 3 tự gây tai nạn, nam sinh lớp 12 thiệt mạng: khoảng 9h40 ngày 27/5, trên địa bàn xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xảy ra vụ tai nạn giữa 3 em học sinh chở nhau trên chiếc xe máy mang BS 38K1 - 138.23 (chưa rõ danh tính người điều khiển) lưu thông trên tuyến đường Hà Hoa (thuộc địa phận xã Kỳ Hoa) tự ngã. Sau khi xảy ra vụ tai nạn, em Nguyễn Quốc A (trú tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) được người dân đưa đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh cấp cứu nhưng tử vong sau đó. Hai em còn lại là Nguyễn Doãn Tần và Nguyễn Trọng Tấn (cùng trú tại xã Kỳ Tân) bị thương đang được theo dõi.
Ngày 28/5/2024, báo Đời sống Pháp luật có tin:
+ Va chạm giữa hai xe máy, 4 người thương vong: hồi 22h14 ngày 26/5 tại thôn La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước xảy ra vụ tai nạn giữa một xe máy mang BS 85E1-xxx chở theo chị Tống Thị Bé An (21 tuổi, ngụ xã Phước Hải) chạy theo hướng từ cổng thôn La Chữ đến sân bóng thôn Mông Đức. va chạm với mô tô 85D1 (chưa rõ người điều khiển) trên xe có anh Lê Đình Thắng (24 tuổi) và Nguyễn Tấn Lưu (20 tuổi, cùng ngụ thôn La Chữ, xã Phước Hữu) lưu thông theo hướng ngược lại. Cú va chạm mạnh làm chị Tống Thị Bé An và anh Nguyễn Tấn Lưu tử vong trên đường đi cấp cứu. Anh Lê Đình Thắng và anh Phạm Minh Về bị thương. Hiện Công an huyện Ninh Phước đã khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
+ Cụ bà bị xe máy điện đâm tử vong: hồi 20h10 ngày 26/5, tại đường liên xã Nam Hồng - thị trấn Nam Sách đoạn thôn Đụn, xã Nam Hồng (Nam Sách, Hải Dương) xảy ra vụ tai nạn giữa xe máy điện mang BS 88MĐ9-085.11 di chuyển theo hướng xã Nam Hồng - thị trấn Nam Sách đã va chạm với bà T.T.C. (sinh năm 1948, ở cùng thôn Đụn) đang đi bộ sang đường. Mặc dù bà C. được người dân và lực lượng chức năng khẩn trương đưa đi cấp cứu, nhưng đã tử vong ngay trên đường đi. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách đã khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.