Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / An toàn giao thông
Tàu hỏa đâm ôtô hay ôtô đâm tàu hỏa
Ngày đăng: 14/01/2009
Thời gian gần đây, tình trạng ô tô đổ vào khổ giới hạn an toàn giao thông Đường sắt (GTĐS), chết máy trên Đường sắt (ĐS), cố tình vượt ẩu qua ĐS trong khi tàu đang đến gần... đã xảy ra khá nhiều, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn GTĐS.

Có một số vụ, do tài xế tàu hỏa, tuần đường hoặc người dân phát hiện từ xa đã kịp thời báo hiệu dừng tàu, tránh được tai nạn xảy ra. Nhưng cũng có một số vụ mà người điều khiển ô tô thiếu quan sát hoặc quá liều lĩnh, bất chấp tín hiệu cảnh báo dừng xe của ĐS, cố tình vượt qua đường ngang khi tàu đang đến gần, và hậu quả là tai nạn đã xảy ra. Xin lấy 3 trong 6 vụ va quệt giữa ô tô và tàu hỏa trong tháng 11-2008 để làm dẫn chứng.

8 giờ 7 phút ngày 25-11-2008, đoàn tàu hàng mang số hiệu 322 do đầu máy (ĐM) 725 kéo, đến km 158+010 (khu gian Nghĩa Trang-Đò Lèn). Tại đây có đường ngang giao cắt với ĐS bằng tín hiệu cảnh báo tự động. Mặc dù chuông đã reo và đèn đã sáng, tài xế ô tô BKS 36M-4577 vẫn cố tình cho ô tô vượt qua và đã bị tàu va phải làm ô tô hỏng nhẹ, ĐM bị vỡ đèn bên trái, cong tay vịn bậc lên xuống. Điều độ phải cho phong tỏa khu gian và điện các đơn vị liên quan tới giải quyết, đến 8 giờ 55 phút mới kéo được ô tô ra khỏi ĐS. Bế tắc ĐS chính tuyến 48 phút.

Cũng trong ngày 25-11-2008, vào lúc 14 giờ 12 phút, đoàn tàu khách SE5 do ĐM 494 kéo, khi đến km 66+150 (khu gian Phủ Lý-Bình Lục), tại đây có đường ngang giao cắt với ĐS cảnh báo bằng biển, có một xe ô tô loại 4 chỗ ngồi mang BKS 29K-8515 không chú ý quan sát cố vượt qua ĐS. Do phía trước có xe nên ô tô không vượt ra khỏi khổ giới hạn ĐS được và đã bị tàu va, làm 1 người ngồi trong ô tô bị thương, ô tô hỏng. Bế tắc chính tuyến ĐS 29 phút.

Lúc 8 giờ 20 phút ngày 26-11-2008, đoàn tàu khách nhanh mang số hiệu SPT2 chạy hướng Sài Gòn-Phan Thiết do đầu máy 212 kéo, chạy đến km 1684+750 trên khu gian Hố Nai-Trảng Bom đã đâm vào ô tô kéo container mang BKS 79H-3986 đang ở trên ĐS. Tai nạn xảy ra đã đẩy ô tô đi 68,8 mét. Tại đây ngành ĐS đã cho lắp hệ thống cảnh báo tàu hỏa tự động bằng chuông và đèn. Theo những người dân chứng kiến ở đây cho biết, khi tàu hỏa đang đến gần, chuông đã reo và đèn đã báo sáng, nhưng tài xế ô tô cố cho ô tô vượt qua. Hậu quả là tài xế xe ô tô và 1 công nhân đang sửa chữa điện gần đó bị thương, ô tô hỏng hoàn toàn. ĐM 212 bị trật bánh 2 trục cách ray 0,5 mét, vỡ bình ắc-quy, vỡ két nước, vỡ nồi hãm. Hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động của ĐS bị gãy cột, vỡ tủ điều khiển. Công tác cứu viện làm bế tắc chính tuyến ĐS 421 phút, làm chậm liên đới các tàu khác tổng số 1731 phút...

Một điều rất buồn lòng đối với người ĐS là hễ cứ khi có tai nạn va quệt giữa tàu hỏa với ô tô thì ngoài một số tờ báo lớn có uy tín như Lao động, Nhân dân, Vietnamnet... nêu rất khách quan, nói rõ đúng sai thì một số tờ báo khác lại đăng tải vụ tai nạn với cái tít khá "giật gân", câu khách là Tàu hỏa đâm ô tô, rồi nêu thiệt hại, quy trách nhiệm cho ĐS, không đả động gì đến nguyên nhân, đến lỗi của người điều khiển ô tô. Đối với người làm vận tải ĐS, tai nạn xảy ra là điều không mong muốn dù lỗi do ai; tuy nhiên hướng dẫn dư luận cũng cần có cái tâm, khách quan và cần căn cứ vào các văn bản  quy định của pháp luật để người ĐS tâm phục khẩu phục.

Điều 3 Luật ĐS có quy định: Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với ĐS, được Bộ Giao thông vận tải cho phép xây dựng và khai thác. Tại Điều 71 Luật ĐS có ghi: Giao thông tại đường ngang, cầu chung quyền ưu tiên thuộc về tàu. Người tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang, cầu chung thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB). Tại điểm 2, 3- Điều 23 Luật GTĐB có ghi: "Tại nơi đường bộ giao cắt với ĐS chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia GTĐB phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc chuông báo hiệu đã ngừng mới được đi qua. Tại nơi đường bộ giao cắt với ĐS không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả 2 phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện ĐS đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện ĐS đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất, và chỉ khi phương tiện ĐS đã đi qua mới được đi ".

Theo những quy định tại các văn bản pháp luật trên thì dù có "muốn" (giả thiết) tàu hỏa cũng không thể đâm ô tô, xe máy trên đường bộ được nếu ô tô, xe máy không vi phạm vào khổ giới hạn an toàn GTĐS (!). Có nghĩa là có tai nạn, nhưng ĐS bị "vạ lây"!

Trong năm 2007, 2008, Bộ GTVT cũng như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt ra quân, tuyên truyền về Luật ĐS, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1856/QĐ-TTg ngày 27-12-2007 về kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn GTĐS, nhiều thông tin về an toàn GTĐS và các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông đường bộ khi qua các đường ngang có giao cắt với ĐS đã được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Và xin được lưu ý bạn đọc một điều: Trước khi qua đường ngang có giao cắt giữa đường bộ và ĐS, dù bạn điều khiển ô tô hay xe máy, hãy giảm tốc độ và quan sát tàu, biển báo, thiết bị cảnh báo cẩn thận trước khi quyết định băng qua ĐS. Bạn có thể chậm một vài phút nhưng an toàn cho bạn và an toàn cả cho ĐS./.

Các tin khác liên quan