Thứ nhất, bảo hiểm bảo vệ thiệt tại tài chính nếu có của các chủ đầu tư, người sản xuất kinh doanh.
Trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã không ngừng phát triển các sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiệt hại kinh tế, gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba, bảo hiểm trách nhiệm công cộng. Từ năm 2000 đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 242.171 tỷ đồng, trong đó, riêng giai đoạn 2015-2018 là 113.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của các DNBH, khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách tài khóa.
Thứ hai, bảo hiểm góp phần bổ trợ cho chính sách an sinh xã hội, thông qua việc đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng, trong đó tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tổng giá trị được bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là 1 triệu tỷ đồng; trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, sức khỏe là 700 nghìn tỷ đồng. Hiện nay gần 7,5 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 8% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập 61%).
Thứ ba, bảo hiểm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng đầu tư trở lại nền kinh tế.
Từ năm 2000 đến nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 21,6%/năm), đã huy động gần 300.000 tỷ đồng vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế (lĩnh vực phi nhân thọ là 41.000, nhân thọ 258.450 tỷ đồng), phần lớn thông qua hình thức phí bảo hiểm vào các hợp đồng bảo hiểm tiết kiệm và đầu tư dài hạn (thời hạn trên 10 năm), qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, tăng tích lũy tiết kiệm cho nền kinh tế thông qua việc bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn ổn định cho nền kinh tế. Trong đó, 70% đầu tư của các DNBH vào trái phiếu Chính phủ, góp phần ổn định các kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ.
Thứ tư, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế với các thị trường bảo hiểm quốc tế và khu vực, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và nhà nước ta về hội nhập quốc tế.
Từ năm 2003, cơ quan quản lý bảo hiểm được kiện toàn, trở thành thành viên Hiệp hội quốc tế của các nhà quản lý bảo hiểm (IAIS) vào năm 2007. Thị trường bảo hiểm mở cửa rộng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài theo các Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước như EU, Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho hàng hoá (dệt may, da giầy,…) của Việt Nam xâm nhập vào thị trường các nước.
Các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo hiểm được mở rộng. Hội nhập kinh tế (WTO, AEC 2015) đã tạo điều kiện hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế về giám sát bảo hiểm do Hiệp hội các cơ quan quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS) ban hành. Các chính sách về quản trị doanh nghiệp, hệ thống cảnh báo sớm đã được hình thành thông qua cơ chế tham vấn, chia sẻ thông tin qua diễn đàn Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM). Hợp tác song phương với các tổ chức, đối tác quốc tế đã và đang hỗ trợ cơ quan quản lý, giám sát xây dựng chính sách về bảo hiểm thiên tai (WB, ADB), bảo hiểm năng lượng nguyên tử (Pool bảo hiểm năng lượng nguyên tử Nhật Bản), phát triển hệ thống công nghệ thông tin (WB), đào tạo tăng cường năng lực (FSS Hàn Quốc, FSA Nhật Bản)...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm và Hiệp hội bảo hiểm cũng tích cực mở rộng quan hệ với các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm quốc tế, các Hiệp hội bảo hiểm trong khu vực nhằm tăng cường cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, nâng cao năng lực tài chính, bảo vệ các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trong trường hợp phải bồi thường cho các tổn thất về thiên tai, dịch bệnh mang tính chất thảm hoạ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh hoạt động đào tạo và trao đổi thông tin phục vụ tốt hơn hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Thứ năm, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình của Chính phủ
Về thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp
Triển khai thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 và Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 27/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã đạt được kết quả đáng kể: Tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia thí điểm: 304.017; Tổng giá trị được bảo hiểm: 7.747,9 tỷ đồng; Tổng số phí bảo hiểm: 394 tỷ đồng; Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm: 712,9 tỷ đồng. Kết quả trên đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, góp phần thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp, theo đó quy định:
+ Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.
+ Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, thông qua việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.
Liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp xây dựng và có Tờ trình số 56/TTr-BTC ngày 31/5/2018 trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Về thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
Với mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về bảo hiểm với vai trò là một công cụ chuyển giao rủi ro, bảo vệ tài chính, chương trình thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu được thực hiện trong 3 năm 2011- 2013 nhằm đưa ra sản phẩm nghiệp vụ mới, góp phần bảo hiểm rủi ro trong thanh toán cho thương nhân xuất khẩu. Các DNBH đã cấp được tổng số 46 hợp đồng bảo hiểm với tổng kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm thu được là 17,23 tỷ đồng, tổng số tiền bồi thường là 13,33 tỷ đồng.
Kết thúc chương trình thí điểm, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các DNBH tham gia chương trình thí điểm thực hiện quyết toán theo quy định, khuyến khích DNBH chủ động phát triển sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu như sản phẩm tự nguyện, nhà nước sẽ có hỗ trợ kinh phí tuyên truyền khi DNBH có nhu cầu.
Tuy nhiên, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chỉ là sản phẩm bổ sung cho việc thanh toán tiền hàng xuất khẩu, không thể thay thế cho phương thức thanh toán qua ngân hàng như thư tín dụng (L/C); ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi. Mặt khác, điều kiện, thủ tục theo luật pháp quốc tế về hình thức bảo hiểm này rất ngặt nghèo, vì vậy, sản phẩm này chưa thể phát triển ở Việt Nam trong tương lai gần.
Mở rộng và phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới
Tổng số sản phẩm bảo hiểm trên thị trường hiện nay lên tới 850 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, 450 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Ngoài việc phát triển về số lượng, sản phẩm bảo hiểm được phát triển theo hướng ngày càng đa dạng và linh hoạt, thực hiện cho tất cả 7 nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, 11 nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe được triển khai, ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể:
- Bảo hiểm bảo lãnh:
Ngày 9/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, theo đó, bổ sung nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh thuộc bảo hiểm phi nhân thọ. Nghị định ban hành tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các DNBH triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh, góp phần đa dạng hóa sự lựa chọn của khách hành về các giải pháp đảm bảo an toàn tài chính và góp phần phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.
- Bảo hiểm hưu trí:
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2013/TT-BTC ngày 20/8/2013 và Thông tư số 130/2015/TT-BTC ngày 25/8/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm này.
Đến nay, Bộ Tài chính đã cấp phép cho 06 DNBH nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí (AIA, Dai-ichi, Manulife, PVI Sunlife, Prudential và Bảo Việt). Căn cứ vào báo cáo kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, tính đến hết năm 2017, doanh thu phí từ các hợp đồng bảo hiểm hưu trí lũy kế đạt 1.162 tỷ đồng, với 8.267 hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.
- Bảo hiểm liên kết chung:
Hiện nay, đã có 17/18 DNBH nhân thọ triển khai sản phẩm bảo hiểm này với doanh thu phí đạt 27.145 tỷ đồng và số lượng hợp đồng có hiệu lực đạt 2,77 triệu hợp đồng. Bảo hiểm liên kết chung dần trở thành sản phẩm chủ đạo của một số DNBH nhân thọ.
- Bảo hiểm liên kết đơn vị:
Ngày 15/8/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 135/2012/TT-BTC thay thế cho Quyết định số 102/2007/QĐ-BTC hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.
Hiện nay đã có 04 DNBH nhân thọ triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị là Manulife, Prudential, Dai-ichi và AIA. Tổng doanh thu phí bảo hiểm liên kết đơn vị giai đoạn 2012-2017 đạt 2.783 tỷ đồng. Tổng số hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực tính đến thời điểm 31/12/2017 là 31.454 hợp đồng.
- Bảo hiểm vi mô:
Thực hiện Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 và ý kiến chỉ đạo của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô đối với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tài chính cộng đồng (CFRC) thuộc Hội Khuyến học Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô làm việc với bên mua bảo hiểm và các tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô tại các địa phương nhằm cung cấp bảo hiểm vi mô tốt nhất cho người nghèo, người có thu nhập thấp tại mọi địa bàn. Tính đến cuối năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm đạt 24 tỷ đồng, số hợp đồng có hiệu lực đạt hơn 140.000 hợp đồng.
- Bảo hiểm thủy sản (tàu cá, ngư lưới cụ, thuyền viên):
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm thủy sản. Sau hơn 3 năm triển khai tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, việc thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ đã đạt được kết quả nhất định cụ thể như sau:
Năm 2015: Tổng giá trị bảo hiểm là 29.422 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 10.092 tàu cá; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm là 98.791 thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm là 252,3 tỷ đồng.
Năm 2016: Tổng giá trị bảo hiểm là 48.023 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 12.677 tàu cá; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm là 125.319 thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm là 407,6 tỷ đồng.
Năm 2017: Tổng giá trị bảo hiểm là 41.203 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 10.757 tàu cá; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm là 108.214 thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm là 399,4 tỷ đồng.
Đến ngày 31/12/2017: Các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường bảo hiểm với số tiền ước đạt 390 tỷ đồng (năm 2015, 2016, 2017). Các DNBH vẫn đang tiếp tục giám định, xem xét, giải quyết các vụ việc đã phát sinh và theo dõi các hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực nhưng chưa phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.
Ngày 02/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (trong đó có chính sách bảo hiểm). Hiện nay, các DNBH phi nhân thọ đang tiếp tục triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP.
P.L