- Hiện nay, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Hệ thống văn bản pháp luật này đã quy định rõ nguyên tắc bồi thường; Hồ sơ bồi thường; Quyền trách nhiệm của chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), quy định xử phạt đối với các trường hợp vi phạm...
Cụ thể, tại Điều 17 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và Điều 16 Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định chủ xe cơ giới có quyền yêu cầu DNBH giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc giao kết, thực hiện và hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.
Tại Điều 20 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và Điều 19 Thông tư 22/2016/TT-BTC cũng đã quy định DNBH có trách nhiệm: Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm và giải thích rõ Quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho chủ xe cơ giới; DNBH phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho chủ xe cơ giới theo mẫu quy định (trên Giấy chứng nhận bảo hiểm có số điện thoại đường dây nóng của DNBH).
Như vậy, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới đã cơ bản đồng bộ, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia bảo hiểm. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của chủ xe cơ giới nhằm góp phần ổn định tài chính và đời sống sau tai nạn giao thông.
- Anh có thể tham khảo một số nội dung cần thiết liên quan đến bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới như sau:
*Khi xảy ra tai nạn:
1. Chủ xe và/hoặc lái xe phải có trách nhiệm tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn, bảo vệ tài sản đồng thời báo ngay cho Cảnh sát giao thông hoặc cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương và DNBH đã tham gia nơi gần nhất để phối hợp giải quyết tai nạn. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn, Chủ xe cơ giới phải gửi cho DNBH thông báo tai nạn bằng văn bản (theo mẫu do DNBH cung cấp).
2. Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của DNBH, trừ trường hợp làm như vậy là cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
* Hồ sơ bồi thường bao gồm:
1. Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường (theo mẫu do DNBH cung cấp)
2. Các chứng từ xác định và chứng minh thiệt hại do tai nạn.
3. Bản sao có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc của nhân viên DNBH các giấy tờ sau:
3.1. Giấy chứng nhận bảo hiểm;
3.2. Giấy phép lái xe;
3.3. Giấy chứng nhận đăng ký xe;
3.4. Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường;
4. Bản sao bộ hồ sơ tai nạn (có xác nhận của Công an nơi thụ lý tai nạn) bao gồm:
4.1. Sơ đồ hiện trường tai nạn giao thông;
4.2. Biên bản khám nghiệm hiện trường;
4.3. Biên bản khám nghiệm xe liên quan tới tai nạn giao thông;
4.4. Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông;
4.5. Biên bản giải quyết tai nạn giao thông (nếu có);
4.6. Bản kết luận điều tra tai nạn của Công an (nếu có);
5. Bản án hoặc Quyết định của Toà án (nếu có).
6. Các biên bản, tài liệu xác định trách nhiệm của người thứ ba (trong trường hợp tổn thất do người thứ ba gây ra).
7. Biên bản giám định thiệt hại.
8. Các chứng từ xác định thiệt hại do tai nạn:
- Đối với thiệt hại về vật chất xe phải có thêm các chứng từ hoá đơn liên quan đến việc sửa chữa, thay thế hoặc mua mới. Biên bản mất cắp, mất cướp xe có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (trường hợp xe bị trộm cắp, bị cướp, bị cưỡng đoạt).
- Đối với thiệt hại về hàng hoá phải có thêm chứng từ xác định nguồn gốc, giá trị hàng như: Hợp đồng vận chuyển, bộ chứng từ về hàng hoá được vận chuyển.
- Đối với thiệt hại về người phải có thêm các chứng từ y tế xác định tình trạng thương tật của nạn nhân như: Giấy ra viện, Bệnh án hay phiếu điều trị, Giấy chứng nhận tỷ lệ thương tật do cấp có thẩm quyền xác nhận. Giấy chứng tử, chứng từ chứng minh quyền thừa kế hợp pháp (trường hợp Người được bảo hiểm chết).
* Thời hạn yêu cầu, thanh toán và khiếu nại bồi thường
1. Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 01 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 và các tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới cho doanh nghiệp bảo hiểm.
3. Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.
4. Trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho chủ xe cơ giới biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
5. Thời hiệu khởi kiện về việc bồi thường bảo hiểm là 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường. Quá thời hạn trên quyền khởi kiện không còn giá trị.
BBT