Với ảnh hưởng của rượu, bia người điểu khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dễ bốc đồng chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, sau đó rượu gây ức chế não bộ làm cho người lái xe có thể ngủ gật trong khi điều khiển xe. Theo một kết quả nghiên cứu, rượu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 - 30%, ngoài ra rượu còn làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực. Rượu gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não, gây ước tính sai về khoảng cách... dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông (TNGT).
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, các hoạt động giao lưu kinh tế - văn hoá, lễ hội, du lịch... ngày càng tăng cộng với thói quen, tập tục từ nhiều đời thì việc uống rượu, bia đã trở nên phổ biến ở mọi lứa tuổi, mọi vùng miền. Hiện tại, theo số liệu khảo sát chưa đầy đủ, mức tiêu thụ bình quân người/ năm ở nước ta là 15.8 lít, gần bằng 2/3 so với mức tiêu thụ chung của thế giới (23 lít) và mức tiêu thụ rượu là 3,9 lít/ người. Điều tra và sức khoẻ vị thành niên (từ 14-15 tuổi) cho thấy 69% nam và 28% nữ đã từng uống rượu, trong đó 58% nam và 30% nữ đã từng say rượu... Đáng lưu ý, trong số những người uống rượu, bia, thậm chí dùng cả các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng thì rất nhiều người vẫn điều khiển ô tô, xe máy lưu thông trên đường một cách vô tư và đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đau lòng, có vụ làm hàng chục người bị chết và bị thương.
Theo số liệu thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, từ 2004 - 2008 tai nạn do nguyên nhân từ say rượu, bia luôn chiếm từ 6 - 8% tổng số vụ TNGT xảy ra trong toàn quốc. Năm 2004, qua phân tích nguyên nhân của 5.588 vụ TNGT thì có tới 462 vụ do người điều khiển phương tiện cơ giới say rượu, bia gây ra (chiếm hơn 8%) ; Năm 2006, thông qua công tác TTKS lực lượng CSGT kiểm tra, phát hiện xử lý 227 trường hợp lái xe ô tô, 4.329 trường hợp lái xe mô tô sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép; phân tích 7.280 vụ TNGT có 474 vụ (chiếm 6,5%) do lái xe say rượu, bia gây ra. Năm 2007 trong số 7.253 vụ TNGT được phân tích có 469 vụ (chiếm 6,4%) và năm 2008 có 409 vụ TNGT do lái xe say rượu, bia gây ra. Tổng số 500 trường hợp nạn nhân tử vong được Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm có 34% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Số liệu thống kê trên là chưa đầy đủ, trong thực tế tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.
Lái xe trong trạng thái say rượu, bia hoặc dùng các chất kích thích không chỉ là nguy cơ cao dẫn đến TNGT mà còn làm trầm trọng thêm chấn thương khi xẩy ra tai nạn, gây phức tạp thêm cho việc gây mê và phẩu thuật do sự tương tác giữa thuốc và chất cồn... dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao. Tại bệnh viện nhân dân 115 (TP Hồ Chí MInh) 06 tháng đầu năm 2008 có 940 bệnh nhân vào cấp cứu, phát hiện 370 người (34%) có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép, trong đó có 112 đã tử vong. Nhiều vụ TNGT thảm khốc và đau lòng do lái xe say rượu bia gây ra như ở Tiền Giang, xe môtô chở 4 thanh niên đâm vào xe mô tô chạy ngược chiều làm 2 người chết, 3 người bị thương nặng hoặc vụ TNGT xảy ra trên QL 20 ( Tân Phú, Đồng Nai) làm 3 thanh niên trên xe môtô bị tử nạn....
Uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng trong khi lái xe là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT và là hành vi trái với các quy định của pháp luật.
Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2001 nghiêm cấm “người lái xe sử dụng chất ma tuý” và “người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 40mg/1 lít khí thở hoặc có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng”. Về xử phạt hành vi vi phạm này, điều 8 và điều 9 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị tước giấy phép lái xe 60 ngày đối với hành vi “điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma tuý, nồng dộ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng, bị tước quyền sử dụng GPLX 30 ngày và đình chỉ lưu hành phương tiện 10 ngày Phạt tiền từ 1.000.000 đ đến 2.000.000 đ đối với hành vi “sử dụng chất ma tuý”.
Trên thực tế, để phát hiện được dấu hiệu vi phạm của người lái xe uống rượu, bia quá nồng độ quy định và sử dụng các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng, cần phải dựa vào sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật như máy thử nồng độ (bia, rượu), ống thở,.... Tuy nhiên trang bị này chưa được nhiều, bên cạnh đó một số lái xe vi phạm uống rượu, bia say khi bị phát hiện đã không hợp tác đầy đủ với CSGT. Vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện văn bản pháp luật về việc này.
Luật giao thông đường bộ năm 2008 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009) quy định: nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma tuý; điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 mm/1 lít khí thở.
Theo quy định tại Điều 202 của Bộ luật hình sự, trường hợp người lái xe vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khoẻ của con người hoặc tài sản trong tình trạng “say rượu hoặc say do dùng chất kích thích khác” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm về sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và TNGT do say rượu, bia hoặc dùng các chất kích thích khác gây ra và thực hiện nghiêm túc luật giao thông đường bộ. Hàng năm Bộ Công an có kế hoạch chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường kiểm soát và xử lý vi phạm về hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện, cụ thể:
- Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 238/2006/QĐ-TTg ngày 24/10/2006, quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra kiểm soát về trật tự an toàn giao thông; Ngày 31/8/2007, Bộ Công an có Thông tư số 11/2007/TT-BCA(C11) hướng dẫn thi hành một số điều của Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 238/TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 25/9/2007.
- Được sự chỉ đạo sự quan tâm chỉ đạo, sát sao của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát lực lượng Cảnh sát giao thông đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động TTKS; áp dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát phát hiện và xử lý vi phạm; từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác tổ chức hoạt động TTKS-XLVP...
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát mà trực tiếp của Cục, PC26 Công an địa phương đã tham mưu cho Giám đốc Công an, Ban ATGT tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc; có nhiều kế hoạch cao điểm, kế hoạch chuyên đề tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông theo chỉ đạo; triển khai việc thực hiện xử lý vi phạm qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát phát hiện vi phạm về tốc độ, sử dụng rượu bia…
Năm 2007 đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 6.164 trường hợp người điều khiển ôtô, môtô sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định (số liệu phân tích 1.935.823 trường hợp trong tổng số 4.180.261 vi phạm TTATGT trong năm 2007).
Năm 2008 có 13.168 trường hợp người điều khiển ôtô, môtô sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định (số liệu phân tích 2.208.936 trường hợp trong tổng số 5.117.849 trường hợp vi phạm TTATGT năm 2008).
Để tiếp tục phòng ngừa, tổ chức cưỡng chế có hiệu quả vi phạm về sử dụng rượu, bia trong GTĐB, Cục CSGT đường bộ-đường sắt đề nghị:
1- Hoàn thiện quy định pháp lý về xử lý hành vi uống rượu, bia quá nồng độ qui định và sử dụng chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng dối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông.
Uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng trong khi lái xe là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn và là hành vi trái với các quy định của pháp luật. Do vậy, hành vi này cần được xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe và giáo dục chung. Để đạt được mục đích này cần nâng cao hơn chế tài xử phạt đối với hành vi này (đã được quy định tại Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2008 của Chính phủ).
Việc dùng thuật ngữ “say” trên thực tế đã gây khó khăn nhất định trong việc nhận thức và áp dụng điều luật trong điều tra, giải quyết TNGT của các cơ quan chức năng. Do vậy để đảm bảo tính thống nhất với quy định của Luật giao thông đường bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, xử lý nên bỏ từ “say” và thay bằng cụm từ “uống rượu, bia quá nồng độ quy định”.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong việc quy định về kiểm tra, xác định nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện theo hướng đơn giản hơn cho người thực thi và mang tính bắt buộc, cưỡng chế cao đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ một cách thường xuyên, liên tục và sâu rộng như chiến dịch tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm để mọi người dân thấy được tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển xe tham gia giao thông để mọi người tự giác chấp hành luật và hình thành thói quen biết tự bảo vệ mình.
Bộ Y tế cần nghiên cứu đưa ra khuyến cao đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện về định lượng, thời gian sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
3- Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT, phát hiện xử lý nghiêm hành vi uống rượu, bia quá nồng độ quy định và sử dụng các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng đối với người lái xe.
Tình hình vi phạm TTATGT, các hành vi uống rượu, bia quá nồng độ quy định và sử dụng các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng của người lái xe vẫn phổ biến. Điều đó đòi hỏi lực lượng CSGT cần được tăng cường đủ phương tiện thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo TTATGT.
4 - Nâng cao chất lượng điều tra, truy tố xét xử các vụ án xâm phạm TTATGT có nguyên nhân từ các hành vi uống rượu, bia quá nồng độ quy định và sử dụng các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng. Không lấy việc đền bù, khắc phục thiệt hại của người có lỗi đối với nạn nhân để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
TNGT có tác hại rất lớn đối với xã hội vì luôn gây ra những thiệt hại nhất định về người và tài sản. Nó còn ảnh hưởng xấu đến TTATXH, gây cảnh đau thương mất mát cho gia đình có người thân bị nạn; gây thiệt hại đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, điều tra làm rõ nguyên nhân, diễn biến vụ tai nạn và xử lý nghiêm người có lỗi là yêu cầu quan trọng khi vụ TNGT xảy ra. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm phạm TTATGT nói chung và các vụ có nguyên nhân từ hành vi uống rượu, bia quá nồng độ quy định và sử dụng các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông của người phạm tội. Khi xử lý các vụ TNGT đường bộ xảy ra, phải căn cứ vào lỗi của đối tượng và giải quyết đúng thủ tục pháp luật đối với các vụ tai nạn đã rõ nguyên nhân. Không lấy việc đền bù, khắc phục hậu quả thiệt hại của người có lỗi với nạn nhận để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Cần đưa một số vụ án TNGT đường bộ điển hình ra xét xử lưu động, nhất là những vụ có nguyên nhân từ hành vi uống rượu, bia quá nồng độ quy định và sử dụng các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình để răn đe, giáo dục chung.