Bạn Đức Việt ở Thanh Trì, Hà Nội có hỏi: Tôi mới mua một chiếc xe Huynhdai I10, bạn bè có khuyên nên mua bảo hiểm vật chất xe ô tô để phòng tránh các tai nạn, tôi sẽ không phải mất chi phí sửa chữa xe. Tôi muốn hỏi cụ thể xe bảo hiểm vật chất xe ô tô là gì?
Với câu hỏi của bạn, Cục CSGT xin trả lời như sau:
Bảo hiểm vật chất xe ô tô là bảo hiểm cho thiệt hại vật chất của xe xảy ra do những tai nạn bất ngờ ngoài sự kiểm soát của chủ xe trong những trường hợp cụ thể do quy tắc bảo hiểm quy định. Cụ thể là những thiệt hại do:
- Những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của Chủ xe, lái xe trong những trường hợp: Đâm va, lật, đổ, rơi; chìm; hoả hoạn, cháy, nổ; bị các vật thể khác rơi, va chạm vào;
- Những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên: Bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, sóng thần;
- Mất cắp, mất cướp toàn bộ xe.
Ngoài những điều khoản chính bảo hiểm vật chất xe còn có các điều khoản bổ xung ví dụ như: Thủy kích (ngập nước, không khấu hao phụ tùng vật tư thay mới, lựa chọn cơ sở sửa chữa,….).
Chính vì vậy bạn có thể lựa chọn các điều khoản bổ sung thêm dựa theo nhu cầu, khả năng tài chính của mình.
Bạn Văn Ngoan ở Kiên Giang có hỏi: hiện nay tôi thấy quảng cáo rất nhiều loại bảo hiểm dành cho ô tô, vậy trong các loại hình bảo hiểm xe ô tô, loại hình bảo hiểm nào là loại hình bắt buộc?
Với câu hỏi của bạn, Cục CSGT xin trả lời như sau:
Hiện nay đối với ô tô, phổ biến có các loại bảo hiểm: bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba, bảo hiểm TNDS của chủ xe đối với hành khách trên xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe; bảo hiểm thiệt hại về vật chất cho xe cơ giới và bảo hiểm người ngồi trên xe cùng tai nạn lái phụ xe.
Bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với người thứ ba và Bảo hiểm TNDS của chủ xe đối với hành khách trên xe (trường hợp có kinh doanh vận tải) là 2 loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chủ xe ô tô tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam phải tham gia.
Bạn Thảo Nguyễn ở Cần Thơ có hỏi: Tôi mới mua một xe ô tô, chủ cũ chuyển cho tôi giấy chứng nhận bảo hiểm ô tô của chiếc xe đó, xin cho biết giấy chứng nhận bảo hiểm đó còn giá trị đối với tôi không?
Với câu hỏi của bạn, Cục CSGT xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 7, Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới.
Bạn Minh Đức ở Hà Nội có hỏi: người có lỗi gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường như thế nào? Bảo hiểm TNDS bồi thường cho chủ xe trong trách nhiệm đối với người bị thiệt hại tối đa là bao nhiêu?
Với câu hỏi của bạn, Cục CSGT xin trả lời như sau:
Theo quy định của Bộ luật dân sự, người nào có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm đến chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường:
- Tài sản bị mất;
- Tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định;
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Về câu hỏi bảo hiểm TNDS bồi thường cho chủ xe trong trách nhiệm đối với người bị thiệt hại tối đa được đề cập đến đó là mức trách nhiệm bảo hiểm. Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, cụ thể như sau:
- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
BT