Bạn Ngân Thương ở Cà Mau có hỏi: Điều kiện để phát sinh bảo hiểm trách nhiệm dân sự là gì?
Với câu hỏi của bạn, Cục CSGT xin trả lời như sau:
Thông thường phải có đủ bốn điều kiện sau:
- Điều kiện thứ nhất: Phải có thiệt hại về tài sản, tính mạng hay sức khoẻ của bên thứ ba.
- Điều kiện thứ hai: Chủ xe (lái xe) phải có hành vi trái pháp luật. Có thể do vô tình hay cố ý mà lái xe vi phạm luật giao thông đường bộ, hoặc vi phạm quy định khác của Nhà nước
- Điều kiện thứ ba: Phải có mối quan hệ nhân quả của hành vi trái pháp luật của chủ xe (lái xe) với những thiệt hại của người thứ ba.
- Điều kiện thứ tư: Chủ xe (lái xe) phải có lỗi.
Thực tế chỉ cần thực hiện ba điều kiện thứ 1,2,3 là phát sinh trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba của chủ xe (lái xe). Nếu thiếu một trong ba điều kiện trên trách nhiệm dân sự của chủ xe sẽ không phát sinh, và do đó sẽ không phát sinh trách nhiệm của bảo hiểm. Điều kiện thứ tư có thể có hoặc có thể không vì nhiều khi tai nạn xảy ra là do tính nguy hiểm cao độ của xe cơ giới mà không hoàn toàn do lỗi của chủ xe. Ví dụ ôtô đang chạy với tốc độ lớn trên đường thì bị làm văng lốp xe ra ngoài làm bắn vào người đi đường gây tai nạn chết người. Trong trường hợp này trách nhiệm dân sự có thể phát sinh nếu có đủ 3 điều kiện đầu tiên.
Trong Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba, khi xảy ra tai nạn thiệt hại cho bên thứ ba thì người được bảo hiểm bồi thường là chủ xe hoặc người đại diện cho chủ xe được pháp luật công nhận.
Bên thứ ba của BHTNDS chủ xe cơ giới có thể là người đi bộ hay đi xe đạp hoặc các phương tiện cơ giới khác nhưng không bao gồm những trường hợp sau đây:
- Lái xe, phụ xe trên chính chiếc xe đó;
- Người trên xe và hành khách trên chính chiếc xe đó;
- Chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao cho tổ chức, cá nhân khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.
Bạn Quốc Đoàn ở Quỳnh Phụ, Thái Bình có hỏi: Tôi được biệt doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại. Cố ý gây thiệt hại được hiểu như thế nào?
Với câu hỏi của bạn, Cục CSGT xin trả lời như sau:
Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Bạn Mạnh Thắng ở Nghệ An có hỏi, vì chuyển công tác nên tôi chuyển đến Thanh Hóa sinh sống, tôi có cần làm thủ tục chuyển vùng giấy chứng nhận bảo hiểm xe ô tô của tôi từ Nghệ An đến Thanh Hóa không?
Với câu hỏi của bạn, Cục CSGT xin trả lời như sau:
Mạng lưới bảo hiểm có đầy đủ trên khắp các tỉnh thành cả nước vì vậy bạn không cần thiết phải chuyển vùng giấy chứng nhận bảo hiểm xe ô tô mà vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi được bảo hiểm như trước khi chuyển.
Bạn Hà Sơn ở Việt Trì, Phú Thọ có hỏi: tôi mới mua một chiếc Toyota đã qua sử dụng, bảo hiểm vật chất của chiếc xe sắp hết hạn sử dụng và tôi muốn mua bảo hiểm mới cho xe. Tuy nhiên tôi băn khoăn cách xác định giá trị bảo hiểm vật chất xe ô tô như thế nào?
Với câu hỏi của bạn, Cục CSGT xin trả lời như sau:
Để có thể xác định được chính xác giá trị tham gia bảo hiểm xe ô tô thì bạn cần phải kiểm tra xe ô tô trước khi tham gia bảo hiểm. Từ đó mới có thể xác định và định giá giá trị thực tế của xe khi tham gia bảo hiểm
Giá trị bảo hiểm vật chất xe ô tô chính là giá trị thực tế của xe trên thị trường và giá trị thực tế của xe cũng chính là giá bán của chiếc xe đó trên thị trường trong thời điểm tham gia bảo hiểm
Khi tiến hành xác định giá trị của xe thì công ty bảo hiểm và chủ xe sẽ cùng tham gia xác nhận tình trạng của xe kể cả khi bạn gắn thêm các thiết bị vào xe ô tô đó tại thời điểm tham gia bảo hiểm
Đối với xe ô tô mới:
– Trong các trường hợp cụ thể thì các công ty bảo hiểm sẽ thực hiện giám định tình trạng thực tế của xe trong quá trình mà chủ xe đã sử dụng chiếc xe đó.
– Đối với những xe ô tô mới thì việc giám định giá trị của xe rất đơn giản, bởi công ty bảo hiểm có thể căn cứ vào các giấy tờ để xác định giá trị bảo hiểm của xe ô tô như:
+ Hóa đơn thu thuế trước bạ
+ Giấy tờ, hóa đơn mua bán, đại lý phân phối xe ô tô
– Chính vì thế giá trị của xe ô tô mới chính là giá bán xe do các hãng sản xuất trong nước công bố tại thị trường Việt Nam cũng như giá xe nhập khẩu đã bao gồm các loại thuế theo quy định
Đối với xe ô tô đã qua sử dụng:
– Đối với loại xe ô tô đã qua sử dụng thì việc xác định giá trị bảo hiểm vật chất xe ô tô sẽ phức tạp và đòi hỏi nhiều công đoạn và thủ tục hơn so với xe mới.
– Việc xác định giá trị xe sẽ được căn cứ theo các yếu tố sau đây:
+ Giá mua xe lúc ban đầu của chủ xe sau đó sẽ được tính thêm khấu hao trong quá trình sử dụng đến năm muốn tham gia bảo hiểm vật chất xe ô tô
+ Hao mòn thực tế của xe sẽ được tính dựa trên cơ sở sau: số năm đã qua sử dụng, số km đã lưu hành, mục đích sử dụng xe…
+ Giá mua bán trên thị trường, nếu xe ô tô lắp ráp trong nước thì sẽ có giá thấp hơn giá xe ô tô cùng loại, tnhs chất tương đương. Vì thế, nếu mua bảo hiểm thì phí bảo hiểm sẽ thấp hơn giá trị tương ứng
+ Hình thức bên ngoài và tình trạng kỹ thuật của xe ô tô
– Việc xác định giá trị của bảo hiểm xe chỉ được xác định một cách tương đối chính xác và hợp lý. Từ đó bên công ty bảo hiểm và chủ xe sẽ thỏa thuận để thống nhất về giá trị bảo hiểm của xe.
Bạn Thanh Thanh ở Tiền Giang có hỏi: Tôi có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm xe ô tô của tôi cho người khác được không?
Với câu hỏi của bạn, Cục CSGT xin trả lời như sau:
Hợp đồng bảo hiểm của xe ô tô nào thì chỉ có hiệu lực duy nhất với xe ô tô đấy không thể chuyển cho xe khác.
Nếu khách hàng chuyển nhượng quyền sở hữu xe ô tô cho người khác mà không có yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì các quyền hạn được bảo hiểm vẫn giữ nguyên và sẽ được tự động chuyển sang cho chủ xe mới.