Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ước tính, số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới hàng năm vào khoảng 15% tổng mức bồi thường. Nguồn gốc sâu xa thúc đẩy hành vi gian lận bảo hiểm là xuất phát từ lòng tham của con người, ở đây có thể là khách hàng, nhân viên bảo hiểm hay tổ chức tham bảo hiểm. Vì lợi ích vật chất trước mắt, họ có thể tìm mọi cách để kiếm lợi cho mình kể cả những hành vi vi phạm pháp luật. Và trên thực tế đã có nhiều vụ trục lợi bảo hiểm xe cơ giới thành công, trót lọt, “qua mắt” được công ty bảo hiểm, khiến cho quỹ bảo hiểm thất thoát, giảm doanh thu, giảm các hoạt động an sinh xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các khách hàng trung thực.
Nguyên nhân khách quan đầu tiên phải kể đến là sự thiếu chặt chẽ của hành lang pháp lý đã khiến các cơ quan chức năng nơi lỏng trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận bảo hiểm, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý. Bện cạnh đó cũng chưa có một quy định rõ ràng, đầy đủ khi ký kết hợp đồng bảo hiểm hoặc do trong quá trình thực hiện chưa được nghiêm minh, chủ xe sẽ thực hiện hành vi gian lận của mình nếu họ biết được rằng có thể lách qua kẽ hở của pháp luật cũng như họ nghĩ rằng nếu bị phát hiện cũng không bị sự trừng trị của pháp luật.
Không gian địa lý và thời gian cũng là một trong các yếu tố tạo điều kiện phát sinh hành vi gian lận bảo hiểm. Thực tế, phương tiện gia thông có thể hoạt động trên nhiều địa bàn, khu vực, trong tất cả các khung giờ. Đối với những vụ tai nạn xảy ra ở nơi hoang vắng, vào ban đêm, ít người qua lại khó có thể giữ nguyên hiện trường, sự thay đổi tình tiết hiện trường có lợi cho người tham gia bảo hiểm là có khả năng và dễ xảy ra. Trong khi đó vì nhiều lý do, không phải lúc nào lực lượng chức năng cũng đến kịp thời để ghi nhận, khám nghiệm hiện trường.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì còn có những nguyên nhân phát sinh từ ý chí chủ quan của con người mà chúng ta có thể nhận định nhưng khó có thể ngăn chặn được triệt để.
Đó là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường bằng nhiều chiêu thức. Trong vòng một năm, mức phí bảo hiểm bình quân đã hạ tới 40%, đặc biệt có những mặt hàng phí bảo hiểm giảm tới 70-80%. Trong khi đó “hoa hồng” đã tăng gấp từ 3- 4 lần mức quy định của Bộ tài chính. Một số công ty bảo hiểm đã mở rộng điều kiện một cách thoái quá, trái với thông lệ bảo hiểm quốc tế mà những rủi ro này thuộc về người bán bảo hiểm.
Do các doanh nghiệp bảo hiểm luôn hoạt động trong môi trường cạnh tranh gay gắt, khốc liệt nên các doanh nghiệp bảo hiểm luôn phải giữ bí mật thông tin khách hàng. Việc trao đổi những thông tin cần thiết về khách hàng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm hầu như không có. Vì vậy, khi có tai nạn xảy ra các công ty bảo hiểm cũng tiến hành bồi thường mà không xem xét tình hình ở các doanh nghiệp khác dẫn đến chủ xe có thể được hưởng nhiều lần tiền bồi thường ở các công ty khác nhau do họ bảo hiểm trùng, mà theo nguyên tắc không được bảo hiểm trùng trong bảo hiểm tài sản.
Cũng do điều kiện hoạt động trong môi trường cạnh tranh gay gắt, để nâng cao doanh thu phí các công ty đã đơn giản hoá nhiều thủ tục khi ký kết hợp đồng cũng như khi xảy ra tổn thất hoặc khi đánh giá rủi ro xét nhận bảo hiểm, đơn giản thủ tục xét bồi thường … đã tạo nhiều điều kiện cho các chủ xe lợi dụng.
Đối với những trường hợp khiếu nại gian lận bị công ty bảo hiểm phát hiện, các công ty chưa có biện pháp xử lý đích đáng mà chỉ mới dừng lại ở mức độ từ chối bồi thường, điều này sẽ làm cho các chủ xe suy nghĩ theo một hướng tiêu cực là cứ lập hồ sơ khiếu nại nếu “qua mắt” được công ty bảo hiểm thì được nhận số tiền bồi thường rất lớn, còn nếu không được thì cũng không phải nộp phạt hoặc chỉ bị xử lý hành chính nhẹ nhàng.
Trình độ của nhân viên bảo hiểm nhiều nơi còn hạn chế. Vì sức ép chạy theo doanh thu mà quên mất điều quan trọng là khi tổn thất xảy ra thì số tiền bồi thường sẽ rất lớn so với mức phí thu được nếu như khi ký hợp đồng họ coi nhẹ khâu đánh giá rủi ro để dễ dàng ký được hợp đồng. Đây là một điều tốt cho các chủ xe làm lợi bất chính…
Do tư cách phẩm chất của một số bộ phận nhân viên trong công ty bảo hiểm bị thoái hoá, coi trọng lợi ích cá nhân hơn cả trách nhiệm nghề nghiệp. Họ có thể đánh giá cao mức độ tổn thất hoặc “tư vấn” cho khách hàng lợi dụng các kẽ hở về thủ tục giám định, bồi thường để thông đồng trục lợi… Nếu chủ xe được bồi thường họ sẽ được hưởng một số tiền nhất định, sự việc này cứ diễn ra thì các chủ xe trục lợi bảo hiểm ngày càng nhiều và do đó công ty bảo hiểm cũng ngày càng phải chi những khoản bất thường làm cho doanh thu giảm đáng kể.
Do sự thông đồng giữa những người tham gia bảo hiểm có hành vi gian lận với những người có liên quan như người làm chứng trong các vụ tổn thất… Ví dụ, mua chuộc người làm chứng để khai báo giả về vụ tai nạn với mức độ nghiêm trọng hơn, về tình trạng lỗi… để được bồi thường nhiều hơn…
Như vậy, trục lợi bảo hiểm xe cơ giới xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, từ hệ thống pháp lý, sự quản lý lơi lỏng của doanh nghiệp bảo hiểm hay chính từ những con người có lòng tham tồn tại cả ở cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm và những khách hàng. Để ngăn chặn tình trạng này cần sự chung tay của các cơ quan chức năng và toàn xã hội đối với công tác phòng ngừa và đấu tranh triệt để với các hành vi tiêu cực, trong đó mỗi người dân hãy tự mình nâng cao nhận thức , ý thức trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật.
S.T