Hiện nay có hơn 2.600 km đường sắt chính tuyến chạy qua 33 tỉnh, thành phố, 147 quận, huyện, thị xã; hàng ngày có hơn 100 tuyến tàu khách và tàu hàng hoạt động. Trên các tuyến đường sắt hiện nay có khoảng 5.680 đường ngang các loại, trong đó có 3.892 đường ngang do người dân tự mở. Đây là nguyên nhân chính gây nên các vụ tai nạn giao thông đường sắt. Theo số liệu thống kê năm 2008, toàn quốc xảy ra 442 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 190 người, bị thương 262 người thì có tới 340 vụ tai nạn xảy ra tại các đường ngang này.
Đáng chú ý trong năm 2008 đã xảy ra 52 vụ (chiếm 11,8%) tổng số vụ TNGT đường sắt mà nguyên nhân là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, bộ hành đi qua đường sắt không chú ý quan sát tàu hỏa, đi đứng, nằm, ngồi, ngủ trên đường sắt. Nhiều người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang dân sinh không chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn; thậm chí cố tình vượt qua chắn đường ngang đã đóng, qua đường ngang cảnh báo tự động (đã xảy ra 29 vụ = 6,5%); đu bám, ngồi nóc toa xe (3 vụ = 0,7%). Tình trạng đường ngang qua đường sắt do dân tự ý mở đã đến lúc báo động. Để đảm bảo an toàn chạy tàu, chủ động phòng ngừa TNGT xảy ra ngành đường sắt cần chỉ đạo kiểm tra và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các đường ngang hiện có và bổ sung báo hiệu đường ngang, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Công an địa phương kiên quyết đóng các đường mở mới không phép, không đảm bảo an toàn. Đối với các đường ngang không chắn có lắp thiết bị cảnh báo tự động và biển báo phải được thiết lập gờ giảm tốc buộc phương tiện đường bộ phải giảm tốc độ khi qua đường sắt đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân để mọi người hiểu rõ các quy định của pháp luật về không mở đường ngang trái phép qua đường sắt, góp phần làm giảm tai nạn nơi đường ngang.