Câu 1. Bạn đọc Trần Tú Linh, Đống Đa, Hà Nội hỏi: Tôi dự lớp đào tạo cấp Giấy phép lái xe mô tô và đã trải qua kỳ thi sát hạch, tuy nhiên tôi chưa nhận được Giấy phép lái xe ngay mà chỉ được cấp giấy hẹn. Bộ Công an cho tôi hỏi, khi tôi tham gia giao thông trong thời gian đợi lấy Giấy phép lái xe, Cảnh sát giao thông có quyền phạt tôi lỗi không có Giấy phép lái xe hay không?
Trả lời:
Theo khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 (Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông) quy định: “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”
Như vậy, khi bạn điều khiển mô tô tham gia giao thông thì phải mang theo Giấy phép lái xe. Khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, tại thời điểm kiểm tra: Nếu bạn không mang theo Giấy phép lái xe thì bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP; nếu bạn không có Giấy phép lái xe thì bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (nếu xe bạn có dung tích dưới 175cm3) hoặc bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (nếu xe bạn có dung tích từ 175cm3 trở lên).
Câu 2. Bạn đọc Nguyễn Văn Thái, Kinh Môn, Hải Dương hỏi: Xe tải của tôi đang chở hang thì bị nổ lốp, tôi đã đỗ gọn vào lề đường và không ảnh hưởng gì tới giao thông để thay lốp xe. Khi Cảnh sát giao thông tới kiểm tra tôi đã giải thích cụ thể nhưng Cảnh sát giao thông vẫn lập biên bản tôi lỗi vi phạm “Đỗ xe nơi có biển cấm đỗ” là đúng hay sai?
Trả lời:
Do câu hỏi của bạn cung cấp dữ liệu chưa đầy đủ nên có thể xảy ra 02 trường hợp như sau:
- Tại thời điểm lực lượng chức năng có mặt, xe của bạn đang bị sự cố nổ lốp và đang khắc phục, sửa chữa thì có thể được xem là trường hợp sự kiện bất ngờ theo khoản 13 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính và lực lượng chức năng có thể xem xét không tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Tại thời điểm lực lượng chức năng có mặt, phương tiện của bạn đang đỗ trong phạm vi có hiệu lực của biển báo “cấm đỗ xe” và bạn đang không thực hiện sửa chữa phương tiện (mặc dù bạn trình bày với lực lượng chức năng là bạn vừa sửa chữa xong) thì bạn vẫn có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “đỗ xe tại nơi có biển cấm đỗ” theo quy định của pháp luật.
Câu 3. Bạn đọc Võ Huệ, địa chỉ email huevo261094.bigedu@gmail.com hỏi: Trong khi tham gia giao thông tại đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Tp Hà Nội, tôi đã chạy xe quá tốc độ quy định và bị Cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, giữ Giấy phép lái xe. Nhưng sau đó, tôi đã làm mất biên bản xử phạt, Bộ Công an cho tôi hỏi, tôi phải làm thế nào để nộp phạt và lấy lại Giấy phép lái xe? Và số tiền phạt quá hạn nộp là bao nhiêu?
Trả lời:
Theo quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, trường hợp người vi phạm làm mất biên bản vi phạm hành chính để nộp phạt và lấy lại Giấy phép lái xe thì bạn phải có đơn cam đoan và xác nhận của chính quyền địa phương cư trú.
Theo quy định của khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính, trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm, nếu bạn không thực hiện nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì bạn sẽ phải nộp them 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Câu 4. Bạn đọc Phạm Văn Hưng, Nghệ An hỏi: Tôi muốn mua một chiếc thuyền có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa để hoạt động kinh doanh ăn uống trên con sông gần nhà. Bộ Công an cho tôi hỏi, để con thuyền đủ khả năng tham gia hoạt động thì phải đáp ứng các điều kiện và quy định pháp luật nào?
Trả lời:
Để con thuyền đủ khả năng tham gia hoạt động thì bạn phải đáp ứng các quy định sau:
- Về yêu cầu đối với phương tiện: Căn cứ khoản 3 Điều 24 Luật giao thông đường thủy nội địa quy định: “3. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bảo đảm điều kiện an toàn như sau:
a) Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện;
b) Máy lắp trên phương tiện phải chắc chắn, an toàn, dễ khởi động và hoạt động ổn định;
c) Phương tiện phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;
d) Phương tiện phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và khi chở người, chở hàng không được ngập qua vạch dấu mớn nước an toàn. Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn một vạch có màu khác với màu sơn mạn phương tiện; vạch sơn có chiều rộng 25 milimét, chiều dài 250 milimét nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài lớn nhất của phương tiện; mép trên của vạch sơn cách mép mạn 100 milimét đối với phương tiện chở hàng, cách mép mạn 200 milimét đối với phương tiện chở người.”
- Về yêu cầu đối với người lái phương tiện: Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 35 Luật giao thông đường thủy nội địa quy định phương tiện thực hiện vào mục đích kinh doanh thì phải có các điều kiện sau đây: “1. Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người phải có các điều kiện sau đây:
a) Đủ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 50 tuổi đối với nam;
b) Có chứng nhận đủ sức khoẻ của cơ quan y tế và biết bơi;
c) Có chứng chỉ lái phương tiện.
2. Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ, biết bơi, phải học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh thì độ tuổi của người lái phương tiện phải tuân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”
Ngoài ra bạn còn phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh ăn uống.
Câu 5. Bạn đọc Đỗ Đức Bình, địa chỉ email dobinh988@gmail.com hỏi: Các loại giấy tờ như Chứng minh thư nhân dân, Thẻ căn cước công dân, bằng lái xe, giấy tờ xe đã photo công chứng thì có giá trị khi Cảnh sát giao thông kiểm tra không, nếu có thì quy định tại văn bản nào?
Trả lời:
Tại Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”.
Tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định xử phạt đối với hành vi không có, không mang theo 04 loại giấy tờ trên
Như vậy, bản sao có chứng thực không có giá trị thay thế bản chính khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Câu 6. Bạn đọc Nguyễn Cao Thuận, địa chỉ email caothuan@gmail.com hỏi: Tôi mua lại 01 xe ôtô 04 chỗ có biển số ở tỉnh Đồng Nai và muốn rút hồ sơ xe về để sang tên thì hồ sơ sang tên, di chuyển xe cần chuẩn bị những gì, thời gian rút hồ sơ bao lâu có cần tìm chủ gốc của chiếc xe này để ký tên hay không hay chỉ sử dụng hợp đồng ủy quyền?
Trả lời:
Căn cứ Điều 12 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe; Công dân đến cơ quan đăng ký xe ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký xe để làm thủ tục (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai) không phải đưa xe đến kiểm tra nhưng phải xuất trình Chứng minh thư nhân dân hoặc Sổ hộ khẩu và nộp hồ sơ gồm:
- Giấy khai sang tên, di chuyển se (mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA); có dán bản cà số máy, số khung.
- Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
- Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định; Hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật hoặc giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 15/2014/TT-BCA, thì thời gian trả kết quả hồ sơ sang tên, di chuyển xe không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Câu 7. Bạn đọc Nguyễn Hà, Bến Tre hỏi: Thời gian bật đèn chiếu sáng đối với các phương tiện khi tham gia giao thông được quy định ở văn bản nào? Nếu bị phạt với lỗi trên thì mức phạt là bao nhiêu?
Trả lời:
Hành vi không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn được quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Mức phạt cụ thể đối với hành vi này như sau:
- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (Điểm g Khoản 3 Điều 5). Nếu thực hiện hành vi mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm c Khoản 12 Điều 5).
- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (Điểm c Khoản 2 Điều 6). Nếu thực hiện hành vi mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm c Khoản 12 Điều 6).
- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (Điểm e Khoản 3 Điều 7). Nếu thực hiện hành vi mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm b Khoản 9 Điều 7).