Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Nghiên cứu - Trao đổi
Giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển: Bất chấp luật, coi thường tính mạng người khác
Ngày đăng: 02/08/2017
Giao phương tiện cho người khác điều khiển khi người đó không đủ điều kiện sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù biết quy định này nhưng không ít người điều khiển phương tiện vẫn chủ quan vô tư giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển. Vụ tai nạn đường thủy giữa xà lan đâm và ghe chở cát trên sông Sài Gòn rạng sáng ngày 30-7 khiến 2 người mất tích tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện.

Giao phương tiện, gây tai nạn nghiêm trọng

Khoảng 2 giờ 30 phút rạng sáng 30-7, anh Lê Văn Thuận, 38 tuổi, quê Tiền Giang điều khiển ghe gỗ chở 15 khối cát lưu thông trên sông Sài Gòn (hướng từ TP Thủ Dầu Một về thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Trên ghe có 3 người đang ngủ là chị Thúy Em (vợ anh Thuận) cùng con trai là Lê Long An, 16 tuổi và con gái Lê Thị Thanh Bình, 10 tuổi. Bất ngờ ghe của anh Thuận bị sà lan ký hiệu SG7552 (lưu thông cùng chiều) từ phia sau đâm tới. Ghe anh Thuận bị nước tràn vào. Anh Thuận hô hoán kêu vợ con nhảy xuống sông nhưng chỉ có anh Thuận và cháu An kịp nhảy. Chị Thúy Em và con gái không nhảy kịp nên bị chìm cùng chiếc ghe. Thấy hai cha con anh Thuận chới với dưới dòng nước, người trên sà lan đã dùng phao cứu sinh thả xuống để nạn nhân bám sau đó đưa cả hai lên.

Hiện trường vụ TNGT đường thủy trên sông Sài Gòn ngày 30-7

Qua làm việc tại cơ quan Công an, ông Đỗ Phước Hải, 44 tuổi, quê Long An khai mình là người lái sà lan trong lúc xảy ra tai nạn. Ông Hải khai chiếc sà lan này do thuyền trưởng Huỳnh Tấn Kha, 30 tuổi, quê Long An cầm lái. Tuy nhiên, ông Kha đang cầm lái thì đau bụng nên phải đi vệ sinh và nhờ ông Hải lái giùm. Ông Hải không có giấy phép lái phương tiện đường thủy nhưng khai mình biết sà lan vì vậy mới nhận lái giúp cho ông Kha. Sau 10 phút ông Hải lái giùm, sà lan gặp tai nạn. Ông Hải khai do trời tối, không thấy rõ đường sông, nên đã điều khiển sà lan tông trúng chiếc ghe chở cát chạy phía trước.

Không chỉ đối với giao thông đường thủy mà đối với giao thông đường bộ, việc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện như không có giấy phép lái xe, có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với phương tiện… cũng là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao. Cách đây chưa lâu, vụ tai nạn giao thông xảy ra tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông khiến 3 người tử vong, nhiều người khác bị thương là minh chứng điển hình cho hành vi này. Theo đó, sáng 2-5, lái xe Huỳnh Thế Hiền, trú tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước được chủ xe giao nhiệm vụ điều khiển xe ô tô khách mang BKS 53S-8992 xuất phát từ bến xe Miền Đông, TP. Hồ Chí Minh trên xe chở 20 khách đi về TP. Buôn Ma Thuột. Nguyễn Văn Dũng, trú tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông làm phụ xe.  Khi chạy đến địa phận thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông, Huỳnh Thế Hiền đã tự ý giao xe cho phụ xe Nguyễn Văn Dũng điều khiển. Trong khi đó, phụ xe Nguyễn Văn Dũng chỉ có giấy phép lái xe hạng C không đủ điều kiện để điều khiển xe ô tô khách trên. Đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, Dũng điều khiển xe chạy đến Km 748+850 quốc lộ 14 (thuộc địa phận thôn Bắc Sơn, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil), do không làm chủ được tốc độ và lấn hoàn toàn sang phần đường của xe ngược chiều, nên đã tông trực diện vào xe ô tô tải mang BKS: 47C-087.99. Hậu quả, làm 3 người trên xe khách tử vong (trong đó có Nguyễn Văn Dũng), 12 người khác bị thương, hai xe ô tô bị hư hỏng nặng.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Liên quan đến vấn đề trên, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, phương tiện giao thông (ô tô, mô tô, phương tiện thủy nội địa…) là nguồn nguy hiểm cao độ nên yêu cầu người điều khiển phải có đầy đủ giấy phép lái xe, được rèn luyện kỹ năng, có trách nhiệm, đạo đức. Về hành vi giao xe hoặc để người khác điều khiển khi không đủ điều kiện, điểm đ, khoản 4, Điều 30, Nghị định 146/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng. Cùng với đó, Điểm đ, khoản 7, Điều 30 quy định, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), Khoản 1 Điều 62 của Luật Giao thông đường bộ (đối với xe máy chuyên dùng) điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng);

Đặc biệt, Điều 205 “Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” Bộ Luật hình sự 1999 quy định: 1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm.  2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.  3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.  4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Còn đối với hành vi giao người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nội địa, theo điểm b, khoản 3, Điều 16, Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm  hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi giao người không có bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hoặc chứng chỉ lái phương tiện điều kiển phương tiện; có bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, chứng chỉ lái phương tiện nhưng không phù hợp với loại phương tiện theo quy định.  Điều 215 Bộ Luật hình sự 1999 quy định “Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ” như sau: 1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển  phương tiện giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

                                                                   Nguyễn Hương

Các tin khác liên quan