Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Đáng chú ý, trong hầu hết các vụ tai nạn trên, lỗi vi phạm về tốc độ chiếm phần lớn, đặc biệt là tại các khúc quanh cua, đèo dốc.
Trực tiếp khảo sát tại một số tuyến đường, đặc biệt là các tuyến QL ở miền núi, chúng tôi nhận rõ thấy việc thực hiện Thông tư 91/2015/TT-BGTVT ngày 31-12-2015 (Thông tư 91), có hiệu lực từ ngày 1-3-2016 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ đã lộ rõ nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Giảm tai nạn, tăng người chết
Theo số liệu của Cục CSGT thì sau 1 năm thực hiện Thông tư 91 quy định về tăng tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ cả nước đã xảy ra 16.841 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.455 người, bị thương 12.298 người. So với cùng kỳ năm 2015 thì giảm 502 vụ nhưng tăng tới 112 người chết.
Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, thì việc tăng tốc độ theo Thông tư 91 đã làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông. Điển hình như tại Tuyên Quang tăng tới 18 vụ, Lạng Sơn tăng 9 vụ, Bắc Giang tăng 15 vụ, cá biệt như Đắk Lắk đã tăng tới 70 vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, một số địa phương có tuyến Quốc lộ trọng điểm đi qua (tiêu biểu là QL 1A) do mật độ giao thông đông, phức tạp nên gia tăng số vụ tai nạn giao thông. Điển hình như Lạng Sơn tăng 9 vụ, Quảng Bình tăng 13 vụ, Quảng Trị tăng 48 vụ, Ninh Thuận tăng 28 vụ, TP Hồ Chí Minh tăng 54 vụ...
Điển hình như ở Quảng Ninh, ngay khi Thông tư 91 có hiệu lực, ngành GTVT tháo dỡ các hệ thống biển báo hạn chế tốc độ tối đa cho phép, lập tức trên địa bàn tỉnh, nhất là các tỉnh tuyến miền Đông, tình hình TNGT đường bộ gia tăng. Đặc biệt, chỉ trong 6 ngày đầu tháng 3-2016 (Thông tư 91 có hiệu lực từ 1-3-2016), sau khi bỏ biển báo hạn chế tốc độ tối đa 40km/h, tại khu vực cầu Hà Tràng, huyện Tiên Yên đã xảy ra 3 vụ lật xe container do không làm chủ tốc độ khi đi vào đường cong cua.
Km 172 QL 18 Quảng Ninh – nơi thường xuyên xảy ra tai nạn
Không chỉ xảy ra tai nạn ở địa bàn miền núi, mà tại thành phố cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe container gây ra khi đi với tốc độ cao. Điển hình như trường hợp gia đình bà Đinh Thị Sánh, 65 tuổi, trú ở phường Phương Đông, TP Uông Bí. Khi cả gia đình đang ngủ thì một chiếc container đã tông thẳng vào nhà, húc đổ tường, phá tung mọi đồ đạc. Vụ tai nạn tại phường Thanh Sơn (TP Uông Bí), đau lòng hơn bởi 2 người thiệt mạng do xe container. Xe máy mang BKS 14B1077.06 va chạm với xe container đi cùng chiều mang BKS 15C-183.89 khiến 2 người ngồi trên xe máy tử vong tại chỗ.
Thương tâm nhất là vụ tai nạn xảy ra khoảng 4h30, ngày 7-5 vừa qua, xe tải BKS 77C-139.37 do Võ Ngọc Quý điều khiển chở khoảng 20 tấn phân bón, lưu thông trên quốc lộ 14 hướng Gia Lai - Đắk Lắk chạy với tốc độ cao, tông gãy barie trạm thu phí Đức Long mà không dừng lại mua vé theo quy định. Chiếc xe có biểu hiện bất thường, liên tục bóp còi, đá đèn, lạng lách trên đường. Khi đến Km1632 - 200m (đường Hùng Vương, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) thì chạy vào đường ngược chiều rồi tông trực diện với xe khách BKS 18B-018.32 chạy tuyến Bình Phước - Nam Định. Vụ tai nạn khiến 13 người tử vong, trong đó có 2 tài xế xe khách và làm 32 người bị thương nặng.
Phải tính đến tiêu chuẩn thiết kế đường và loại phương tiện
Phải nói rằng, sau 1 năm triển khai và thực hiện Thông tư 91 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tăng tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy cuyên dùng khi tham gia giao thông trên đường bộ đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường có cơ sở hạ tầng tốt, đáp ứng được các điều kiện chạy xe theo tiêu chuẩn thiết kế.
Tuy nhiên, qua phân tích số liệu tai nạn giao thông sau 1 năm từ khi thực hiện Thông tư 91 so với cùng kỳ thì số vụ tai nạn có giảm nhưng vẫn cao, số người chết tăng, điều này có nghĩa là số vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng gia tăng, để lại hậu quả thảm khốc, thiệt hại lớn cho xã hội.
Đặc biệt, thông tư 91 quy định tốc độ tối đa của xe cơ giới trên Quốc lộ và trong khu vực dân cư đều tăng thêm 10km đối với loại đường đôi (có dải phân cách giữa), đường 1 chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên đã làm cho tình hình TTAGT diễn biến phức tạp. Tình trạng xe cơ giới phóng nhanh trên một số tuyến quốc lộ, đường có giải phân cách giữa, đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên diễn ra phổ biến, làm tai nạ giao thông nghiêm trọng xảy ra thường xuyên, tình trạng lái xe không làm chủ được tốc độ tự đâm vào dải phân cách gây lật xe có chiều hướng tăng, nhất là tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, tại Hà Nội, hiện có 935 tuyến phố với 4.611 giao cắt đồng mức, trong đó 9 tuyến đường quốc lộ, 56 tuyến tỉnh lộ, 14 tuyến hướng tâm ra vào thành phố có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, trong khi nhiều đoạn đường có bề mặt hẹp, chỉ từ 8 đến 10m như QL 21B, QL6...Tại TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày có 850 xe mô tô, gắn máy và 180 xe ô tô đăng ký mới chưa kể lượng phương tiện các tỉnh hoạt động hàng ngày trên địa bàn nên việc nâng tốc độ trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu là chưa phù hợp.
Đại tá Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng PC67 Quảng Ninh trăn trở: “Với đường có dải phân cách giữa; đường 1 chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên: ở trong khu vực đông dân cư được cộng thêm 10km/h đối với ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi; ô tô có tải trọng dưới 3.500kg trở lên; ô tô sơ mi rơ móoc, cô tô kéo rơ móoc, ô tô kéo xe khác, ô tô chuyên dùng là không hợp lý vì đây là những phương tiện có nguồn nguy hiểm rất cao, nếu đi với tốc độ cao, quán tính lớn, không may gặp tình huống bất ngờ, rất dễ xảy ra tai nạn”.
Ý kiến của Đại tá Sơn cũng là sự lo lắng của đa số cán bộ CSGT khi trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường, đặc biệt là tại các khu đông dân cư và địa bàn miền núi có vị trí địa lí, đặc biểm địa hình hẹp, cong cua, tầm nhìn hạn chế nên việc quy định tốc độ tối đa phải căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế đường, đặc biệt là tình trạng mặt đường, độ dốc, bán kính đường cong.
Đấy còn chưa kể đến việc, Thông tư 91 quy định rõ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường đối với phương tiện lưu thông trên 60km/h là 35m và trên 120km/h là 100m. Song, tình trạng vi phạm về khoảng cách an toàn tối thiểu hiện nay vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến quốc lộ.
Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết: “Việc quy định tốc độ theo Thông tư 91, bước đầu đáp ứng được so với yêu cầu vận tải hiện nay trên tuyến QL đã được cải tạo hạ tầng giao thông tốt, phương tiện tốt. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công an các địa phương và phân tích của Cục CSGT thì qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, đã có rất nhiều bất cập, nhất là những tuyến đường đang cải tạo hạ tầng giao thông, đường hẹp ở các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và những khu đông dân cư có nhiều điểm giao cắt đồng mức thì việc nâng tốc độ là không phù hợp. Trong khi đó, nguyên nhân gây TNGT do vi phạm tốc độ là khá cao. Bởi vì, hiện tượng xe phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ được tốc độ rất dễ xảy ra tai nạn”.
Chính vì vậy, để hạn chế tai nạn xảy ra, đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần quy định tốc độ riêng cho từng loại phương tiện. Hạn chế tăng tốc độ cho ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi, ô tô tải có trọng tải 3,5 tấn trở lên, ô tô sơ mi rơ mooc, ô tô kéo rơ mooc, ô tô kéo xe khác, ô tô chuyên dùng trong khu vực đông dân cư.
Trong một số trường hợp đặc biệt (điểm đen, điểm phức tạp về TTATGT, TNGT) thì căn cứ vào kết quả khảo sát và thống nhất của các ngành chức năng, có thể đặt biển hạn chế tốc độ thấp hơn 50km/h. Đặc biệt, việc quy định tốc độ tối đa phải căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế đường, tình trạng mặt đường, độ dốc, bán kính đường cong để quy định cho phù hợp. Có như vậy mới có thể kiềm chế tai nạn giao thông, giảm tính chất nghiêm trọng, giảm thiệt hại về người, tài sản khi tham gia giao thông.
Phương Thuỷ