Dân số đông, phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng là những thách thức đặt ra với công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn thủ đô. Song với những cách làm sáng tạo, kiên trì, CSGT Hà Nội đã tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia giao thông có ý thức, góp phần phòng ngừa TNGT, xây dựng văn hóa giao thông…
Thủ đô Hà Nội là thành phố lớn nhất Việt Nam về diện tích khoảng 3328,9 km2 (sau khi mở rộng địa giới hành chính sát nhập tỉnh Hà Tây năm 2008), đồng thời cũng là địa phương đứng thứ hai về dân số.
Trước năm 2008, khi thành phố Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội có khoảng 500 cán bộ chiến sĩ, toàn Thủ đô mới chỉ có 800 tuyến phố, 6 tuyến Quốc lộ ra vào thành phố và 8 nút giao thông trọng điểm. Nhưng đến nay, đã có trên 1.000 tuyến phố, trên 4.000 nút giao cắt, 361 nút giao thông trọng điểm, 16 tuyến Quốc lộ ra vào thành phố và cán bộ chiến sỹ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã được CATP bổ sung, hiện nay tổng số khoảng 1.400 CBCS.
Đối với dân số Hà Nội đang có khoảng 10 triệu dân, gần 600 nghìn phương tiện xe ô tô, 6 triệu xe máy do Phòng PC67 đăng ký quản lý, chưa tính đến lượng xe đạp điện, xe từ các địa phương về công tác học tập tại Thủ đô và 11 công trình, hơn 27 điểm rào chắn hiện đang thi công trên địa bàn, thì có thể nói tất cả các điểm ra vào thành phố, các nút giao thông trọng điểm đang bị quá tải 6-7 lần và trung bình một chiến sỹ Cảnh sát giao thông một giờ đồng hồ điều khiển 8 nghìn -10 nghìn phương tiện trong giờ cao điểm.
Dân số đông, phương tiện giao thông tăng một cách nhanh chóng trong những năm gần đây, nhưng cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng đã khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên có thể xảy ra ở bất cứ tuyến đường, tuyến phố nào và trở thành một vấn đề nóng bỏng của xã hội. Kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, theo thống kê sơ bộ, nguyên nhân chủ yếu của tai nạn giao thông trong những năm gần đây chủ yếu là do người dân đi không đúng phần đường, chạy xe quá tốc độ, không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham ra giao thông là các nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.
Xác định được vấn đề này, trong những năm qua được sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, UBND Thành phố, Ban Giám đốc Công an Thành phố, Phòng CSGT ĐB-ĐS thủ đô đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho người dân và vận động người dân chung tay tham gia đảm bảo an toàn giao thông bảo vệ chính tính mạng và tài sản của mình.
Trong năm 2016, Phòng Cảnh sát giao thông đã tham mưu, đề xuất Thành ủy, UBND Thành phố và Công an thành phố Hà Nội nhân rộng thêm 28 cụm loa tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trong đó có 10 cụm loa đường sắt, nâng tổng số lên 55 cụm hoa trên địa bàn thành phố. Đồng thời dán đề can tuyên truyền 5 không trên 19.400 xe taxi, 510 đề can tuyên truyền trên xe buýt, nhà chờ xe buýt, lắp đặt 14 màn hình Led, 1 tivi HD tại cổng trụ sở các Đội CSGT thuộc Phòng, lắp đặt 02 pa nô ảnh tuyên truyền tại trụ sở CATP và 01 pa nô tuyên truyền tại trụ sở Phòng CSGT. Cũng trong năm 2016, Phòng đã cung cấp 11.786 tin cho báo đài; xây dựng được 377 phóng sự và 683 bài viết về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Học sinh là đối tượng tuyên truyền CSGT Hà Nội hướng tới
Đồng thời, Phòng Cảnh sát giao thông đã có những chương trình kế hoạch phối hợp để tuyên truyền cho người dân về pháp luật an toàn giao thông đường bộ như: Phối hợp với Sở Tư pháp thành phố biên soạn tài liệu “Hỏi đáp pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải in phát tờ rơi tuyên truyền đến các lái, phụ xe, và nhân dân; Phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phát sóng tuyên truyền việc đội mũ bảo hiểm của trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe máy điện; Phối hợp với Sở Y tế thành phố tổ chức phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức pháp luật an toàn giao thông; cảnh báo về sử dụng rượu, bia; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố xây dựng nhiều chương trình giáo dục an toàn giao thông theo các cấp học; Xây dựng cuộc vận động “Học sinh sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm Luật GTĐB”, tổ chức tuyên truyền và tặng 50.000 cuốn vở học sinh có in nội dung về ATGT; Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố mở cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, Thông tin, thông báo tài liệu tuyên truyền và hướng dẫn cấp xuống từng tổ dân phố, thôn xóm để làm nội dung sinh hoạt quý trong nhân dân. Thực hiện các Nghị quyết liên tịch giữa Ban ATGT TP và các hội đoàn thể: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố chỉ đạo các cơ sở Hội và hội viên tham gia giữ gìn trật tự ATGT, xây dựng đoạn đường an toàn, văn minh, xanh - sạch, đẹp; Liên đoàn Lao động thành phố hướng dẫn, chỉ đạo Công đoàn các cấp nghiêm túc thực hiện cuộc vận động “Công nhân viên chức, người lao động tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”. Thành Đoàn tổ chức các Hội thi “Thanh, thiếu niên với trật tự an toàn giao thông đô thị”. Phát động cuộc vận động “thanh niên với Văn hóa giao thông”, xây dựng chương trình “Vì cổng trường bình yên”; Phối hợp Bộ tư lệnh thủ đô chỉ đạo và hướng dẫn đến các đơn vị trong lực lượng vũ trang thành phố về các văn bản, Chỉ thị quy định về pháp luật ATGT; Ban ATGT các quận, huyện đều có chương trình, phổ biến, tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đến với từng khu dân cư, tổ dân phố; Treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô tuyên truyền trên các trục đường... Làm các pa nô trên các cổng trường học về các quy định của ATGT.
Nhờ việc tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền mà tình hình TT, ATGT trên địa bàn thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2016, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 1.552 vụ (giảm 144 vụ), khiến 594 người chết (giảm 8 người) và 1.306 người bị thương (giảm 125 người) so với cùng kỳ năm 2015. Công tác TTKS đã phát hiện và xử lý 583.319 trường hợp. Tạm giữ 1.796 ô tô, 18.946 mô tô, 871 xe ba bánh, 1.012 xe máy điện, 391 xe thô sơ, xích lô, 198.662 bộ giấy tờ, tước GPLX 34.869 t/h. Trong đó đã xử lý 868t/h, tạm giữ 799 xe ba bánh vi phạm; xử lý 8.863 t/h chở hàng cồng kềnh; Tịch thu tiêu huỷ 342 xe ba bánh. Đồng thời, tăng cường lực lượng TTKS, chỉ huy điều khiển giao thông giải quyết 57 chuyên đề tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT và UTGT (tăng 02 lượt chuyên đề so với năm 2015).
Để có được những kết quả trên, Phòng CSGT ĐB-ĐS thủ đô đã có những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn Luật giao thông cho quân chúng nhân dân trên địa bàn thủ đô, cụ thể:
Một là, Cấp ủy, Chỉ huy phòng nhận thức đúng đắn vai trò vị trí của công tác tuyên truyền, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên trong tình hình mới hiện nay. Cán bộ, đảng viên đặc biệt là người đứng đầu đơn vị và các đồng chí cấp ủy phải là người trực tiếp tuyên truyền cho quần chúng nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên.
Hai là, thường xuyên củng cố, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên. Các cấp ủy, người đứng đầu cần lựa chọn, CBCS có đủ phẩm chất chính trị, trình độ năng lực để làm báo cáo viên. Báo cáo viên phải là những người có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, có ý thức tổ chức kỷ luật trong phát ngôn, gương mẫu trong công việc, có khả năng tiếp thu và đặc biệt là năng lực phương pháp truyền đạt thông tin.
Ba là, trong tuyên truyền pháp luật chủ yếu là truyên truyền trực tiếp do vậy báo cáo viên phải nói đúng chính xác, lập luận chặt chẽ. Đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm, bức xúc từ thực tiễn mà các phương tiện thông tin đại chúng không có điều kiện phân tích, nhận định đánh giá cụ thể thì người truyên truyền miệng trực tiếp có thể làm được và làm rất hiệu quả. Muốn được như vậy, những người làm công tác tuyên truyền phải không ngừng rèn luyện, học tập tích cực thu nhận thông tin đa chiều, phương pháp diễn đạt thật sự tâm huyết và say mê.
Bốn là, cấp ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo đổi mới phương pháp tuyên truyền mà trước hết là đổi mới về nội dung cách truyền đạt và hình thức tổ chức sao cho phong phú sinh động phù hợp với từng đối tượng nhằm từng bước nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của công tác tuyên truyền
Năm là, công tác tư tưởng và công tác tuyên truyền phải hướng về các tầng lớp nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống, tăng cường cập nhật thông tin, coi trọng đối thoại, nắm bắt để kịp thời thông tin với Cấp ủy, Ban chỉ huy phòng về tình hình tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân trong tình hình hiện nay để kịp thời chấn chỉnh, hoàn thiện một cách đúng đắn nhằm góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Sáu là, nội dung tuyên truyền đi thẳng vào việc hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các quy định của luật giao thông và có nhấn mạnh đến những hậu quả do TNGT, UTGT gây ra đồng thời đưa ra những khẩu hiệu để người tham gia giao thông dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Bảy là, phát động CBCS làm nhiều việc tốt giúp đỡ nhân dân đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ để xây dựng hình ảnh đẹp của CBCS CSGT và tạo sự gần gũi với nhân dân để nhân dân ủng hộ lực lượng CSGT hoàn thành nhiệm vụ.
Tám là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các khu dân cư…nhân rộng và phát huy mô hình như: “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Tổ tự quản”, “Nhóm tự quản”, “Đoạn đường tự quản” để người dân từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông của mình khi tham gia giao thông.
Chín là, thông qua công tác TTKS, xử lý các hành vi vi phạm TT, ATGT để tổ chức tuyên truyền, răn đe, giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật ATGT./.
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội