Gần 40 mô hình nhân dân tự quản tham gia bảo đảm TTATGT tại TP.Đà Nẵng đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc vận động nhân dân chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, phòng ngừa vi phạm, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Thành phố Đà Nẵng nằm ở miền trung độ của đất nước, có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các nước tiểu vùng Mê Kông; đồng thời là trung điểm của 4 di sản văn hóa thế giới nổi tiếng, có nhiều danh thắng, di tích lịch sử.
Vị trí địa lý đó đã tạo cho Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội. Với tổng diện tích 1.285 km2, Đà Nẵng có tổng cộng 08 quận, huyện, 45 phường, 11 xã và 18 đảo với dân số khoảng 01 triệu người, có 15 trường Đại học, học viện, 17 trường cao đẳng, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp trung tâm dạy nghề với 145.000 học sinh, sinh viên đang theo học và hơn 200 trường học phổ thông, mầm non; 6 khu công nghiệp tập trung với 63.000 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải cũng được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp. Hiện nay thành phố có hơn 1.500 km đường bộ, gồm các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị được trải nhựa và thông thoáng; các tuyến đường giao thông quan trọng, huyết mạch từng bước đã được đầu tư, xây dựng nâng cấp, mở rộng đáp ứng tốt yêu cầu lưu thông, hoạt động vận tải quốc tế. Tuyến đường sắt Bắc Nam qua địa bàn thành phố Đà Nẵng có chiều dài khoảng 30 km là tuyến quan trọng huyết mạch trong toàn bộ hệ thống đường sắt Bắc - Nam. Với mạng lưới sông phức tạp, thuộc hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, Đà Nẵng hiện đang quan tâm phát triển du lịch đường thủy và đã có 03 tuyến du lịch đường thủy nội địa được đưa vào khai thác mà đầu mối trung tâm tại Cảng sông Hàn. Hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn thành phố trong những năm gần đây luôn diễn ra tấp nập, không ngừng phục vụ đắc lực cho sự giao thương, buôn bán của doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, những điều đó vẫn chưa thể đáp ứng được hết so với yêu cầu và sự gia tăng liên tục của phương tiện, nhất là xe ô tô, đến cuối năm 2016, tổng số ôtô đã đăng ký quản lý là 60.414 xe ( tăng 8.774 xe so với năm 2015), nâng tổng số phương tiện cơ giới trên địa bàn thành phố lên khoảng hơn 900 nghìn phương tiện; tổ chức giao thông một số điểm còn nhiều bất cập, chưa phù hợp; mặt khác, việc thiếu bãi dừng, đỗ xe, việc quy hoạch và bố trí các cơ quan hành chính Nhà nước, các trường học tập trung nhiều về khu trung tâm thành phố đã dẫn đến mật độ giao thông ngày càng dày đặc, xảy ra tình trạng xung đột, quá tải, ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm tại một số nút trọng điểm khu vực trung tâm thành phố ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm TTATGT cũng như việc đi lại của người dân.
Với những tình hình đặc điểm trên, công tác tổ chức và quản lý TTATGT trên địa bàn thành phố là một trong những nội dung được đặt lên hàng đầu trong việc xây dựng và phát triển thành phố, đòi hỏi công tác bảo đảm ANTT nói chung và TTATGT nói riêng phải gắn liền với phong trào Toàn dân bảo vệ Tổ quốc, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Trong đó, việc huy động sức mạnh của nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT không tách rời với việc thực hiện có hiệu quả mô hình tự quản về ATGT.
Được sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể cơ sở đã tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các mô hình tự quản về ATGT nhằm xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT, lồng ghép thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư. Nhiều đơn vị, địa phương đã xây dựng, tổ chức triển khai có hiệu quả mô hình tổ tự quản về TTATGT, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm, ổn định tình hình TTATGT. Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai nhiều hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền phong phú, thiết thực. Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã, đang xây dựng và duy trì hoạt động của gần 40 mô hình tự quản về ATGT, bao gồm mô hình do Công an các phường, xã; mô hình do các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh,…) phối hợp với lực lượng Công an khu vực xây dựng và quản lý; mô hình do các cơ quan, doanh nghiệp quản lý, duy trì.
Trong số đó, có nhiều mô hình đã phát huy tác dụng tốt như: Mô hình “Gác chắn đường sắt” tại Km781+545 của Hội cựu chiến binh quận Liên Chiểu ban đầu với số lượng chỉ có 16 đồng chí cán bộ đến nay đã được nhân rộng lên hơn 100 người trên tuyến, góp phần lớn trong công tác bảo đảm TTATGT đường sắt. Các mô hình “Tuyến đường ATGT, văn minh, xanh, sạch đẹp” của Hội Cựu chiến binh phường Hòa Khánh Bắc được thành lập từ 2012 và vẫn đang đạt được nhiều hiệu quả cao, hơn 300 thành viên đều cam kết thực hiện tốt 8 nội dung bảo đảm TTATGT trên tuyến. Mô hình “Năm trong một” (2 đoàn thể, Công an phường, Tổ trưởng dân phố, gia đình) của Công an phường Hòa Hiệp Bắc phát động và duy trì đã huy động được hơn 150 người tham gia đang phát huy nhiều hiệu quả thiết thực; Tổ xe thồ tự quản của Công ty CP dịch vụ vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng vẫn đang tích cực hoạt động, bảo đảm TTATGT tại khu vực bến xe trung tâm TP Đà Nẵng.
Hay những mô hình “Khu dân cư bảo đảm TTATGT” do Công an phường Hòa Hòa An, Khu dân cư “3 quản, 3 không”, “3 bảo đảm” của Công an phường Nại Hiên Đông xây dựng và phát động đã tổ chức triển khai thực hiện trên hơn 40 khu dân cư trên địa bàn, huy động lực lượng gần 8.000 lượt CBCS các lực lượng Công an, quân sự, dân phòng, dân quân và biên phòng tham gia vào các buổi tuần tra, phát hiện nhắc nhở, xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về ATGT. Các mô hình “Gia đình bảo đảm TTATGT, Khu dân cư bảo đảm TTATGT, Thôn tự quản về ATGT” do UBMTQVN 11 xã thuộc huyện Hòa Vang xây dựng, phát động; Kiệt hẻm ATGT của Đoàn thanh niên 6 phường thuộc quận Cẩm Lệ, mô hình “3 không 2 có” của Hội phụ nữ phường Hòa Thuận Tây thu hút hơn 4.000 người tham gia, góp phần trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, giữ gìn văn minh đô thị. Các mô hình tự quản dòng tộc về ATGT cũng được nhân rộng như “Chi 2 tộc Hoàng”, “Phái 4 tộc Đoàn”, “Chi 3 tộc Ông”,… “không có con cháu vi phạm pháp luật ATGT” và còn nhiều những mô hình khác đã và đang phát huy tác dụng cụ thể trong việc giữ gìn, bảo đảm TTATGT trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tính xây dựng của quần chúng nhân dân đối với lực lượng CSGT, từ ngày 01/4/2016 đến nay, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đã xây dựng đưa vào hoạt động trang Facebook Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng. Đây có thể xem là một mô hình tự quản điện tử về ATGT vì qua đó, đơn vị tiếp nhận thông tin của quần chúng nhân dân về tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, đua xe trái phép, những bất cập trong tổ chức giao thông, hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, cung cấp những ý kiến đóng góp cho công tác bảo đảm TTATGT, đồng thời cũng là nơi tuyên truyền những quy định mới về TTATGT, thông báo, thông tin, giải đáp những thắc mắc chính đáng của nhân dân về hoạt động của lực lượng CSGT, kiểm tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm về TTATGT đã được người dân phản ánh. Đến nay, trang Facebook đã có hơn 10 ngàn thành viên tham gia với hơn 150 bài đăng tuyên truyền, tiếp nhận hơn 2.000 thông tin phản ánh.
Qua hoạt động của các tổ tự quản về TTATGT, các tuyến đường ATGT ở các đơn vị, địa phương cho thấy, hoạt động của các mô hình này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực vào việc lập lại trật tự kỷ cương, ổn định tình hình TTATGT và giảm thiểu TNGT xảy ra trên các địa bàn khu dân cư. Các thành viên trong tổ tự quản, trên các tuyến đường ATGT đã kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở các thành viên trong gia đình, người thân, phụ huynh, học sinh, người tham gia giao thông giữ gìn TTATGT tại các tuyến đường, trường học và khu dân cư, không vi phạm quy tắc giao thông, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng… Các thành viên của các mô hình tự quản cũng là những người tích cực có mặt ngay sau khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông để bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của nạn nhân, báo tin cho cơ quan công an và hỗ trợ lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra TNGT theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, công tác xây dựng các mô hình cũng đang gặp những khó khăn, bất cập, thiếu tính thống nhất. Cụ thể như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chưa thấy được sự hữu ích, cần thiết của việc xây dựng các mô hình trong công tác bảo đảm TTATGT. Một số mô hình nhân dân tự quản về TTATGT chỉ mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là phối hợp lồng ghép trong các chương trình bảo đảm an ninh trật tự, TTATXH, phòng cháy chữa cháy. Nhiều cơ quan, đơn vị phát động hoạt động phong trào còn mang tính tự phát, phạm vi nhỏ, số lượng thành viên tham gia ít, chưa có sự phối hợp với lực lượng Công an, nhất là lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát giao thông. Mô hình tự quản về bảo đảm TTATGT trên đường thủy nội địa hầu như không có. Hồ sơ xây dựng còn nhiều thiếu sót, các mô hình tự quản thiếu sự chỉ đạo, quản lý của chính quyền địa phương, Ban An toàn giao thông các cấp: Một số hồ sơ xây dựng các mô hình tự quản về bảo đảm TTATGT, TTXH trên các tuyến do Công an phường quản lý, một số mô hình được lực lượng Công an khu vực phối hợp, theo dõi. Tuy nhiên, hầu hết các hồ sơ đều không đủ các thành phần theo quy định, chưa có sự chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra sát sao về hồ sơ lưu trữ của lãnh đạo các ngành, các cấp như Ban An toàn giao thông, Công an các quận, huyện (gồm các báo cáo khảo sát, kế hoạch xây dựng, quyết định thành lập, quyết định công nhận, báo cáo định kỳ,…) .
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn nêu trên, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp gồm:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể đối với công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến. Công an các đơn vị, địa phương phải tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp với các cơ quan ban ngành, quần chúng nhân dân tiếp tục xây dựng, nhân rộng và duy trì hoạt động các mô hình nhân dân tự quản về TTATGT trên đường bộ, đường sắt; đặc biệt là trên các tuyến có tình hình TTATGT phức tạp, phối hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên đường thủy nội địa. Xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp tham gia phối hợp lẫn nhau và phối hợp với lực lượng Công an, mà cụ thể là lực lượng Công an phường, Công an xã.
Hai là, Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp quần chúng nhân dân nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, vị trí của các mô hình tự quản về ATGT trong công tác giữ gìn ANTT, phát huy được sức mạnh cộng đồng trong công tác bảo đảm, giữ gìn TTATGT, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa giao thông, quan tâm tuyên truyền, phát động các mô hình tự quản trong cộng đồng có tôn giáo.
Ba là, Có cơ chế kiện toàn Ban chỉ đạo mô hình tự quản về ATGT ở các đơn vị, địa phương, thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban rút kinh nghiệm, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn để từ đó có những chính sách hợp lý, hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động cho các tổ tự quản. Kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm TTATGT.
Bốn là, nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hình thức các mô hình tự quản về ATGT, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương để thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, duy trì hoạt động có hiệu quả.
Năm là, Tổ chức các lớp tập huấn, tạo điều kiện để các thành viên của các mô hình tự quản về TTATGT được tham gia, nắm bắt kiến thức cơ bản về pháp luật giao thông. Tổ chức cho cán bộ chiến sỹ, nhất là lực lượng làm công tác tham mưu về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ Công an các cấp kỹ năng hướng dẫn lực lượng chuyên trách phong trào của địa phương về vận động nhân dân tham gia các mô hình tự quản về TTATGT.
Thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại thực trạng chất lượng hoạt động của các mô hình để có kế hoạch xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình phát huy tác dụng tốt, loại bỏ mô hình hoạt động kèm, đồng thời nghiên cứu phát triển mô hình mới phù hợp. Công tác xây dựng mô hình nhân dân tự quản về TTATGT có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo đảm TTATGT, là kết quả phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trong đó, lực lượng CSGT có nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức, hướng dẫn các lực lượng tham gia thực hiện, góp phần giữ gìn ANTT nói chung, bảo đảm TTATGT nói riêng trên địa bàn phụ trách./.
Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng