Hội LHPN Việt Nam nhận thức rất rõ sự cần thiết và vai trò, trách nhiệm của Hội trong việc tuyên truyền kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nhằm giúp cho chị em khi tham gia giao thông được an toàn, đồng thời chị em sẽ là người gương mẫu chấp hành và vận động chồng, con, người thân thực hiện tốt công tác an toàn giao thông.
Trong những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã có nhiều giải pháp để phòng ngừa, kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn xảy ra nghiêm trọng, gây thiệt hại to lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, trở thành vấn đề xã hội vô cùng bức xúc. Hàng năm, nước ta có trên 8.500 người chết, 24.000 người bị thương vì tai nạn giao thông. Thiệt hại về kinh tế khoảng 250 tỷ đồng/ngày, mỗi năm khoảng 2,9% GDP.
Hậu quả của tai nạn giao thông gây tổn thất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, kinh tế cho người tham gia giao thông, đến hạnh phúc của từng gia đình, trong đó ảnh hưởng và tác động nặng nề đối với người phụ nữ. Bên cạnh đó, ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả hàng năm. Điều đó đe dọa nghiêm trọng đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác.
Là một tổ chức chính trị xã hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam rất lo lắng trước thực trạng tai nạn giao thông. Là những người mẹ, người vợ, người chị, em gái, hơn ai hết, phụ nữ luôn là người chịu áp lực lớn nhất khi người thân trong gia đình tham gia giao thông. Mỗi khi tai nạn giao thông xảy ra, bản thân nạn nhân, gia đình nạn nhân mà chủ yếu là phụ nữ đều phải chịu những thiệt thòi, mất mát cả về vật chất, tinh thần, sức khỏe, tình cảm. Khi một người thân trong gia đình chết hay bị thương, tàn tật, một người thân phải đền bù hoặc vào tù vì gây tai nạn giao thông thì không ai khác ngoài những người mẹ, người vợ phải đứng mũi chịu sào gánh chịu những thiệt hại khôn lường đó. Tất cả những nỗi khổ đau do tai nạn giao thông gây ra hoàn toàn có thể tránh được nếu mỗi một chúng ta, phụ nữ cũng như nam giới, đều có ý thức chấp hành tốt pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Hội LHPN Việt Nam nhận thức rất rõ sự cần thiết và vai trò, trách nhiệm của Hội trong việc tuyên truyền kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nhằm giúp cho chị em khi tham gia giao thông được an toàn, đồng thời chị em sẽ là người gương mẫu chấp hành và vận động chồng, con, người thân thực hiện tốt công tác an toàn giao thông.
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội LHPNVN và Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia về tuyên truyền, vận động “Phụ nữ tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình”, trong những năm qua, Hội LHPNVN luôn tích cực chủ động trong công tác truyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về trật tự ATGT và vận động người thân trong gia đình nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông với các nhiệm vụ cụ thể như:
Hàng năm, tại các kỳ họp của BCH Trung ương Hội, Hội nghị đều đưa nội dung tuyên truyền bảo đảm trật tự ATGT là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm, thường xuyên của Hội.
Phân công cán bộ chuyên trách theo dõi, thực hiện công tác ATGT trong các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các hoạt động, các biện pháp, các giải pháp thực hiện công tác tuyên truyền ATGT phù hợp, kịp thời, có hiệu quả.
Trung ương Hội đã phát động “Phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” gắn với thực hiện “Cuộc vận động 5 Không 3 Sạch” của Hội. Tiêu chí “Gia đình hội viên phụ nữ không có thành viên vi phạm pháp luật” được các cấp Hội phụ nữ nghiêm túc triển khai thực hiện.
Các cấp Hội phụ nữ từ Trung ương đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, có hiệu quả. Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như: “Đoạn đường, tuyến phố an toàn do phụ nữ tự quản”; “Gia đình phụ nữ không vi phạm pháp luật về ATGT”; “Phụ nữ không lấn chiếm lòng, lề đường gây tai nạn và ách tắc giao thông”; “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông”… đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ và người dân trong việc chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chung tay hành động, góp phần cùng cả nước kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Hàng năm, Trung ương Hội đều có văn bản chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT như tích cực đội mũ bảo hiểm cho chính mình, cho trẻ em khi tham gia giao thông; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, họp chợ, phơi nông sản gây tai nạn và ùn tắc giao thông; mặc áo phao khi đi trên các phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người mẹ, người vợ trong gia đình luôn nhắc nhở, vận động chồng con tích cực đội mũ bảo hiểm; không phóng nhanh, vượt ẩu; không đua xe trái phép, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông…
Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông của Hội LHPN các cấp còn thể hiện qua việc đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng như Trang Web của Hội LHPNVN; Báo phụ nữ Việt Nam; Tờ thông tin phụ nữ; Đài truyền thanh, truyền hình các tỉnh; các phương tiện loa, đài truyền thanh tại cộng đồng; tổ chức các chiến dịch truyền thông kết hợp nhiều hình thức như mít tinh, lễ phát động, cấp phát tài liệu, sổ tay, tờ rơi, tờ bướm, áp phích… Bên cạnh đó, các cấp Hội còn thường xuyên tổ chức các Hội thi sân khấu hóa, thi viết, thi tuyên truyền viên với chủ đề Phụ nữ với ATGT; tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về ATGT; lồng ghép vào các hoạt động khác của Hội như sinh hoạt tổ nhóm, câu lạc bộ…
Một hoạt động nữa có tính tuyên truyền, ý nghĩa giáo dục cao là TƯ Hội đã chỉ đạo và phối hợp với các tỉnh/thành tổ chức các cuộc Giao lưu giữa các nạn nhân bị tai nạn giao thông với các ngành chức năng nhằm mục đích chia sẻ thông tin về tình hình thực trạng ATGT; hậu quả, tác động của TNGT đối với mỗi người, mỗi gia đình, xã hội qua đó tìm sự ủng hộ và phối hợp hoạt động của chính quyền và ban ngành đối với các hoạt động phòng chống TNGT đồng thời đề xuất giải pháp, kiến nghị trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Các cấp Hội chú trọng xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên thông qua việc tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội chủ chốt tại xã/phường/chi/tổ, mục tiêu Mỗi gia đình có một tuyên truyền viên về ATGT .
Phát huy tính chủ động trong việc phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng hướng dẫn hội viên phụ nữ cùng tham gia giám sát, phát hiện, bác cáo kịp thời các hiện tượng tiêu cực; phát huy tính chủ động, khai thác nguồn lực xây dựng và thực hiện các hoạt động về tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
* Những khó khăn, tồn tại và hạn chế:
- Đội ngũ tuyên truyền viên ở một số nơi còn hạn chế về năng lực, trình độ nên hiệu quả mang lại trong công tác tuyên truyền chưa cao, tài liệu tuyên truyền chưa đáp ứng được thực tiễn.
- Công tác tuyên truyền, vận động của một số đơn vị chưa thường xuyên, liên tục và hiệu quả chưa đồng đều, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của một số cán bộ, hội viên phụ nữ còn chưa cao.
- Kinh phí giành cho công tác tuyên truyền và hoạt động của các mô hình còn thiếu, nhiều tỉnh do nguồn kinh phí hỗ trợ từ Ban ATGT cùng cấp còn hạn chế nên chưa chủ động tổ chức được các loại hình sinh hoạt như Hội thi, tập huấn cho hội viên mà chỉ tham gia phối kết hợp truyền thông với các ban, ngành, đoàn thể trong những tháng cao điểm.
- Vai trò giám sát, thực thi pháp luật về An toàn giao thông của Hội phụ nữ các cấp chưa được pháp huy, nhiều vụ việc vi phạm chưa được phát hiện, tố giác kịp thời, nhiều điểm đen về vi phạm an toàn giao thông chưa kịp thời phát hiện hoặc khi được phát hiện, đề xuất thì việc khắc phục còn chậm, tai nạn giao thông vẫn tiếp tục xảy ra.
- Công tác báo cáo, phản ảnh thông tin của các cấp Hội còn chậm, chưa đầy đủ, kịp thời vì vậy việc cập nhật thông tin và phát hiện các gương đơn vị điển hình còn chậm và thiếu.
* Phương hướng trong thời gian tới:
1. Tiếp tục chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp tăng cường công tác phối hợp với Ban an toàn giao thông cùng cấp trong việc tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư; Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính Phủ; Chương trình phối hợp số 82/CTPH-HPN-UBATGTQG ngày 17/4/2013 giai đoạn 2013 – 2015 về việc tổ chức cuộc vận động “Phụ nữ tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình”.
2. Các cấp Hội phụ nữ cần nhận thức rõ và đầy đủ trách nhiệm của mình. Chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Nghị quyết liên tịch để hoạt động đó trở thành phong trào của quần chúng.
3. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cán bộ, hội viên phụ nữ, đặc biệt là cán bộ Hội và gia đình cán bộ Hội phải gương mẫu thực hiện tốt pháp luật về an toàn giao thông.
4. Quan tâm đầu tư công tác tập huấn cho cán bộ và đội ngũ báo cáo viên của Hội để nâng cao năng lực và kỹ năng tuyên truyền trong công tác ATGT.
5. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động cần được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là cần tập trung xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình./.
Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam