Trong sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay, việc kiện toàn hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động giao thông vận tải được thông suốt, an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao… là yêu cầu quan trọng hàng đầu cần thực hiện hơn bao giờ hết.
kiện toàn hệ thống pháp luật để GTVT được thông suốt, an toàn
1. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt là Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông với mục tiêu phấn đấu hàng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ; Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật; xây dựng và áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, để tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, từ năm 2011 đến năm 2016, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều đạo luật liên quan đến lĩnh vực này như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014; Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2014; Bộ luật hình sự năm 2015; Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012... Năm 2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 142/2016/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 trong đó nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn và giảm tai nạn giao thông, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng và kết cấu hạ tầng giao thông.
Để triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 17 nghị định; Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 35 thông tư; 07 Thông tư liên tịch liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiêu biểu như: Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 24/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; Thông tư số 01/2016/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 02/2016/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 41/2016/TT-BCA ngày 12/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình đăng ký xe... Nhìn chung, các quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã quy định tương đối cụ thể và đầy đủ kết cấu hạ tầng, phương tiện tham gia giao thông, người tham gia giao thông và hoạt động vận tải; quy định chế tài nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành và uỷ ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi quản lý của mình; phân công trách nhiệm của các đơn vị, lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các quy định của pháp luật nêu trên cơ bản phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, phát huy được tác dụng, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng.
2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:
- Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; các quy định về chế độ, chính sách đối với những người có công, bị thương, hi sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an toàn giao thông chưa đầy đủ; việc xây dựng, triển khai các đề án, dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, giám định phục vụ công tác còn chưa đáp ứng được yêu cầu đã ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Phạm vi điều chỉnh của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông quá rộng, bao gồm cả các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt; kết cấu, xây dựng hạ tầng giao thông, vận tải và doanh nghiệp giao thông vận tải; dịch vụ hỗ trợ vận tải và quản lý nhà nước về giao thông dẫn đến chồng chéo với các quy định của các luật khác (Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật đầu tư công..). Việc coi trọng quy định về quản lý giao thông mà không coi trọng quy định về quy tắc an toàn giao thông dẫn đến khó khăn trong việc vận dụng, thực hiện các quy tắc tham gia giao thông. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn còn một số quy định chưa khả thi, khó thực hiện do chưa được nghiên cứu, bám sát thực tiễn đời sống xã hội, việc ban hành các văn bản quy phạm này còn chậm, chưa đáp ứng được tình hình phát triển của giao thông hiện nay.
- Cơ chế trao đổi, phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa nhịp nhàng, thông suốt do tình trạng chỉ quan tâm đến lợi ích bộ, ngành mình khi xây dựng pháp luật, hoặc khi có những nội dung chưa thống nhất trong quá trình xây dựng văn bản chưa có cơ chế cụ thể, hiệu quả để giải quyết vướng mắc; vì vậy, đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật và trật tự, an toàn giao thông. Việc nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là công việc khó khăn, phức tạp, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, thời gian còn cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà khoa học tham gia vào quá trình xây dựng.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là kinh phí phục vụ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quá trình nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật phải trải qua nhiều quy trình, giai đoạn phức tạp, như tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn thi hành … Chi phí phục vụ những công việc này là lớn; tuy nhiên kinh phí được nhà nước cấp cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung còn ít, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thường phải sử dụng kinh phí được cấp cho công tác thường xuyên để phục vụ xây dựng văn bản nên gây nhiều khó khăn cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông và trật tự, an toàn giao thông chưa phù hợp, nhiều quy định chồng chéo nên trách nhiệm quản lý của nhà nước về trật tự, an toàn giao thông được cho là trách nhiệm chung, không có ngành nào chịu trách nhiệm chính, xuất hiện tình trạng đùn đẩy việc, né tránh trách nhiệm. Công tác quản lý hoạt động vận tải, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho người tham gia giao thông, chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông còn nhiều bất cập, bị buông lỏng quản lý. Một số địa phương, cấp, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, còn phó mặc cho lực lượng Công an. Công tác phối hợp giữa các ngành, cấp trong tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và sự tham gia góp sức của các tổ chức, đoàn thể xã hội chưa thường xuyên, chưa phát huy hiệu quả.
Những tồn tại hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập; một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; ý thức tự giác chấp hành kỷ luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn yếu kém. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế; việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong công tác này; lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn thiếu và yếu về năng lực.
3. Trong thời gian tới, trước nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa, giao lưu kinh tế, xã hội giữa các khu vực tiếp tục phát triển mạnh, kéo theo lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao, trong đó phương tiện đi lại thường xuyên, chủ yếu vẫn là ô tô, xe gắn máy, xe máy, xe máy điện và xe đạp điện. Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là tại các khu đô thị lớn, các tuyến đường huyết mạch của quốc gia chưa thể đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Số vụ vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông cũng vì thế có xu hướng tăng. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, nhất là tình trạng sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông, chạy xe quá khổ, quá tải, quá hạn đăng kiểm, chạy xe quá tốc độ, đi không đúng làn đường, không tuân thủ tín hiệu giao thông, chỉ dẫn của Cảnh sát giao thông, tụ tập đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông… còn diễn biến phức tạp. Tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, sinh hoạt trên các tuyến quốc lộ, trước trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực đô thị chưa thể xử lý triệt để được sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Những vấn đề đó đặt ra cho công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhiều khó khăn, thách thức cần có những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để giải quyết, trong đó trọng tâm là:
Một là, trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là Cục Cảnh sát giao thông cần phối hợp với Công an đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu với Bộ Công an xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an, gồm 04 văn bản thuộc Chương trình chính thức là: Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về phân cấp trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác bảo đảm trật tự và trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường cao tốc; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2014/TT-BCA ngày 24/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về vận hành, quản lý, bảo trì, bảo vệ hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong Công an nhân dân; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về lắp đặt, sử dụng và cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; và 05 văn bản thuộc Chương trình chuẩn bị gồm: Nghị định về công tác thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu tai nạn giao thông; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung Thông tư số 73/2012/TT-BCA ngày 05/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường thủy của lực lượng Cảnh sát đường thủy; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông đường bộ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đăng ký xe; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, cần chú ý làm tốt công tác tổ chức, hướng dẫn nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Kinh nghiệm cho thấy, đối với các quy định của pháp luật có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động rộng như pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì quá trình xây dựng phải có sự đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân, như vậy, pháp luật mới phát huy hiệu quả cao nhất.
Hai là, trên cơ sở Luật giao thông đường bộ năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Bộ Công an cần phối hợp với các bộ, ngành hữu quan rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các lĩnh vực khác có liên quan. Qua đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về hành lang an toàn giao thông, giao thông tĩnh, về đường ngang đường sắt, quản lý tăng cường giao thông công cộng, tổ chức giao thông và trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã cũng như kinh phí bảo đảm trật tự, an toàn giao thông lâu dài; trong định hướng sửa đổi, bổ sung pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nên chú trọng đến vấn đề hợp tác quốc tế như chuyển giao công nghệ trong sản xuất, lắp ráp phương tiện, xây dựng hạ tầng phục vụ giao thông; đào tạo đội ngũ nhân viên hướng dẫn, cưỡng chế giao thông.
Về lâu dài, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật giao thông đường bộ năm 2008 theo hướng: tách Luật này thành Luật đường bộ và Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Luật đường bộ chỉ điều chỉnh các quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và dịch vụ vận tải đường bộ; Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh các quy định về quy tắc tham gia giao thông đường bộ và các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quy tắc giao thông đường bộ là hệ thống các điều luật quy định trạng thái hoạt động, các thức xử sự của các đối tượng tham gia hoạt động giao thông trên đường bộ, nhằm đảm bảo an toàn, đây là xương sống của pháp luật về giao thông đường bộ. Vì vậy, hệ thống các quy tắc giao thông đường bộ cần được định hướng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và tách ra khỏi Luật giao thông đường bộ thành một đạo Luật mới.
Ba là, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cần được tiến hành song song với hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kết hợp thực hiện thường xuyên, sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm từng bước nâng cao dân trí pháp lý, nâng cao năng lực thực hiện đúng đắn, nghiêm chỉnh pháp luật, xác lập kỷ cương, phát huy dân chủ, ổn định chính trị xã hội. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cần phải nghiên cứu cho phù hợp với từng đối tượng, cần tập trung vào các đối tượng học sinh, thiếu niên, thanh niên; người sử dụng môtô, xe máy; người điều khiển xe thô sơ; người lái ôtô, phương tiện thủy; cán bộ công nhân viên chức ở các quan xí nghiệp, nhân dân sống ven hành lang giao thông; nội dung, hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, thiết thực. Trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, nhất là các trang mạng xã hội hiện nay, nên nghiên cứu, tăng cường hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên mạng xã hội, để bất cứ người nào sử dụng điện thoại di động thông minh, các thiết bị kết nối mạng Internet đều có thể tìm hiểu và tra cứu dễ dàng.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông để tránh tình trạng quản lý chồng chéo lên nhau hoặc đùn đẩy, né tránh làm giảm hiệu quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bằng pháp luật. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ủy ban nhân dân các cấp trong giải quyết các vấn đề như xây dựng công trình giao thông, phân luồng, phân tuyến, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nhập khẩu phương tiện vận tải đường bộ, chủng loại phương tiện được nhập khẩu trên cơ sở tiêu chuẩn, kỹ thuật và tình hình cầu đường; đào tạo, dạy nghề, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông..vv.
Trước những yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi các cấp, ngành, các lĩnh vực phải từng bước đổi mới để phát triển toàn diện và đồng bộ, nhất là công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, từ đó từng bước giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông, xây dựng xã hội giao thông văn minh, an toàn và phát triển bền vững./.
Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp,
Bộ Công an