Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Uỷ ban ATGT Quốc gia về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực triển khai và có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực và hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được các cấp, các ngành chức năng quan tâm, vì thế ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT ở một bộ phận nhân dân có được nâng lên, song vẫn còn bộ phận không ít người chưa nhận thức đầy đủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, như: vẫn điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đi sai phần đường, làn đường, không có giấy phép lái xe, không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, chở hàng hóa cồng kềnh, xe ô tô khách, đò dọc, đò ngang chở quá tải, giành khách trên đường, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định; ý thức đạo đức, nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, những doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn hạn chế, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn diễn ra phổ biến, hiện tượng bảo kê trong lĩnh vực vận tải khách tại một số tuyến vẫn diễn biến phức tạp làm mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương chưa đảm bảo, quản lý nhà nước về công tác đảm bảo TTATGT của một số cơ quan còn bất cập; công tác giám sát việc chấp hành pháp luật về TTATGT chưa được đề cao. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm. Chính vì thế mà nhiều vụ tai nạn giao thông gây hiệu quả nghiêm trọng thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra. Công tác tổ chức, điều tiết giao thông khi có tai nạn giao thông và sự cố phương tiện là nguyên nhân dẫn đến những vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bảo đảm TTATGT
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam với vai trò tập hợp, vận động toàn dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước thông qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” đã được MTTQ Việt Nam thực hiện thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng tiêu chí gia đình, khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông để công nhận “Gia đình văn hoá”, khu dân cư văn hoá trong Cuộc vận động, được thể hiện cụ thể là:
1. Công tác tuyên truyền, tập huấn:
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức các Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nội dung tập trung vận động toàn dân thực hiện nếp sống văn hóa tham gia giao thông, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện; Tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và trật tự an toàn xã hội; nguy cơ gây tai nạn do lái xe uống rượu, bia; hậu quả tai nạn giao thông; các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; thực hiện nghiêm khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia – không lái xe”; Tuyên truyền, vận động, phổ biến rộng rãi đến từng khu dân cư, hộ gia đình, người dân quy định của pháp luật về việc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em nói riêng khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện; Phổ biến quy định của pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách và hàng hóa ở các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải, người điều khiển phương tiện; Tuyên truyền an toàn giao thông đường thủy nội địa; xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, vận động người đi đò tự giác mặc áo phao, chủ phương tiện chở khách ngang sông được cấp phép mới được phép hoạt động, phương tiện phải đủ đăng ký, đăng kiểm và dụng cụ cứu sinh; Tuyên truyền quy định pháp luật về an toàn, an ninh hàng không dân dụng.
2. Tổ chức ký cam kết khu dân cư, gia đình bảo đảm trật tự ATGT và xây dựng các tổ nhóm tự quản:
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức cho nhân dân, các khu dân cư, xã, phường đăng ký cam kết và thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông và theo dõi tổng kết việc tổ chức thực hiện, trực tiếp là: Đăng ký khu dân cư thực hiện tốt 5 nội dung “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, 4 nội dung “Gia đình bảo đảm trật tự ATGT”.
Duy trì, củng cố tổ chức và phát huy hoạt động của các tổ, nhóm tự quản là một trong những biện pháp hữu hiệu cần phát huy, tổ chức một cách bài bản trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở cơ sở hiện nay. Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình tự quản như: “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; “Khu dân cư tự quản”; “Khu dân cư giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, “Khu dân cư 5 không” (không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; không uống rượu bia trước và khi điều khiển phương tiện giao thông; không đi xe mô tô, xe máy khi không có đủ các loại giấy tờ theo quy định; không tham gia, cổ vũ đua xe trái phép; không chạy xe trên lề đường, vỉa hè dành cho người đi bộ); “khu dân cư 6 không”; “Xã-phường- khu dân cư” hoặc “Gia đình, dòng họ không có người vi phạm giao thông”; “Tổ dân phố, khu dân cư có đường thông hè thoáng”; “Xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”; “Nhóm hành nghề xe ôm tự quản”; xây dựng “Đội xã hội tình nguyện”, “Nhóm nòng cốt”, mô hình “Đoạn đường em chăm”.… Phát huy vai trò, hoạt động của các tổ, nhóm tự quản trong việc giám sát xây dựng công trình giao thông, đường làng, ngõ xóm, quản lý hành lang bảo vệ các công trình giao thông và các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông khác.
3. Xây dựng và nhân rộng các mô hình về vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông:
Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, chọn điểm và hướng dẫn MTTQ các tỉnh, thành phố xây dựng mô hình điểm về KDC bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó tập trung hướng dẫn phát huy hoạt động của các nhóm nòng cốt, các tổ, nhóm tự quản ở cơ sở, hướng dẫn các địa phương căn cứ thực tế để chọn mô hình phù hợp như: mô hình “Khu dân cư bảo đảm an toàn giao thông”; “Khu dân cư giữ gìn trật tự an toàn giao thông”; “Khu dân cư 5 không” (không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; không uống rượu bia trước và khi điều khiển phương tiện giao thông; không đi xe mô tô, xe máy khi không có đủ các loại giấy tờ theo quy định; không tham gia, cổ vũ đua xe trái phép; không chạy xe trên lề đường, vỉa hè dành cho người đi bộ); “Xã - phường - khu dân cư hoặc Gia đình, dòng họ không có người vi phạm giao thông”; “Tổ dân phố, khu dân cư có đường thông hè thoáng”;…
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động triển khai từ tỉnh, đến huyện, xã; mỗi tỉnh đều chọn huyện làm điểm, huyện chọn xã làm điểm và xã chọn khu dân cư làm điểm. Những điểm này được quan tâm chỉ đạo, đầu tư thời gian, hỗ trợ kinh phí, thường xuyên được kiểm tra, hướng dẫn, trong những năm tiếp theo đó, các đơn vị được chọn làm điểm tiếp tục được quan tâm, giữ vững và nhân rộng ra các mô hình khác. Nhìn chung, tại các điểm chỉ đạo đã có chuyển biến khá tích cực, giảm thiểu vi phạm về an toàn giao thông. Điều đáng ghi nhận là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, việc lãnh đạo, chỉ đạo khá chặt chẽ, đồng bộ, mọi lực lượng trong xã hội và các tầng lớp nhân dân đều tham gia hưởng ứng với những việc làm tích cực, hiệu quả. Hằng năm, các địa phương đã chỉ đạo sơ kết các điểm chỉ đạo để rút ra những kinh nghiệm cho việc nhân rộng ra toàn tỉnh. Ở mỗi khu dân cư đều thành lập Ban tự quản, Đội tự quản trong đó Ban Công tác Mặt trận và Công an khu vực làm lực lượng nòng cốt và gắn với nội dung tuyên truyền trật tự an toàn giao thông với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Qua công tác chỉ đạo điểm đã huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Nhiều mô hình hay, hiệu quả được phổ biến và nhân rộng, các mô hình Câu lạc bộ và nhiều mô hình của các tổ chức đoàn thể đã tạo sự chuyển biến tích cực góp phần làm giảm một số loại tội phạm, tệ nạn xã hội ở nhiều nơi trong thời gian qua. Nhận thức hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT tại điểm chỉ đạo đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, hạn chế được tai nạn giao thông, không còn tình trạng lạng lách, đánh võng, không đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, không lấn chiếm hành lang để bán hàng, tình trạng tập kết vật liệu vi phạm ATGT đã giảm so với những năm trước, cơ bản được giải quyết, không gây cản trở giao thông… 100% người dân tại các điểm chỉ đạo đã ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT góp phần làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn.
Việc xây dựng khu dân cư, xây dựng gia đình bảo đảm trật tự an toàn giao thông được người dân đồng tình hưởng ứng tham gia và đã trở thành phong trào thường xuyên trong nhân dân góp phần hạn chế các vụ vi phạm về trật tự ATGT và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông xảy ra tại địa bàn.
Như vậy, hàng năm có khoảng hơn 200 xã, phường, thị trấn được làm điểm chỉ đạo, để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng, đây chính là những xã, phường, thị trấn làm tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông.
4. Vận động nhân dân xây dựng, bảo vệ các công trình giao thông và hành lang an toàn giao thông:
Bảo vệ đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, dải phân cách…và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; không sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Vận động nhân dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Vận động người điều khiển phương tiện giao thông tuân thủ quy tắc giao thông; thực hiện đúng quy định của pháp luật về chất lượng phương tiện và các điều kiện về người điều khiển phương tiện giao thông.
Phát huy vai trò giám sát trong trong việc xây dựng công trình giao thông, quản lý hành lang bảo vệ các công trình giao thông, đấu tranh để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước nói chung và pháp luật an toàn giao thông nói riêng làm thiệt hại đến tài sản và tính mạng của người dân.
5. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết:
Hàng năm, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức các đoàn kiểm tra tại một số địa phương cơ sở và tham gia thực hiện kiểm tra theo chương trình, kế hoạch của Uỷ ban ATGT Quốc gia. Hàng năm và theo định kỳ Ban Thường trực có hướng dẫn và tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cùng với việc sơ kết hàng năm của Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và khen thưởng động viên kịp thời cho các tập thể, cá nhân làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
6. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lực lượng cảnh sát giao thông
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, vận động, tổ chức, hướng dẫn quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT, phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Thời gian qua do có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa lực lượng Công an với các ngành, đoàn thể và đặc biệt là Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, nhìn chung công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT ngày càng đi vào nề nếp, ổn định, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người tham gia giao thông, phần lớn người tham gia giao thông đều có tính tự giác và có văn hóa giao thông khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông vẫn chưa có tính tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, nguyên nhân là do chủ quan, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, nhất là đối tượng thanh thiếu niên. Việc tổ chức tuyên truyền cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn vì đa số ở độ tuổi lao động, làm việc trong các khu công nghiệp, ít có mặt tại nhà để dự tuyên truyền. Khi tổ chức tuyên truyền, đa số người trong gia đình đi thay, vì thế hiệu quả công tác tuyên truyền cho đối tượng này còn hạn chế. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận cán bộ làm công tác tuyên truyền về ATGT chưa đồng đều về trình độ, về kiến thức pháp luật, chưa coi trọng công tác này vì cho rằng đây là nhiệm vụ của lực lượng Công an mà trực tiếp là lực lượng CSGT, từ đó làm ảnh hưởng đến công tác phối hợp và triển khai thực hiện.
Thông qua các hoạt động phối hợp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể đã theo dõi, giám sát, góp ý cho ngành Công an trong công tác bảo đảm TTATGT và công tác xây dựng lực lượng CSGT, khắc phục những hạn chế tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Qua đó, mối quan hệ phối hợp ngày càng gắn bó, bền chặt, góp phần xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn những khó khăn như: Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa thật sự quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Công tác tuyên truyền, vận động tuy có cố gắng nhưng chưa được đều khắp ở các khu dân cư, có lúc có nơi chưa được thường xuyên; hình thức tuyên truyền còn đơn điệu nên chưa thu hút đúng đối tượng cần được tuyên truyền; kinh phí cho công tác tuyên truyền còn ít, chủ yếu lồng ghép với các chương trình khác nên công tác tuyên truyền thiếu thường xuyên, liên tục, mang tính thời điểm. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên khi tham gia giao thông còn nhiều hạn chế.
Do đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và công tác tuyên truyền vận động toàn dân tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp thực hiện một số nội dung cơ bản sau:
- Tuyên truyền, vận động mọi người dân hiểu biết pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tự giác thực hiện và vận động người khác cùng thực hiện. Chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; Nghị định của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, nội dung xây dựng gia đình, khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, văn hoá giao thông, có trách nhiệm với bản thân cộng đồng, biết tôn trọng nhường nhịn, biết chia sẻ giúp đỡ người khác khi tham gia gia thông…qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
- Gắn tiêu chí xây dựng gia đình, khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông với tiêu chuẩn xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá”, tiếp tục nhân rộng mô hình, điển hình tốt về an toàn giao thông; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín tại cộng đồng trong công tác an toàn giao thông; thực hiện tốt việc kiểm điểm cán bộ khi có thông báo danh sách cán bộ vi phạm trật tự an toàn giao thông về khu dân cư.
- Tuyên truyền, vận động tới mọi người dân có trách nhiệm tham gia bảo vệ các công trình giao thông, hành lang an toàn giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, đường sông và đường sắt và các phương tiện giao thông cá nhân; kịp thời phản ánh điểm đen tai nạn giao thông tới cơ quan chức năng, phối hợp giải quyết và vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật và giúp người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn.
An toàn giao thông là một vấn đề mang tính xã hội sâu sắc, là vấn đề cần phải giải quyết lâu dài, thường xuyên, liên tục. Để công tác tuyên truyền thực sự hiệu quả thì nội dung tuyên truyền cần cụ thể, trình bày bằng hệ thống câu hỏi, đáp khi chuyển tới khu dân cư. Ở mỗi thời điểm cần có hình thức tuyên truyền phù hợp, nội dung tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp từng vùng.
Hiện nay với 103.194 Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư trong cả nước, mỗi Ban Công tác Mặt trận có từ 9-11 vị, đây là lực lượng tuyên truyền viên rộng lớn ở địa phương, cơ sở, do đó cần quan tâm tập huấn, hỗ trợ kinh phí để các Ban Công tác Mặt trận thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu dân cư./.
Ban Thường trực
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam