Trước tình hình thực tế hoạt động GTVT hiện nay, lực lượng CSGT đã và đang triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT đạt nhiều hiệu quả.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, thời gian qua lực lượng CSGT đã chủ động tham mưu cho Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền và Ban ATGT các địa phương chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời trực tiếp phối hợp với các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT. Các hình thức tuyên truyền đạt hiệu quả cao như: tổ chức tuyên truyền lưu động, trưng bày panô, áp phích; trực tiếp tuyên truyền, giảng bài pháp luật về giao thông; vận động ký cam kết chấp hành TTATGT; nhiều địa phương đã năng động, sáng tạo tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy; phối hợp tổ chức, xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về ATGT trong nhân dân; tổ chức các buổi toạ đàm, giao lưu, sân khấu hóa tuyên truyền TTATGT; phối hợp cung cấp tin, bài, tư liệu, duy trì các chuyên mục "Bản tin ATGT" trên sóng truyền hình ở TW và địa phương. Tuyên truyền phổ biến pháp luật TTATGT đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua hoạt động của các mô hình tự quản, nhiều địa phương đã chủ động đề xuất và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp các ngành, các tổ chức xã hội xây dựng mô hình tự quản trong quần chúng nhân dân về ATGT đạt hiệu quả cao. Nội dung, hình thức các mô hình tự quản về ATGT đa dạng và phong phú, góp phần phát huy vai trò các tổ chức xã hội, mọi tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn TTATGT.
Thanh, thiếu niên là đối tượng tuyên truyền ATGT mà lực lượng CSGT hướng tới
Mặc dù là nhiệm vụ phối hợp nhưng lực lượng CSGT luôn xác định tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT là một biện pháp nghiệp vụ quan trọng. Do đó, CSGT đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, phương tiện thông tin đại chúng xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền về TTATGT. Đồng thời thông qua các mặt công tác nghiệp vụ, lực lượng CSGT trực tiếp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT:
- Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ lực lượng CSGT đường bộ không những phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ mà còn qua đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp cho người vi phạm biết rõ hành vi vi phạm của mình, để từ đó hiểu biết thêm và có ý thức tự giác chấp hành, không để tiếp tục xảy ra vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra…
- Thông qua công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lực lượng CSGT đã trực tiếp tuyên truyền để người dân hiểu biết thêm về pháp luật giao thông đường bộ và trách nhiệm của chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông để họ biết và tự giác chấp hành…
- Thông qua công tác chỉ huy điều khiển giao thông, lực lượng CSGT đã trực tiếp hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng phần đường, làn đường, chấp hành các hiệu lệnh của người chỉ huy điêu điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ…
- Thông qua công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, lực lượng CSGT đã phân tích các hành vi vi phạm của từng vụ tai nạn giao thông, qua đó chỉ rõ hành vi vi phạm các quy tắc giao thông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông để người tham gia giao thông biết và tự giác chấp hành...
Những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền của lực lượng CSGT đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, động viên, biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của quần chúng nhân dân đối với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc tuyên truyền, tổ chức vận động nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT còn gặp những khó khăn, vướng mắc như:
- Lực lượng CSGT Công an các địa phương chưa có biên chế CBCS chuyên trách công tác tuyên truyền; ở Cục và CSGT Công an các địa phương hầu hết cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ này chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu là kiêm nhiệm, làm việc bằng kinh nghiệm và tâm huyết với công việc được giao, vừa học, vừa làm.
- Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (kể cả một số ngành là thành viên Ban ATGT) chưa chặt chẽ và thường xuyên, nhiều nơi mới chỉ dừng ở mức thời vụ, phong trào và hình thức… đã hạn chế hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong cộng đồng dân cư.
- Một số ngành có chức năng tuyên truyền phố biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và chính quyền cơ sở (cấp huyện, thị, nhất là cấp xã, phường, thị trấn) chưa thực sự quan tâm đến công tác này nên hiệu quả còn thấp.
- Nhận thức và hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông ở các vùng, miền không đồng đều, một bộ phận người tham gia giao thông có hiểu biết các quy định về ATGT nhưng ý thức tự giác chấp hành kém hoặc vì tư lợi đã cố ý không chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
- Việc phát hiện xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT chưa được triệt để do lực lượng chức năng mỏng không quán xuyến hết tuyến, địa bàn; nhiều vụ TNGT nghiêm trọng chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật cũng hạn chế đến việc răn đe, giáo dục phòng ngừa.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT chậm đổi mới về hình thức, nội dung chưa thu hút và phù hợp với từng đối tượng tham gia giao thông, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa và đối tượng là học sinh ở các bậc học.
- Phương tiện, kỹ thuật và kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn rất thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Chỉ thị số 09/CT-TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, lực lượng CSGT cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:
Một là: Phát huy vai trò nòng cốt từ cơ sở trong tổ chức phong trào quần chúng bảo đảm TTATGT:
- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, chiến sỹ các nội dung Chỉ thị của Ban Bí thư, chủ trương của Đảng, Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Công an về phát huy vai trò của quần chúng trong công tác giữ gìn TTATGT.
- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương các cấp có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, Chính quyền các địa phương thì ở nơi đó tình hình TTATGT có chuyển biến rõ rệt, kiềm chế và giảm được TNGT. Do vậy, lực lượng CSGT phải tranh thủ tối đa sự chỉ đạo và làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất cho các cấp uỷ, chính quyền địa phương ban hành các nghị quyết, chỉ thị và quyết định quy định về công tác về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về trật tự an toàn giao thông phải được coi trọng hàng đầu.
- Phát huy, nhân rộng các mô hình tự quản bảo đảm TTATGT, các phong trào tình nguyện bảo đảm TTATGT. Xây dựng lực lượng CSGT ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng mối quan hệ “máu thịt” giữa nhân dân, huy động lực lượng cảnh sát khác, lực lượng công an xã tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
- Trong quá trình thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT, cần chọn điểm để xây dựng phong trào toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT, phát hiện mô hình tốt, cách làm hay từ phong trào để nhân rộng trên phạm vi toàn địa phương.
Hai là: Tiếp tục duy trì thực hiện tốt các Quy chế phối hợp với các ngành như: Tổng cục đường bộ Việt Nam; Cục đường sắt Việt Nam; Tổng Công ty đường sắt Việt Nam; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Giáo dục- Đào tạo; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia; các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng giữ gìn TTATGT.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan của Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, TW Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác giữ gìn TTATGT. Phối hợp với Ủy ban dân tộc và các đơn vị có liên quan phát huy vai trò của quần chúng nhân dân vùng miền núi và các dân tộc tham gia công tác giữ gìn TTATGT ở cơ sở.
Ba là: Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức và nội dung phù hợp với mọi đối tượng tham gia giao thông, tập trung vào thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, với mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí để phản ánh kịp thời đầy đủ những hoạt động của lực lượng CSGT, định hướng dư luận để nhân dân hiểu, chấp hành và giúp lực lượng CSGT hoàn thành nhiệm vụ. Chú trọng tuyên truyền về công tác xây dựng lực lượng CSGT thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Công an nhân dân thực hiện nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Từng bước xây dựng hình ảnh đẹp về lực lượng cảnh sát giao thông trong mắt người dân./.
Đại tá Lê Xuân Đức
Phó Cục trưởng Cục CSGT