Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Nghiên cứu - Trao đổi
Hàng ngàn giấy phép lái xe đang bị “bỏ quên” ở Hà Nội
Ngày đăng: 11/04/2017

Thời gian qua, nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông đã bỏ lại giấy phép lái xe (GPLX), không đến trụ sở cơ quan chức năng để làm thủ tục giải quyết xử lý vi phạm. Có hàng ngàn giấy phép lái xe đang bị “bỏ” quên ở nhiều đơn vị Cảnh sát giao thông (CSGT). PV Báo CAND đã ghi nhận thực tế, tìm hiểu về vấn đề này.

Sáng 10-4, có mặt tại bộ phận xử lý vi phạm giao thông của Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội), đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh các tủ đựng hồ sơ xử lý vi phạm ngồn ngộn biên bản đính kèm GPLX của người điều khiển vi phạm đang lưu trữ ở đây. 

Trung tá Hoàng Quang Chiến, cán bộ Tổ xử lý vi phạm tỏ ra lo ngại trước hiện tượng nhiều người điều khiển phương tiện phớt lờ các quy định của pháp luật, không đến ký và nộp phạt theo quy định. Dù trước đó, GPLX của mình đã bị lực lượng CSGT lập biên bản tạm giữ.

Nhìn vào tập hồ sơ vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông chưa đến giải quyết được đóng theo từng quyển (ứng với tháng, năm cụ thể), chúng tôi giật mình, bởi số lượng GPLX bị “bỏ quên” ở đây lên đến cả ngàn chiếc. Có những biên bản đính kèm GPLX bị tạm giữ từ năm 2010. 

Hàng ngàn trường hợp vi phạm TTATGT “bỏ quên” GPLX ở cơ quan chức năng

Theo Trung tá Hoàng Quang Chiến, hiện số GPLX môtô, xe máy đang bị tạm giữ ở Đội, người vi phạm chưa đến giải quyết lên đến hơn 2.000 chiếc. Và chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, số GPLX môtô kèm với các biên bản vi phạm hành chính đã quá hạn xử lý nhưng chưa có người đến làm thủ tục giải quyết bị “bỏ quên” ở đây lên đến hơn 300 chiếc. 

Như trường hợp của anh Trần Xuân Vũ, 24 tuổi, ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Trưa 15-1-2017, anh Vũ điều khiển xe môtô mang BKS 33R2-593x lưu thông tới ngã tư Cầu Giấy không chấp hành đèn tín hiệu giao thông. Lỗi vi phạm trên đã bị cán bộ CSGT làm nhiệm vụ lập biên bản và tạm giữ GPLX. Song đến nay, anh Vũ vẫn chưa lên trụ sở để giải quyết. 

Rồi có trường hợp, không chỉ “bỏ quên” GPLX, mà người điều khiển phương tiện còn “quên” luôn cả chứng minh nhân dân. Đơn cử như trường hợp anh Hoàng Kim Mạnh, 37 tuổi, ở huyện Lý Nhân (Hà Nam). 

Ngày 14-1-2017, trong quá trình điều khiển xe môtô mang BKS 29L7-812x trên tuyến đường Giảng Võ – Cát Linh, do vi phạm lỗi đi ngược chiều nên anh bị CSGT lập biên bản, tạm giữ GPLX. Vì ảnh trên GPLX bị nhòe, do vậy Tổ công tác đã tạm giữ chứng minh nhân dân của anh để tiện cho việc xử lý vi phạm.

“Nhưng đến nay, đã gần 3 tháng trôi qua, anh Mạnh không đến Đội để làm thủ tục nộp phạt, lấy lại giấy tờ theo quy định”, Trung tá Hoàng Quang Chiến cho hay.

Tại Đội CSGT số 6, tình trạng nhiều GPLX của người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông bị “bỏ quên” cũng xuất hiện khá nhiều. 

Thiếu tá Trịnh Tiến Thành, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho hay, do số GPLX đang bị “tồn kho” nhiều nên đơn vị đã bố trí các tủ, kệ hồ sơ để lưu trữ riêng. Tính đến hiện tại, số GPLX bị tạm giữ, người vi phạm chưa đến giải quyết là hơn 1.000 chiếc. Trong số này chủ yếu là GPLX môtô, xe máy. Cá biệt trong số hồ sơ này có những bộ hồ sơ, GPLX được lưu từ năm 2010.

Một số ý kiến đưa ra: “Có lẽ do người vi phạm Luật Giao thông chưa đến làm thủ tục giải quyết vì bận công tác, bận việc gia đình!”. 

Tiếp xúc với các cán bộ làm công tác xử lý vi phạm ở một số Đội CSGT trên địa bàn cũng như trực tiếp chứng kiến việc lưu giữ hồ sơ, GPLX người vi phạm, chúng tôi thấy rằng, ý kiến trên chỉ đúng với số ít trường hợp. Lẽ vì, không thể có chuyện người vi phạm bận từ năm này qua năm khác được. Vì có trường hợp còn “bỏ quên” GPLX ở cơ quan chức năng từ những năm 2010, 2011 như ở Đội CSGT số 2 là một ví dụ. 

Trung tá Lê Mạnh Hưng, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 2 cho hay, hầu hết các trường hợp điều khiển xe môtô vi phạm bị tạm giữ GPLX nhưng không đến cơ quan chức năng giải quyết tập trung vào các lỗi có chế tài xử lý nặng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như: không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, sử dụng rượu bia quá mức quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông v.v… 

Nhiều trường hợp vi phạm đã lợi dụng thủ tục cấp, đổi GPLX có phần “hơi thoáng” như hiện nay để vờ… báo mất GPLX và làm thủ tục cấp lại thay vì đến cơ quan chức năng ký vào biên bản xử lý vi phạm hành chính, nộp phạt với số tiền nhiều hơn lệ phí làm thủ tục cấp lại GPLX. Đấy còn chưa kể đến tình trạng, số tài xế sau khi bị tạm giữ GPLX ở địa phương này, đã làm thủ tục xin cấp lại GPLX ở tỉnh, thành khác.

Trước thực trạng hàng ngàn GPLX đang “tồn kho” như hiện nay, Trung tá Lê Mạnh Hưng đã đưa ra một số đề xuất. Theo đó, tới đây, việc xác minh để cấp đổi lại GPLX cần siết chặt hơn. Và để khâu xác minh này được chặt chẽ, không để lọt các trường hợp kê khai không đúng sự thực trong quá trình làm thủ cấp lại GPLX, tới đây, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu và triển khai đồng bộ hệ thống dữ liệu về xử lý vi phạm TTATGT trên toàn quốc. Qua đó, những trường hợp vi phạm cố tình khai báo không trung thực – làm đơn xin cấp lại trong khi bị cơ quan chức năng tạm giữ GPLX sẽ bị phát hiện, xử lý kịp thời.                                                          

Trao đổi với PV Báo CAND, Thiếu tá Trịnh Tiến Thành cũng nêu ý kiến, bên cạnh việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trong việc quản lý các trường hợp vi phạm TTATGT, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa. Để từ đó, các trường hợp vi phạm thấy được những hệ lụy đi kèm với việc “bỏ quên” GPLX tại cơ quan chức năng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, đưa ra quy định cụ thể có tính răn đe đối với các trường hợp khai báo gian dối trong quá trình làm thủ tục xin cấp lại GPLX. Có như vậy, các trường hợp vi phạm Luật Giao thông mới không tỏ ra “nhờn” luật./.

Trần Huy, Báo CAND

Các tin khác liên quan