Với ảnh hưởng của rượu, người điểu khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đều dễ bốc đồng chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, sau đó rượu gây ức chế não bộ làm cho người lái xe có thể ngủ gật trong khi điều khiển xe. Rượu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 – 30%, ngoài ra rượu còn làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực. Rượu gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não, gây ước tính sai về khoảng cách... dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống của nhân dân nước ta ngày càng được nâng cao, các hoạt động giao lưu kinh tế – văn hoá, lễ hội, du lịch... ngày càng tăng cộng với thói quen, tập tục từ nhiều đời thì việc uống rượu, bia đã trở nên phổ biến ở mọi lứa tuổi, mọi vùng miền. Hiện tại, theo số liệu khảo sát chưa đầy đủ, mức tiêu thụ bình quân người/ năm ở nước ta là 15.8 lít, gần bằng 2/3 so với mức tiêu thụ chung của thế giới (23 lít) và mức tiêu thụ rượu là 3,9 lít/ người. Điều tra và sức khoẻ vị thành niên (từ 14-15 tuổi) cho thấy 69% nam và 28% nữ đã từng uống rượu, trong đó 58% nam và 30% nữ đã từng say rượu... Đáng lưu ý, trong số những người uống rượu, bia, thậm chí dùng cả các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng thì rất nhiều người vẫn điều khiển ô tô, xe máy lưu thông trên đường một cách vô tư và đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đau lòng, làm hàng trăm người bị chết và bị thương.
Theo số liệu thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, trong các năm từ 2004 đến năm 2007 tai nạn do nguyên nhân từ say rượu, bia luôn chiếm từ 6 – 8% tổng số vụ TNGT xảy ra trong toàn quốc. Năm 2004, qua phân tích nguyên nhân của 5.588 vụ TNGT thì có tới 462 vụ do người điều khiển phương tiện cơ giới say rượu, bia gây ra (chiếm hơn 8%) do say rượu bia; Năm 2006 phân tích 7.280 vụ TNGT có 474 vụ do lái xe say rượu bia (6,5%) và qua tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã kiểm tra phát hiện, lập biên bản xử lý 227 lái xe ô tô, 4.329 trường hợp điều khiển xe máy sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép vẫn điều khiển xe; năm 2007 có 474 vụ/7.253 vụ TNGT được phân tích lái xe say rượu, bia gây ra và 6 tháng đầu năm 2008 có 154 vụ TNGT từ nguyên nhân say rượu, bia. Đáng chú ý, trong tổng số 315 vụ TNGT ĐB xảy ra trong 5 ngày Tết Nguyên đán Mậu Tý, làm chết 216 người, bị thương 336 người có tỷ lệ không nhỏ xẩy ra do lái xe say rượu, Tai nạn giao thông do lái xe say rượu gây ra. (Ảnh: N.C ) Tuy nhiên, có thể nói rằng số liệu trên chỉ là thống kê chưa đầy đủ, trong thực tế tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Chẳng hạn tại Bạc Liêu trong tháng 10 có 30 vụ TNGT xảy ra do lái xe say rượu, bia ( chiếm 24,5% tổng số TNGT toàn tỉnh): kết quả nghiên cứu tai nạn thương tích ở Hải Dương cho thấy gần 1/3 lái xe máy bị TNGT trả lời thường xuyên hoặc thỉnh thoảng có uống rượu trước khi lái xe. Trong số 500 trường hợp nạn nhân tử vong được viên pháp y quốc gia xét nghiệm có 34% nạn nhân có nồng độ còn trong máu vượt quá mức cho phép.
Lái xe trong trạng thái say rượu, bia hoặc dùng các chất kích thích không chỉ là nguy cơ cao dần dẫn đến TNGT mà còn làm trầm trọng thêm chấn thương khi xẩy ra tai nạn, gây phức tạp thêm cho việc gây mê và phẫu thuật do sự tương tác giữa thuốc và chất cồn... dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao. Tại bệnh viện nhân dân 115 (TP Hồ Chí MInh) 06 tháng đầu năm có 940 bệnh nhân vào cấp cứu, phát hiện 370 người (34%) có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép, trong đó có 112 đã tử vong. Nhiều vụ TNGT thảm khốc và đau lòng do lái xe say rượu bia gây ra như ở Gia Lai, 2 xe môtô chở 3 và 2 nam giới đâm vào nhau trên đường ĐT 673 thuộc huyện Chưpal làm cả 5 người tử nạn. Tại Tiền Giang, xe môtô chở 4 thanh niên đâm vào xe môtô chạy ngược chiều làm 2 người chết, 3 người bị thương nặng hoặc vụ TNGT xảy ra trên QL 20 ( Tân Phú, Đồng Nai) làm 3 thanh niên trên xe môtô bị tử nạn....)
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn và thiệt hại do TNGT gây ra, Quốc hội đã thông qua Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) trong đó có nội dung về qui định nồng độ cồn trong máu và hơi thở của người điều khiển phương tiên giao thông cơ giới đường bộ theo hướng: nghiêm cấm điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng: người điều kiển xe môtô, xe gắn máy trong máu có nồng độ còn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0.25mg/1lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng. Căn cứ qui định của Luật, các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị, xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mọi người dân thấy được tác hại bằng các chiến dịch, cao điểm như tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm một cách mạnh mẽ, rộng khắp và liên tục, nhằm mục tiêu giáo dục cộng đồng để thay đổi thái độ, thói quen và tập tục về sử dụng rượu, bia khi điều khiển xe tham gia giao thông, đồng thời các lượng lực chức năng cần tăng cường kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng đó, nhà nước cần thực hiện các chính sách từ hạn chế sử dụng rượu, bia như: Đánh thuế cao đối với sản xuất rượu. bia, Nhà nước độc quyền làm bia rượu và qui định tuổi được mua rượu, bia hạn chế số lượng các cửa hàng bán rượu, bia cũng như tăng cường quản lý trong sản xuất, lưu thông quảng cáo sử dụng rượu, bia