Bạn Nguyễn Lan Anh, Q. Cầu Giấy, Hà Nội hỏi: tôi mua xe và mua bảo hiểm tại nơi bán xe thì có thuận lợi gì không so với mua bảo hiểm ở ngoài?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Cho dù khách hàng mua bảo hiểm từ bất kỳ đại lý bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nào thì cũng được hưởng quyền lợi bảo hiểm như nhau.
Bạn Trà My, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội hỏi: Tôi hay bắt xe khách ở dọc đường thay vì vào trong bến xe để mua vé. Vậy nếu trong quá trình vận chuyển lái xe gây ra tại nạn làm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe tôi có được bồi thường hay không khi tôi không có vé xe và xác định mức bồi thường như thế nào?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể”. Việc lái xe của công ty vận chuyển hành khách gây tai nạn đã vi phạm quyền được bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng con người được pháp luật bảo vệ. Do đó sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với bạn cũng như các hành khách - những người bị thiệt hại trong chuyến xe khách đó. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về pháp nhân tức công ty vận chuyển hành khách vì lái xe là người của công ty vận chuyển hành khách gây ra tai nạn và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách trên xe trong khi đang thực hiện nhiệm vụ được công ty giao cho theo quy định tại Điều 618 Bộ luật dân sự 2005: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 528 Bộ luật dân sự 2005:
- Hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản.
- Vé là bằng chứng cho việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.
Vì vậy, mặc dù bạn không mua vé xe thì giữa bạn và công ty vận chuyển hành khách đã có giao kết hợp đồng dân sự với nhau. Bởi vì hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách có thể bằng lời nói hoặc văn bản, do đó việc giao kết hợp đồng giữa bạn với phụ xe và lái xe là bằng lời nói. Việc giao kết này dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên và việc phụ xe để bạn lên xe đã chứng tỏ hai bên đã xác lập hợp đồng vận chuyển hành khách.
Việc xác định mức bồi thường được căn cứ theo quy định tại điều 609 và điều 610 Bộ Luật dân sự 2005 như sau:
Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Ðiều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Ðiều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Bạn Kim Nhung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hỏi: Khi xảy ra tai nạn giao thông gây thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường của chủ xe gây tai nạn (có mua bảo hiểm vật chất thân vỏ xe) và cơ quan bảo hiểm như thế nào?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Khi bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm thường phải kiểm tra như sau: thứ nhất là tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm và người mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm. Thứ hai: các giấy tờ liên quan đến xe: đăng ký xe, số máy, số khung phải phù hợp với giấy chứng nhận bảo hiểm. Thứ ba: lái xe phải có bằng lái có hiệu lực và hợp lệ phù hợp với xe đang bảo hiểm. Thứ tư: Tai nạn trên không thuộc phạm vi loại trừ bảo hiểm như lái xe không có bằng lái, lái xe bị say rượu, lái xe bị say rượu, quay đầu xe không đúng quy định... Nghĩa là vi phạm luật lệ an toàn giao thông được ghi vào hồ sơ tai nạn do cơ quan công an cấp. Lái xe cố ý gây tai nạn, xe bị nổ lốp và những thiệt hại do hậu quả của vụ tai nạn lái xe bỏ chạy sau khi gây tai nạn không có hành vi cứu người bị tai nạn và không bảo vệ hiện trường tai nạn.
Căn cứ vào kết luận tại hồ sơ tai nạn giao thông của cảnh sát giao thông hoặc cơ quan công an nơi xảy ra tai nạn hoặc chính quyền địa phương (cấp xã) nơi xảy ra tai nạn nếu lái xe hoặc chủ xe không vi phạm các điều loại trừ trên thì thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông gây ra hư hỏng cho chiếc xe sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường bằng chi phí sửa chữa thay thế mua mới những bộ phận bị hư hại do tai nạn giao thông gây ra. Chi phí sửa chữa bảo dưỡng xe làm cùng với sửa chữa xe bị tai nạn nói trên không do rủi ro được bảo hiểm gây ra sẽ không được bồi thường.
Tôi là người mua bảo hiểm cho xe ôtô từ ngày 20-12-2015. Vừa rồi tôi tham gia giao thông có bị va chạm, bị xước nhẹ, tôi đã gọi cho nhân viên bán bảo hiểm, nhân viên bán bảo hiểm nói cứ để gần đến ngày hết sẽ làm lại. Sau đó không thấy đến và gọi nhiều lần nhưng nhân viên không trả lời. Nay đã hết hạn (20-12-2016). Vậy giải quyết việc này ra sao?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Trong quy tắc bảo hiểm có quy định rõ khi xảy ra tai nạn giao thông, trách nhiệm của chủ xe là phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm biết ngay sau khi tai nạn, chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn. Bạn lưu ý rằng bạn phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm chứ không phải là người bán bảo hiểm. Trên giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm bao giờ cũng ghi rõ số điện thoại để bạn thông báo tình trạng nói trên. Việc gửi thông báo tai nạn chậm hơn quy định thì doanh nghiệp có quyền từ chối một phần hoặc toàn bộ thiệt hại do tai nạn xảy ra.
Trên thực tế, một số thiệt hại vật chất xe cơ giới do tai nạn gây ra không ảnh hưởng đến an toàn cũng như mỹ quan xe mà xe vẫn lưu hành được thì người ta không nhất thiết phải sửa chữa ngay mà chỉ cần thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm biết để cử người đến xác định nguyên nhân gây ra tổn thất, và ghi nhận lại mức độ thiệt hại bằng chụp ảnh hoặc mô tả những hư hại xảy ra.
Khi tiến hành bảo dưỡng hoặc sửa chữa thiệt hại do rủi ro được bảo hiểm hoặc không được bảo hiểm khác xảy ra cũng như khi hết hạn hợp đồng bảo hiểm, thì người ta sẽ tiến hành sửa chữa tổn thất đã được thông báo nói trên để giải quyết bồi thường cho chủ xe.
Bạn Lê Anh Chiến, thành phố Đà Nẵng hỏi: cho tôi hỏi về các quy định mới của pháp luật về hoạt động bồi thường cho người bị tai nạn có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Khi bồi thường các bên sẽ phải lập hồ sơ như thế nào?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác để thu thập các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông để lập Hồ sơ bồi thường. Bắt đầu từ ngày 01/04/2016 Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16 tháng 02 năm 2016 có hiệu lực áp dụng, các quy định về bồi thường được quy định như sau:
Hồ sơ bồi thường bao gồm các tài liệu sau:
Thứ nhất: Tài liệu liên quan đến xe, lái xe (Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính):
+ Giấy đăng ký xe.
Giấy phép lái xe.
+ Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tuỳ thân khác của lái xe.
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Thứ hai: Tài liệu chứng minh thiệt hại về người (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm), tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:
+ Giấy chứng thương.
+ Giấy ra viện.
+ Giấy chứng nhận phẫu thuật.
+ Hồ sơ bệnh án.
+ Giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong).
Thứ ba: Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản
+ Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra do chủ xe thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm.
+ Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ tư: Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn
+ Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn.
+ Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có).
+ Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn.
+ Thông báo sơ bộ kết quả Điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông.
+ Các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không có các tài liệu nêu trên thiệt hại xảy ra ước tính dưới 10 triệu đồng, hồ sơ bồi thường phải kèm theo:
+ Biên bản xác minh vụ tai nạn giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra tai nạn. Biên bản xác minh vụ tai nạn phải có các nội dung sau:
- Thời gian, địa Điểm xảy ra tai nạn;
- Thông tin do chủ xe cơ giới hoặc lái xe gây tai nạn, nạn nhân hoặc đại diện của nạn nhân, các nhân chứng tại địa Điểm xảy ra tai nạn (nếu có) cung cấp. Các đối tượng cung cấp thông tin phải ghi rõ họ tên, số chứng minh thư, địa chỉ;
- Mô tả hiện trường vụ tai nạn và thiệt hại của phương tiện bị tai nạn (kèm theo bản vẽ, bản ảnh).
+ Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập.
+ Các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).
Để giải quyết được mức độ bồi thường nêu trên phải đảm bảo về mặt hồ sơ giấy tờ và các nội dung có liên quan để giải quyết nhanh hơn.
Bạn Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam hỏi: Trong trường hợp xe tôi bị xe khác đụng vào đuôi xe, sau khi làm đầy đủ các thủ tục cần thiết, chuyển quyền đòi bồi thường bên thứ ba cho bảo hiểm vật chất, có biên bản kết luận của CSGT là lỗi do bên thứ ba 100% thì tôi có được bảo hiểm vật chất thanh toán đủ 100% số tiền sửa chữa xe của đại lý chính hãng Toyota không?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Trường hợp anh Tâm nêu ra được hiểu là:
1/ Nếu bên thứ ba có mua thêm bảo hiểm vật chất thì chi phí sửa chữa của xe anh sẽ được bồi thường 100%.
2/ Nhưng nếu như bên thứ ba chỉ có mua bảo hiểm dân sự bắt buộc thì trường hợp của anh sẽ được hiểu như sau:
* Sau khi đã có biên bản xác nhận từ CSGT lỗi thuộc về bên thứ ba 100% và vì bên thứ ba chỉ có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, nên công ty bảo hiểm mà bên thứ ba mua chỉ có thể bồi thường tối đa với mức phí 50.000.000 đồng.
* Đồng thời, anh có quyền quyết định sửa chữa xe của mình tại đại lý chính hãng Toyota.
* Trường hợp chi phí sửa chữa - bồi thường trên 50.000.000 đồng nhưng không có sự đồng thuận từ các bên có liên quan thì sự việc sẽ được giải quyết thông qua phán quyết của tòa án.
Bạn Ánh Nguyệt, thành phố Việt Trì hỏi: Tôi bị kẻ gian lấy mất hai chiếc gương chiếu hậu khi đang đỗ xe ngoài đường. Tôi có được đền không? Nếu phụ tùng đắt tiền phải đợi nhập khẩu về thì chi phí có bị đội lên không hay vẫn tính giá như tại thị trường VN? Khách hàng sẽ phải trả chi phí chênh lệch này hay công ty bảo hiểm sẽ trả?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
- Nếu quý khách có mua bảo hiểm mất cắp bộ phận thì sẽ được xem xét bồi thường.
- Khi xe bị tổn thất mà phải thay thế phụ tùng cần nhập khẩu từ nước ngoài về, các hạng mục sửa chữa đó đã được bảo hiểm duyệt giá với đơn vị sửa chữa mà được đơn vị sửa chữa chấp nhận thì khách hàng không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí chênh lệch nào nữa.
Bạn Dương Tuấn, thành phố Nha Trang hỏi: Vừa qua tôi có mua bảo hiểm vật chất cho xe ôtô. Xe gặp tai nạn và bung 2 túi khí. Khi gara đấu thầu sửa chữa, phải thay 2 túi khí mới. Nhưng khi mang xe về sau khi được sửa chữa tôi đã phát hiện ra gara đã không thực hiện đúng hợp đồng trong việc thay túi khí mới, mà nén 2 túi khí cũ lại bằng cách bọc lại da bên ngoài và gắn thêm thiết bị điện tử đằng sau đồng hồ contermet nhằm làm sai lệch thông số kỹ thuật của xe. Tôi có báo sự việc trên cho Công ty Bảo hiểm, nhưng công ty lảng tránh trách nhiệm là bên có liên quan, mà lại hướng dẫn tôi làm đơn khởi kiện gara ra tòa. Hỏi như vậy có đúng không?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Việc sửa chữa xe có tai nạn có hai trường hợp xảy ra. Một là tại nơi sửa chữa do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định, hai là tại nơi sửa chữa theo yêu cầu của người mua bảo hiểm và được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận. Hợp đồng sửa chữa và chi phí sửa chữa do doanh nghiệp bảo hiểm ký và thanh toán, đánh giá chất lượng kết quả của sửa chữa chính là chủ xe hoặc lái xe. Họ kiểm tra xe được sửa chữa đúng như mong muốn của mình thì mới nhận xe. Khi giao xe cho chủ xe bị tai nạn sau sửa chữa xe coi như doanh nghiệp bảo hiểm đã hoàn thành nghĩa vụ bồi thường của mình. Chủ xe đã có được chiếc xe hoàn toàn như trước khi xảy ra tai nạn (không bị hư hại). Sau này chủ xe mới phát hiện được gara sửa chữa không làm đúng việc thay thế sửa chữa các bộ phận để khắc phục thiệt hại được bảo hiểm như yêu cầu thì chủ xe buộc gara phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Tuy nhiên, để làm được việc này, chủ xe cũng cần được sự trợ giúp từ doanh nghiệp bảo hiểm để trích lục hợp đồng sửa chữa, quy kết trách nhiệm cho gara cũng như chủ xe phải có bằng chứng về lỗi mà do gara sửa chữa gây ra.
Bạn Quỳnh Châu, tỉnh Bình Định hỏi: Tôi muốn đổi xe mới. Vậy tôi chuyển hợp đồng bảo hiểm này sang xe mới hay mua một hợp đồng mới hoàn toàn? Hình thức nào có lợi hơn?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khuyến khích khách hàng thay đổi xe được bảo hiểm trong hợp đồng hiện có. Bằng cách này, khách hàng có thể duy trì được tất cả các quyền lợi dành cho khách hàng hiện hữu, đặc biệt là chế độ giảm phí dành cho các khách hàng trung thành. Ngoài ra, khách hàng cũng có cơ hội nhận được mức phí bảo hiểm tái tục tốt hơn nếu giữ gìn xe tốt (bao gồm cả xe đã bán đi) trong suốt thời hạn bảo hiểm.
Bạn Minh Đức, thành phố Phan Thiết hỏi: Thời hạn chi trả tiền bồi thường bảo hiểm vật chất xe ôtô là bao lâu? Có quy định nào chi trả bồi thường trên 5 triệu đồng thì do công ty chi trả mà không phải là chi nhánh ở tỉnh trả không? Tôi đang gặp trường hợp như vậy? Quá thời hạn chi trả mà không trả tiền bảo hiểm vật chất thì công ty đó có bị chế tài gì không?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ chứng từ hợp lệ của người được bảo hiểm. Nếu bộ hồ sơ, chứng từ có những thiếu, sai sót, DN bảo hiểm sẽ hướng dẫn cho khách hàng bổ sung cho đến khi đủ những quy định nêu trên. Nếu DN bảo hiểm từ chối bồi thường một phần hoặc toàn bộ thì phải gửi văn bản trả lời khách hàng nêu rõ lý do từ chối. Đa số các DN bảo hiểm thường đưa vào quy tắc, điều khoản của mình thời hạn trên ngắn hơn thường là 15 ngày.
Các DN bảo hiểm thường phân cấp cho chi nhánh, công ty thành viên của mình giải quyết bồi thường một số vụ tai nạn giao thông mà thiệt hại không nghiêm trọng. Mức độ phân cấp tùy thuộc vào quy mô của chi nhánh công ty thành viên cũng như trình độ chuyên môn quản lý điều hành của giám đốc công ty thành viên và trưởng phòng nghiệp vụ xe cơ giới của đơn vị này từ 5 - 50 triệu hoặc hơn nữa trong một vụ.
Nếu không giải quyết bồi thường đúng hạn thì người mua bảo hiểm có quyền gửi văn bản kèm theo sao lục những hồ sơ liên quan đến bồi thường về Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tầng 4 tòa nhà 141 Lê Duẩn, Hà Nội hoặc gửi về Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 28 Trần Hưng Đạo để xử lý.
Bạn Minh Anh, Hoàn Kiếm, Hà Nội hỏi: Tôi thấy các nhân viên của các doanh nghiệp bảo hiểm tư vấn cho tôi nhiều loại bảo hiểm, dành cho xe khách, trong đó có bắt buộc và tự nguyện, tôi vẫn băn khoăn sợ nhân viên muốn doanh thu cao nên tư vấn nhiều loại. Cho tôi hỏi bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tham gia bao gồm những loại hình bảo hiểm trách nhiệm nào? hành khách theo quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự là như thế nào?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Đối với xe chở khách khi tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự thì sẽ bao gồm 2 loại hình bảo hiểm:
a. bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba
b. bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hành khách được chở trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách.
Đối với các xe không kinh doanh vận tải hành khách và xe chở hàng thì chỉ có 1 loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.
Theo quy định tại khoản 4 điều 3 Nghị định 103/2008/NĐ-CP “Hành khách” là người được chở trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách thuộc các hình thức quy định trong Bộ luật dân sự.
Bạn Nguyễn Xuân Tùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội hỏi: nếu tôi mua xe ô tô đã có bảo hiểm TNDS thì tôi có cần mua bảo hiểm TNDS mới không?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe ô tô thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe mới. Vì vậy, trong trường hợp này Quý khách không cần phải mua lại bảo hiểm TNDS nữa.
Bạn Khánh Linh, Thành phố Thái Nguyên hỏi: Tôi thấy nhân viên tư vấn nhắc đến phải mua bảo hiểm bắt buộc cho bên thứ ba, tôi thấy bên thứ ba thì có tham gia gì trong vụ TNGT đâu mà phải bắt buộc mua bảo hiểm? Cho tôi hỏi khái niệm bên thứ ba theo quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự là như thế nào?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Theo quy định tại khoản 5 điều 3 Nghị định 103/2008/NĐ-CP “Bên thứ ba” là người bị thiệt hại về thân thể, tính mạng, tài sản do xe cơ giới gây ra, trừ những người sau:
a) Lái xe, phụ xe trên chính chiếc xe đó;
b) Người trên xe và hành khách trên chính chiếc xe đó;
c) Chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao cho tổ chức, cá nhân khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.
Điều 6 Nghị định 103/2008/NĐ-CP quy định nguyên tắc tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như sau:
1. Chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Nghị định này và Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính quy định.
2. Chủ xe cơ giới không được đồng thời tham gia hai hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trở lên cho cùng một xe cơ giới.
3. Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, chủ xe cơ giới có thể thoả thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm được quyền chủ động bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới dưới các hình thức sau:
a) Trực tiếp;
b) Thông qua đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm;
c) Thông qua đấu thầu;
d) Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thông qua đại lý bảo hiểm thì đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định khác của pháp luật liên quan.
Doanh nghiệp bảo hiểm không được sử dụng đại lý bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới của doanh nghiệp bảo hiểm khác trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đó chấp thuận bằng văn bản.
Bạn Đặng Lan Anh, Q. Đống Đa, Hà Nội hỏi: tôi có được tham gia đồng thời nhiều hợp đồng bảo hiểm TNDS cho cùng một chiếc ô tô được không?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Ngày 16/02/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm (BH) bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới, tại khoản 2 điều 4 Thông tư quy định: “Chủ xe cơ giới không được đồng thời tham gia hai hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trở lên cho cùng một xe cơ giới”.
Bạn Đinh Mạnh Hùng, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội hỏi: khi tham gia hợp đồng bảo hiểm TNDS những trường hợp nào không được bồi thường thiệt hại?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:
- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.
- Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
- Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
- Chiến tranh, khủng bố, động đất.
- Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
Bạn Tuấn Tú, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc hỏi: Tôi mua bảo hiểm bắt buộc chủ xe cơ giới nhưng không hiểu chủ xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự có quyền như thế nào vì tôi đã đánh mất hợp đồng mà lúc mua vội không có thời gian đọc hết hợp đồng quy định thế nào?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Điều 17 Nghị định 103/2008/NĐ-CP quy định quyền của chủ xe cơ giới như sau:
1. Được lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
2. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích, cung cấp các thông tin liên quan đến việc giao kết, thực hiện và huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm.
3. Trường hợp có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm, có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm mức phí bảo hiểm phù hợp cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
4. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng, đầy đủ và kịp thời theo hợp đồng bảo hiểm.
5. Chủ xe cơ giới là đơn vị sản xuất kinh doanh, phí bảo hiểm được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh; chủ xe cơ giới là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, phí bảo hiểm được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
6. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bạn Mỹ Hạnh, huyện Thường Tín, Hà Nội hỏi:Tại sao tôi lại phải mua bảo hiểm TNDS của xe máy?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Tại khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ quy định “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các loại giấy tờ sau:
- Đăng ký xe.
- Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển.
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”
Do vậy, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự là một trong các loại giấy tờ bắt buộc người lái xe phải mang theo khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, nếu không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, bạn sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng (Điểm a, Khoản 2, Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Bạn Văn Dũng, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội hỏi: Những trường hợp nào thì không được bảo hiểm bồi thường?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:
1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.
2. Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
3. Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
5. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
6. Chiến tranh, khủng bố, động đất.
7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
Bạn Trương Ngọc Thanh, Q.Đống Đa, Hà Nội hỏi: Khi tai nạn giao thông xảy ra tôi phải làm gì để được bảo hiểm bồi thường?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Trách nhiệm chủ xe khi tai nạn giao thông xảy ra.
a) Thông báo ngay cho cho cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất. Đồng thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn.
b) Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm; trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
c) Chủ xe cơ giới phải cung cấp các tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu đó.
d) Chủ xe cơ giới phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp xe cơ giới thuộc đối tượng được hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ.
e) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Bạn Quỳnh Châu, tỉnh Hưng Yên hỏi: Quỹ bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp bảo hiểm đóng đúng không và để sử dụng cho mục đích gì? Hành vi vi phạm quy định về đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bị xử phạt như thế nào?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Theo quy định tại điều 4 Nghị định 103/2008/NĐ-CP, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp bảo hiểm đóng để sử dụng cho các mục đích sau:
a) Công tác đề phòng hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ;
b) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ và chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
c) Hỗ trợ nhân đạo cho những thiệt hại xảy ra đối với người thứ ba và hành khách chuyên chở trên xe do xe cơ giới gây ra trong những trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc xe không tham gia bảo hiểm;
d) Hỗ trợ chi phí mai táng trong các trường hợp loại trừ bảo hiểm quy định tại Điều 13 Nghị định này;
đ) Hỗ trợ khen thưởng thành tích cho lực lượng công an trong công tác kiểm soát phát hiện và xử lý vi phạm hành chính các chủ xe cơ giới trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
e) Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
g) Hỗ trợ các mục đích khác để phối hợp, chỉ đạo thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Điều 40 Nghị định 103/2008/NĐ-CP quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới như sau:
1. Phạt tiền 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm; phạt tiền 20.000.000 đồng đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện một trong các hành vi sau đây:
a) Đóng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới không đúng thời hạn quy định;
b) Đóng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới không đủ số tiền quy định.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải thực hiện đóng đủ số tiền vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo quy định.
Bạn Phạm Văn Minh, Q. Tây Hồ, Hà Nội hỏi: thời hạn của bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới được quy định bao nhiêu lâu?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Thời hạn bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là 01 năm. Trong các trường hợp sau, thời hạn bảo hiểm có thể dưới 01 năm:
a) Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 01 năm.
b) Niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 01 năm.
c) Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của pháp luật, bao gồm:
- Ô tô mới nhập khẩu và sản xuất lắp ráp lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác;
- Ô tô làm thủ tục xóa sổ để tái xuất về nước;
- Ô tô được phép quá cảnh (trừ xe có Hiệp định ký kết của Nhà nước);
- Ô tô sát xi có buồng lái, ô tô tải không thùng;
- Ô tô sát hạch;
- Xe mang biển số khu kinh tế thương mại theo quy định của Chính phủ vào hoạt động trong nội địa Việt Nam;
- Xe mới lắp ráp tại Việt Nam chạy thử nghiệm trên đường giao thông công cộng;
- Xe phục vụ hội nghị, thể thao theo yêu cầu của Chính phủ hoặc Bộ Công an;
- Các loại xe cơ giới khác được phép tạm đăng ký theo quy định của pháp luật.
d) Trường hợp chủ xe cơ giới có nhiều xe tham gia bảo hiểm vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhưng đến năm tiếp theo có nhu cầu đưa về cùng một thời Điểm bảo hiểm để quản lý, thời hạn bảo hiểm của các xe này có thể nhỏ hơn 01 năm và bằng thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm đầu tiên của năm đó. Thời hạn bảo hiểm của năm tiếp theo đối với tất cả các hợp đồng bảo hiểm (đã được đưa về cùng thời hạn) là 01 năm
Bạn Gia Liêm, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội hỏi: Tại sao Cục Cảnh sát giao thông lại tuyên truyền về bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới? Pháp luật quy định Cục có trách nhiệm trong lĩnh vực bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có phải không?
Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời bạn như sau:
Tại Điều 22 Nghị định 103/2008/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ Công an như sau:
1. Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
2. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát khác liên quan giám sát và kiểm tra các chủ xe cơ giới trong việc:
a) Yêu cầu chủ xe cơ giới xuất trình Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực khi làm thủ tục cấp đăng ký xe;
b) Thông qua tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý vi phạm hành chính các chủ xe cơ giới tham gia giao thông không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực; yêu cầu chủ xe phải mua bảo hiểm.
3. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ tai nạn giao thông cho doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết bồi thường, bao gồm:
a) Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn;
b) Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có);
c) Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn;
d) Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông;
đ) Các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).
4. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát khác liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
5. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát khác thực hiện việc chia sẻ và kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu về xe cơ giới do ngành mình quản lý vào cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an, do vậy, không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền mà Cục Cảnh sát giao thông còn có nhiều trách nhiệm khác theo như quy định trên./.
CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG