Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới
Bảo đảm quyền lợi bảo hiểm của chủ xe cơ giới
Ngày đăng: 02/11/2016

          Khi có sự cố xảy ra thì tâm lý của đại đa số người dân là sợ phiền đến các cơ quan chức năng. Những vụ tai nạn lớn thì không nói làm gì, còn những vụ va quẹt nhỏ, thông thường người dân tự dàn xếp với nhau mà không cần đến công an và công ty bảo hiểm. Cho nên khi bắt buộc phải mua bảo hiểm, với tâm lý này, nhiều người dân cũng có thắc mắc về những ràng buộc đối với người mua bảo hiểm nhưng không biết hỏi ai vì có những quy định, quy tắc khá chặt chẽ nhưng lại khó thực hiện. Chẳng hạn như phải “cứu chữa, hạn chế thiệt hại, bảo vệ hiện trường, báo ngay cho DNBH biết để phối hợp giải quyết” hoặc “không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến của DNBH, trừ trường hợp cần thiết”… Trong trường hợp tai nạn xảy ra đêm hôm, người gây tai nạn bỏ trốn, không có phương tiện để báo cho nhân viên bảo hiểm thì người dân phải làm gì để thực hiện các quy định nói trên? Đó là chưa nói đến việc tâm lý người dân thấy phương tiện không hư hao bao nhiêu đã tự nguyện bỏ tiền túi ra sửa trước khi nhờ đến cơ quan chức năng giám định thiệt hại vì họ ngại phiền hà, mất thời gian…

          Đối với những người đi xe máy do ít khi bị kiểm tra, giám sát nên đa phần người đi xe máy chỉ mua 1 lần loại bảo hiểm này khi đăng ký xe theo yêu cầu và hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông. Sau đó khi bảo hiểm hết hạn không có nhiều người mua bảo hiểm nữa. Thực tế khảo sát đối với chủ các phương tiện xe máy cho thấy tâm lý không mua, không bị kiểm tra dẫn đến thực trạng nhiều người cũng không biết rõ về loại hình bảo hiểm này và không biết đến trách nhiệm phải tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Khi không may xảy ra tai nạn thì không ai khác chính họ là những người bị thiệt thòi.

          Khi chủ các phương tiện không mặn mà với việc tham gia bảo hiểm vì nhiều nguyên nhân thì hệ quả tất yếu là các công ty bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc đem dịch vụ bảo hiểm đến tay người dân cho dù đó là dịch vụ mang tính bắt buộc đã được quy định tại pháp luật.

          Ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm thì đã rõ, tuy nhiên cần có giải pháp gì để nâng cao quyền lợi của người tham gia bảo hiểm nhằm tạo ra niềm tin cũng như thu hút sự tham gia đông đảo của người dân đối với loại hình bảo hiểm này là một yêu cầu cấp thiết đặt ra.

          Nắm bắt được những vấn đề tồn tại trong quá trình triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, ngày ngày 16/2/2016, Bộ Tài chính ban hành thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Với 3 Chương, 21 Điều, 9 Phụ lục hợp nhất, kế thừa các quy định tại Thông tư 126/2008/TT-BTC và Thông tư 151/2012/TT-BTC, TT 43/2014/TT-BTC về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm BH bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, Thông tư 22 hướng đến những thay đổi theo hướng minh bạch hóa, đơn giản thủ tục hành chính và đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm và quyền lợi của chủ xe.

         Nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ xe mua bảo hiểm, Thông tư 22 quy định thống nhất về thời hạn đóng phí bảo hiểm cho tất cả các đối tượng chủ xe, theo đó, trường hợp phí  bảo hiểm dưới 50 triệu đồng, chủ xe cơ giới thanh toán 1 lần tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm; trường hợp phí bảo hiểm từ 50 triệu đồng, trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe được gia hạn thu phí (nhưng tối đa không quá 30 ngày).  Thông tư 22 cũng bổ sung xác nhận nộp tiền của khách hàng trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng hợp pháp xác nhận khách hàng đã thanh toán phí bảo hiểm, lãnh đạo Cục QLBH cho biết: Thông tư 22 còn bổ sung quy định về hồ sơ bồi thường rút gọn đối với các trường hợp tai nạn xe mà thiệt hại về tài sản ước tính dưới 10 triệu đồng. Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe trong thu thập hồ sơ bồi thường có liên quan…

            Đặc biệt, Thông tư 22 đảm bảo tốt hơn quyền lợi của chủ xe cơ giới với việc tăng mức trách nhiệm bồi thường lên 25% và 43% so với mức quy định hiện hành. Theo đó, tăng mức trách nhiệm bồi thường từ 70 triệu đồng/ người/vụ lên 100 triệu đồng đối với thiệt hại về người; từ 70 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với thiệt hại về tài sản xe ô tô, xe máy…, đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong bối cảnh tăng chi phí khám chữa bệnh và chi phí sửa chữa tài sản, phương tiện.

            Mặc dù quyền lợi tăng nhưng mức phí bảo hiểm hầu như được giữ nguyên và chỉ tăng từ 10% đến 20% đối với 13 dòng xe có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao. Bên cạnh đó, Thông tư 22 cũng thay thế toàn bộ bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường BH theo quy định mới của liên Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảng tỷ lệ bồi thường chi tiết hơn (tăng từ 221 lên 827 trường hợp thương tật được bồi thường)…

          Có hiệu lực từ 1/4/2016, cho đến nay đã có rất nhiều người không may có tai nạn rủi ro khi tham gia giao thông được chi trả mức bảo hiểm theo quy định mới của thông tư 22.

 

          Anh Nguyễn Minh Thông, thôn Xuân Đán, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch là một trong những trường hợp được bồi thường rủi ro trong vụ tai nạn giao thông theo quy định của Thông tư 22. Anh cho biết “Lúc đầu tôi cũng có tâm lý ngại mua bảo hiểm vì thấy cả năm có dùng đến bao giờ đâu, nhưng sau khi nhìn thấy nhiều vụ tai nạn xảy ra với người không có điều kiện thì được bảo hiểm sửa chữa, thay thế phụ kiện xe, bồi thường thiệt hại cho người bị thương, thì gánh đỡ một phần rất lớn kinh phí cho người bị nạn. Tôi đã mua rất đầy đủ bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho các xe trong nhà tôi. Lần này không may bị tai nạn tôi thấy thủ tục thanh toán theo quy định mới rất đơn giản, nhanh gọn, và mức bồi thường cũng cao”.

          Những khẳng định của anh Thông cho thấy tính chất nhân văn của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đồng thời cho thấy những điểm tích cực của thông tư 22 đã được phát huy. Trong thời gian tới để thông tư này thực sự đi vào cuộc sống và thu hút được nhiều hơn nữa sự tham gia của người dân đối với loại hình bảo hiểm này thì cần hơn hết công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân kết hợp cùng hoạt động tuần tra, kiểm soát và sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng, các ban ngành trong việc giải quyết các vụ việc nhằm đảm bảo quyền lợi một cách tốt nhất cho người tham gia giao thông, chủ các phương tiện. Hy vọng rằng với những giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ phát huy tốt hơn nữa ý nghĩa nhân văn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

                                                                                                Kim Chi