Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới
Trục lợi bảo hiểm xe cơ giới
Ngày đăng: 04/10/2016

 

          Trục lợi bảo hiểm không phải là chuyện mới mẻ đối với người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, tuy nhiên hành vi trục lợi bảo hiểm ngày càng phức tạp. Hành vi trục lợi bảo hiểm được hiểu là bất kỳ hành vi lừa dối nhằm kiếm lợi bất hợp pháp của các chủ thể tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam hiện rất đa dạng, xảy ra ở hầu hết các loại hình, nghiệp vụ bảo hiểm, dưới nhiều hình thức như: cố tình lập hồ sơ khiếu nại cho một vụ tổn thất không có thật; hoặc cố tình khởi tạo một vụ tổn thất, tự phá hoại sức khỏe của mình, tự phá hủy tài sản để đòi bồi thường bảo hiểm như dàn dựng tai nạn xe hơi, tự đốt cháy tài sản, kê khai thông tin thiếu trung thực, có thể ở giai đoạn tiền hợp đồng, hoặc sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra nhằm gia tăng lợi ích, hưởng lợi bất hợp pháp từ doanh nghiệp bảo hiểm.

          Trục lợi bảo hiểm gây hậu quả rất lớn đối với doanh nghiệp bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm. Điều này đang dần làm mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư vào các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam. Theo Cục Quản lý – Giám sát bảo hiểm, đến cuối năm 2015, mặc dù thị trường bảo hiểm ở Việt Nam tăng trưởng cao, ổn định song quy mô thị trường bảo hiểm vẫn còn nhỏ so với tiềm năng, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%).

          Không chỉ có người mua bảo hiểm tham gia trục lợi, mà vụ việc có thể còn có sự thông đồng của nhân viên bảo hiểm. Họ có thể cố tình ghi sai ngày tham gia bảo hiểm trên giấy chứng nhận bảo hiểm (đẩy lùi ngày tham gia bảo hiểm thành ngày trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra) hay thông đồng với khách hàng để ngụy tạo hồ sơ, đánh giá cao mức độ tổn thất hoặc lợi dụng các kẽ hở về giấy tờ, về thủ tục giám định, bồi thường để nhằm trục lợi bảo hiểm. Cũng có khi, nhân viên bảo hiểm thiếu trách nhiệm, không đánh giá đúng mức độ trầm trọng của rủi ro (ví dụ tình trạng sức khỏe của người tham gia bảo hiểm, hoặc tình trạng hư hao của tài sản tham gia bảo hiểm).

 

          Sẽ càng khó điều tra ra các vụ trục lợi bảo hiểm nếu có cả sự thông đồng giữa những người tham gia bảo hiểm có hành vi gian lận với những người có liên quan, như với công an để làm biên bản giả về tai nạn giao thông (trong các bảo hiểm vật chất xe cơ giới hoặc bảo hiểm tài sản xe ô tô); với bác sĩ để dựng lên bệnh án giả, kê những đơn thuốc đắt tiền (với loại hình bảo hiểm con người).

          Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), những năm gần đây, trục lợi bảo hiểm xe cơ giới diễn ra thường xuyên nhất vì khó phát hiện. Số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới hàng năm vào khoảng 15% tổng mức bồi thường. Nhiều trường hợp chủ xe cấu kết với xưởng hoặc gara sửa chữa xe để khai tăng giá sửa chữa hoặc thay mới khi không cần thiết, ghi khống hạng mục sửa chữa… để trục lợi. Khách hàng đều là những người rất am hiểu Luật và nghiệp vụ bảo hiểm để hợp lý hóa ngày tai nạn, thay đổi tình tiết, tạo hiện trường giả, khai tăng số tiền tổn thất, lập hồ sơ khiếu nại nhiều lần, cố ý gây tai nạn…  Hiện tượng người được bảo hiểm thông đồng, cấu kết với những bên liên quan để làm sai lệch hồ sơ vụ việc diễn ra khá phổ biến và khó bị phát hiện. Không những thế, có những nhân viên, đại lý bảo hiểm cũng tiếp tay cho chủ xe gian lận. Đại diện các đơn vị bảo hiểm đều cho rằng, hiện tượng gian lận, trục lợi bồi thường bảo hiểm diễn ra phổ biến, đang gia tăng và với mức độ ngày càng tinh vi. Tuy vậy, đây không phải là căn bệnh không thể phòng, chống trong ngành kinh doanh bảo hiểm. Để giảm thiểu sự trục lợi, trước hết cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người mua bảo hiểm và các bên liên quan khác trong quan hệ kinh doanh bảo hiểm, như nhân viên bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, và cả cộng đồng xã hội như đội ngũ giám định tổn thất tài sản.

          Một điểm đáng mừng là trục lợi bảo hiểm nói cung cũng như trục lợi bảo hiểm xe cơ giới nói riêng đã được hình sự hóa và đưa vào Bộ luật Hình sự 2015 với tội danh “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”. Theo đó, cá nhân người phạm tội có thể bị phạt tiền tới 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm; pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền tới 7 tỉ đồng, có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn… Trong khi các chế tài hành chính, chế tài dân sự chưa đủ để răn đe và xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm đang gia tăng thì hy vọng việc bổ sung chế tài hình sự như thế này sẽ nâng cao tính răn đe của pháp luật, ngăn ngừa, phòng chống việc gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

          Bên cạnh đó, cần có nỗ lực ứng phó mang tính tập thể của các doanh nghiệp bảo hiểm và sự vào cuộc của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để cùng chia sẻ, cập nhật, sử dụng thông tin phòng, chống trục lợi hiệu quả, xây dựng quy tắc, điều khoản bảo hiểm, quy trình nghiệp vụ chặt chẽ để giảm thiểu nguy cơ bị trục lợi. Cuộc đấu tranh với trục lợi bảo hiểm rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý để kiểm tra, giám sát, xử lý khi có nghi vấn, và thúc đẩy thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên./.

         

                                                                                                H.L