Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới
Trả lời bạn đọc tháng 6
Ngày đăng: 21/08/2016

Bạn Trần Minh Đức, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi về những quy định mới của Thông tư 22/2016 TT-BTC ngày 16/2/2016 quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới?

Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

- Bộ Tài chính ban hành Thông tư 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 có hiệu lực ngày 01/4/2016 Quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới gồm 3 chương 21 điều bắc buộc các doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới phải tuân thủ. Thông tư 22 kế thừa toàn bộ các nội dung quy định ưu việt tại Thông tư 126/2008/TT – BTC. Những nội dung sửa đổi bổ sung để phù hợp với nhu cầu thực tế. Ngoài ra thông tư còn ban hành các phụ lục.

Phụ lục số 1 số 2, số 3, số 4 Mẫu Giấy chứng nhận bảo hiểm: Áp dụng thống nhất trên toàn quốc để lực lượng chức năng dễ kiểm tra  sự tuân thủ của doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe.

Phụ lục số 5: Biểu phí Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới công khai minh bạch.

Phụ lục số 6: Bảng Quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về ngươi được xây dựng trên cơ sở quy định tỉ lệ tổn thương của Bộ y tế áp dụng với thương tật trong vụ tai nạn giao thông.

Phụ lục số 7: Mẫu thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường phục vụ cho chủ xe gặp tai nạn yêu cầu bồi thường có thống kê lấy trên website của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.

Phụ lục số 8: Báo cáo Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Phụ lục số 9: Báo cáo kết quả kinh doanh Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm.

- Thông tư 22/2016/TT-BTC đã tăng cường minh bạch, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

+ Đối tượng áp dụng ngoài chủ xe, doanh nghiệp bảo hiểm còn bổ sung thêm các tổ chức các nhân khác liên quan đến Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới trong việc lập hồ sơ tai nạn, điều tra, cung cấp tài liệu tuần tra xử phạt, cấp đăng ký xe, đăng kiểm, bệnh viện.

+ Quy định thời gian thanh toán phí bảo hiểm: không phân biệt chủ xe kinh doanh và chủ xe hành chính sự nghiệp.

+ Quy định thủ tục hồ sơ giải quyết bồi thường với trùng hợp tai nạn gây thiệt hại dưới 10 triệu đồng không có hồ sơ tai nạn của lực lượng cảnh sát giao thông tại hiện trường.

+ Quy định trùng hợp lỗi hoàn toàn của bên thứ ba (nạn nhân) mức bồi thường thiệt hại bằng 50% mức bồi thường theo quy định của Bộ Tài chính.

+ Đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm: Trong khi mức trách nhiệm, tăng từ 70% thì phí bảo hiểm tăng 10% - 20% và chỉ tăng với loại xe có tổn thất trong thời gian qua.

- Thông tư  22/2016/TT-BTC cũng tăng thêm quyền lợi và lợi ích của chủ xe và nạn nhân: tăng mức trách nhiệm.

+ Thiệt hại về người từ 70 triệu lên 100%/ người/vụ.

+ Thiệt hại về tài sản đối với ô tô từ 70 triệu đồng lên 100 triệu đồng/vụ.

+ Thiệt hại về tài sản đối với mô tô từ 40 triệu đồng lên 50 triệu đồng/vụ.

Bạn Nguyễn Minh Tâm, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội hỏi: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới được quy định tại các văn bản pháp quy nào?

Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

Các quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định tại Luật giao thông đường bộ và các Nghị định, Thông tư sau:

- Điều 59, Luật giao thông đường bộ quy định: Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ sau trong đó có giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

- Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về  bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

- Thông tư liên tịch 35/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 25/2/2009 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 103/2008/NĐ-CP với phạm vi điều chỉnh là hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công An và Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, các chủ xe cơ giới đường bộ khi làm thủ tục, đăng ký xe, phát hiện, xử lý vi phạm các trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông.

- Thông tư 103/2009/TT-BTC ngày 25/5/2009 Quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

- Thông tư 151/2012/TT-BTC và Thông tư  43/2014/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 103/2009/TT-BTC.

- Thông tư 22/2016 TT-BTC ngày 16/2/2016 Quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí, mức trách nhiệm Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới trong đó hầu hết cá nội dung chủ yếu đã được quy định tại Nghị định 103/2008/NĐ-CP như nguyên tắc tham gia bảo hiểm, phạm vi bồi thường thiệt hại, hợp đồng bảo hiểm, thời gian và hiệu lực bảo hiểm, huy bỏ hợp đồng bảo hiểm, giám định, loại trừ bảo hiểm, nguyên tắc bồi thường, thời hạn yêu cầu thanh toán và khiếu nại bồi thường, quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, quyền và nghĩa vụ của  doanh nghiệp bảo hiểm.

Bạn Lê Thanh Hải, thành phố Nam Định, tỉnh Nam định hỏi: Tại sao Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới là bắt buộc?

Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

Xe cơ giới là một cỗ máy móc thiết bị luôn bị đe dọa hỏng hóc trục trặc về kĩ thuật, điện, cơ, nhiệt, như mất phanh, mất lái, cháy nổ, nổ lốp…. Cỗ máy móc thiết bị này lại lưu thông trên đường với tốc độ cao nên nếu có trục trặc kỹ thuật xảy ra mà không dừng ngay tức khắc được sẽ gây tai nạn cho người và tài sản đang trên đường giao thông hoặc xung quanh, đường giao thông do đâm va vào. Ngoài ra lái xe có thể sơ ý bất cẩn trong khi điều khiển xe cũng gây nên tai nạn trên. Chính vì vậy Bộ Luật dân sự (Điều 623) quy định xe cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ khi tham gia giao thông. Người sở hữu khai thác sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Khi xảy ra tai nạn lái xe và nạn nhân đều xa nơi mình ở, cơ quan làm việc, người thân vì đang tham gia giao thông trên đường không đủ khả năng tài chính khắc phục hậu quả tai nạn giao thông. Chính vì vậy để đảm bảo quyền và lợi ích cho nạn nhân khi có tai nạn giao thông xảy ra, gánh vác phần thiệt hại tài chính cho chủ xe phải bồi thường cho nạn nhân, có đủ điều kiện cấp cứu điều trị kịp thời cho nạn nhân cần có doanh nghiệp bảo hiểm đứng ra gánh vác trách nhiệm bồi thường, tạm ứng chi phí cấp cứu điều trị thay mặt cho chủ xe bồi thường trách nhiệm của họ với nạn nhân. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội.

 

 Bạn Nguyễn Minh Hằng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hỏi: Chế độ Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới ưu tiên bồi thường thiệt hại về người?

Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

Thông tư 22/2016 TT-BTC quy định:

- Mức trách nhiệm bồi thường tối đa tính theo nạn nhân giao thông 100 triệu đồng/người trong khi tài sản bồi thường tổng thiệt hại của các tài sản trong 1 vụ tai nạn giao thông là 100 triệu đồng/vụ.

- Không phân biệt lỗi của chủ xe hoặc lái xe với lỗi của người bị nạn (trừ trường hợp người bị nạn có lỗi hoàn toàn) Như vậy người Bị nạn không cần chờ phân xử mức độ lỗi đã được giải quyết bồi thường theo tỷ lệ thương tật thực tế được xác định sau khi xảy ra tai nạn giao thông, giảm được thời gian, thủ tục, chi phí cho việc xác định lỗi.

Xác định tiền bồi thường theo bảng quy định trả tiền bồi thường của Bộ Tài chính bằng tỷ lệ thương tật nhân với mức trách nhiệm bảo hiểm. Đảm bảo thương tật như nhau được bồi thường giống nhau. Nạn nhân không phải thu thập hồ sơ chứng từ viện phí điều trị thuốc men hoặc chờ điều trị xong mới có hồ sơ chứng từ này. Đồng thời Doanh nghiệp bảo hiểm có thể căn cứ vào thương tích để tạm ứng tiền bồi thường ban đầu cho nạn nhân chờ khi xác định tỷ lệ thương tật thì thông báo trả số còn lại.

Trường hợp nạn nhân hoàn toàn có lỗi có cơ quan thẩm quyền xác nhận thì mức bồi thường bằng 50% mức bồi thường theo quy định của Bộ Tài chính,

Trường hợp tòa án quy định mức bồi thường thiệt hại về người thì Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thực hiện quy định trên nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.

Bạn Hà Khánh Ngọc, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hỏi Thời hạn và hiệu lực bảo hiểm được quy định như thế nào?

Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

Điều 7 Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định thời hạn và hiệu lực bảo hiểm như sau:

1. Thời Điểm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận bảo hiểm được ghi cụ thể trên Giấy chứng nhận bảo hiểm nhưng không được trước thời Điểm chủ xe cơ giới thanh toán đủ phí bảo hiểm, trừ một số trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều 6 Thông tư này.

2. Thời hạn bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là 01 năm. Trong các trường hợp sau, thời hạn bảo hiểm có thể dưới 01 năm:

a) Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 01 năm.

b) Niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 01 năm.

c) Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của pháp luật, bao gồm:

- Ô tô mới nhập khẩu và sản xuất lắp ráp lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác;

- Ô tô làm thủ tục xóa sổ để tái xuất về nước;

- Ô tô được phép quá cảnh (trừ xe có Hiệp định ký kết của Nhà nước);

- Ô tô sát xi có buồng lái, ô tô tải không thùng;

- Ô tô sát hạch;

- Xe mang biển số khu kinh tế thương mại theo quy định của Chính phủ vào hoạt động trong nội địa Việt Nam;

- Xe mới lắp ráp tại Việt Nam chạy thử nghiệm trên đường giao thông công cộng;

- Xe phục vụ hội nghị, thể thao theo yêu cầu của Chính phủ hoặc Bộ Công an;

- Các loại xe cơ giới khác được phép tạm đăng ký theo quy định của pháp luật.

d) Trường hợp chủ xe cơ giới có nhiều xe tham gia bảo hiểm vào nhiều thời Điểm khác nhau trong năm nhưng đến năm tiếp theo có nhu cầu đưa về cùng một thời Điểm bảo hiểm để quản lý, thời hạn bảo hiểm của các xe này có thể nhỏ hơn 01 năm và bằng thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm đầu tiên của năm đó. Thời hạn bảo hiểm của năm tiếp theo đối với tất cả các hợp đồng bảo hiểm (đã được đưa về cùng thời hạn) là 01 năm.

3. Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới.

Bạn Trần Quỳnh Trang, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hỏi về giám định thiệt hại để giải quyết bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới?

1. Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan. Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về chi phí giám định.

2. Trường hợp chủ xe cơ giới không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, hai bên có thể thoả thuận chọn cơ quan giám định độc lập thực hiện việc giám định. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của chủ xe cơ giới chỉ định giám định độc lập. Kết luận bằng văn bản của giám định độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.

3. Trường hợp kết luận của giám định độc lập khác với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả chi phí giám định độc lập. Trường hợp kết luận của giám định độc lập trùng với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải trả chi phí giám định độc lập.

4. Trong trường hợp đặc biệt không thể thực hiện được việc giám định, thì doanh nghiệp bảo hiểm được căn cứ vào các biên bản, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các tài liệu liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

Điều 12 Nghị định 103/2008/NĐ-CP quy định về giám định thiệt hại như sau:

- Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan. Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về chi phí giám định.

- Trường hợp chủ xe cơ giới không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, hai bên thoả thuận chọn cơ quan giám định độc lập thực hiện việc giám định. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của chủ xe cơ giới chỉ định giám định độc lập. Kết luận bằng văn bản của giám định độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.

- Trường hợp kết luận của giám định độc lập khác với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả chi phí giám định độc lập. Trường hợp kết luận của giám định độc lập trùng với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải trả chi phí giám định độc lập.

- Trong trường hợp đặc biệt không thể thực hiện được việc giám định, thì doanh nghiệp bảo hiểm được căn cứ vào các biên bản, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các tài liệu liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

Bạn Đào Quỳnh Anh, Công ty TNHH Ánh Mai, thành phố Hà Nội hỏi về bồi thường thiệt hại trong vụ va chạm giao thông như thế nào?

Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

- Theo quy định hiện hành các vụ va chạm giao thông bao gồm những vụ gây thiệt hại thương tật cho 1 người đến 10% hoặc cho nhiều người đến 20% hoặc có giá trị thiệt hại tài sản dưới 5 triệu đồng.

- Những vụ va chạm giao thông khi không có lực lượng cảnh sát giao thông đến hiện trường lập hồ sơ ban đầu và giải quyết vụ việc. Thông tư 22/2016/TT-BTC cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động tự chịu trách nhiệm thực hiện các hồ sơ thủ tục về trường hợp cơ quan có thâm quyền không có tài liệu quy định tại khoản 4 điều 14 và thiệt hại ước tính dưới 10 triệu đồng thì doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bằng các tài liệu sau:

+ Biên bản xác minh vụ tai nạn giữa Doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra tai nạn về thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn, thông tin do chủ xe, lãi xe hoặc người đại diện của nạn nhân, các nhân chứng tại địa điểm xảy ra tai nạn (nếu có) cung cấp ghi rõ họ tên, số Chứng minh thư, địa chỉ từng người;

+ Biên bản giám định nguyên nhân và mực độ thiệt hại;

+ Các tài liệu khác liên quan (nếu có);

+ Như vậy, vừa phòng chống gian lận bảo hiểm và đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân.

Bạn Trần Bình Trọng, thành phố Đà Nẵng hỏi những điểm khác về biểu phí theo Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định như thế nào? có đảm bảo quyền và lợi ích của chủ xe không?

- Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định mức trách nhiệm bảo hiểm tăng từ 70 triệu đồng lên 100 triệu đồng (43%) trong khi đó mức phí tăng từ 10% đến 20% cho một số loại xe.

- Chỉ tăng phí với loại xe có số tiền bồi thường lớn trong thời gian vừa quan từ năm 2012-2015.

- Loại xe tăng phí 10% gồm xe kinh doanh vận tải chở khách 16 chỗ ngồi và 24 chỗ ngồi trở lên, các loại xe vận tải hàng hóa từ 8 tấn đến 15 tấn, xe taxi, xe chuyên dùng, đầu kéo rơ mooc.

Bạn Trần Văn Hơn, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội hỏi  bảo hiểm bắt buộc là gì?

Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

Bảo hiểm bắt buộc là loại hình bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an sinh xã hội, do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm mà các tổ chức cá nhân có liên quan phải tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện. Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế xã hội từng thời kì, Chính phủ quy định những loại hình Bảo hiểm bắt buộc. Bộ Tài chính được chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong đó có việc ban hành quy tắc, điều khoản, mức trách nhiệm, biểu phí cho các loại bảo hiểm bắt buộc. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông, đảm bảo an sinh xã hội, nhà nước quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới là bắt buộc, bắt buộc chủ xe phải mua bảo hiểm, bắt buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải bán bảo hiểm và bồi thường theo quy định của nhà nước. Người bị tai nạn có đủ tài chính để chi trả tiền cấp cứu, điều trị, thay thế tài sản hư hại hay quyền lợi khi tử vong.

Bạn Trâm Anh, Công ty TNHH Hòa Minh Đức, thành phố Hồ Chí Minh hỏi về mức trách nhiệm bảo hiểm được quy định như thế nào?

Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

- Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.

- Mức trách nhiệm bảo hiểm được quy định nhằm đáp ứng được số tiền bồi thường cần thiết, hợp lý cho 1 nạn nhân bị tử vong và tổng thiệt hại trong 1 vụ tai nạn giao thông thuộc nghĩa vụ chủ xe gây tai nạn có lỗi phải bồi thường. Bộ Tài chính quy định cụ thể mà mức trách nhiệm bồi thường và sẽ điều chỉnh tăng giảm hàng năm nếu chi phí điều trị giá cả sửa chữa thay thế tài sản có tăng giảm.

- Mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC

+ Bồi thường thiệt hại về người: 100trđ/người/vụ.

+ Bồi thường thiệt hại về tài sản do ô tô: 100trđ/vụ.

+ Bồi thường thiệt hại về tài sản do mô tô: 50trđ/vụ.

CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG