Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em quy định trẻ em là những người dưới 18 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, dễ bị tổn thương, thiểu khả năng tự bảo vệ, có những nhu cầu đặc biệt như nhu cầu được nuôi dưỡng, sống cùng cha mẹ, học tập, vui chơi… nên cần được bảo vệ, giúp đỡ để trẻ em được phát triển một cách toàn diện và được thực hiện các quyền của trẻ em.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong đó có việc phòng ngừa tai nạn giao thông (TNGT) đang là vấn đề quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta. Sự quan tâm được thể hiện thông qua việc Nhà nước ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; thông qua nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của xã hội và của từng gia đình; thông qua sự chăm lo của nhiều cấp, nhiều ngành trên các lĩnh vực khác nhau, tạo điều kiện cho trẻ em được thực hiện quyền của mình theo luật định, trong đó có quyền được chăm sóc sức khoẻ, được bảo vệ tính mạng thân thể. Việc phòng ngừa TNGT cho trẻ em là một nội dung quan trọng của việc phòng chống tai nạn thương tích nói chung nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tinh thần cho trẻ em do TNGT gây ra. Trong những năm gần đây TNGT nói chung, TNGT có liên quan đến trẻ em nói riêng không những gây tổn thất về người, gây hậu quả xã hội nghiêm trọng mà còn gây tổn thất lớn về kinh tế. Theo tài liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO) có tới 40% tử vong của trẻ em từ 1 đến 14 tuổi ở các nước đang phát triển là do tai nạn thương tích và hàng năm có tới 20.000 trẻ em ở các nước này bị tử vong do TNGT, chết đuối, ngã, bỏng và các tai nạn khác. Theo thống kê của Ngân hàng phát triển Châu á, tổn thất về vật chất do TNGT xảy ra ở VN Ở nước ta, chưa có số liệu thống kê phân tích chính xác về TNGT có liên quan đến trẻ em, nhưng cùng với sự gia tăng của TNGT nói chung, TNGT có liên quan đến trẻ em cũng gia tăng ở mức nghiêm trọng. Mỗi năm có khoảng 27 ngàn trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích (bình quân mỗi ngày chúng ta mất đi 74 trẻ em), đáng chú ý trong tai nạn thương tích thì TNGT luôn gia tăng và đứng hàng đầu. Thanh thiếu niên Việt Nam trong độ tuổi từ 15 đến 24 chiếm khoảng 20% dân số, nhưng lứa tuổi này lại là nạn nhân của 40% tổng số của các TNGT nghiêm trọng. Năm 1999 có 1994/7688 trẻ em bị TNGT vào cấp cứu tại bệnh viện thì năm 2000 con số này là 1.222/4020 em, chiếm 33,3% tổng số người bị TNGT vào bệnh viện. Theo trung tâm điều tra thương tích Việt Nam, năm 2004 cả nước có 4000 trẻ em chết và 794 trẻ em bị thương tích do TNGT, phần lớn các em bị tử vong ở độ tuổi từ 1 đến 9 tuổi và tai nạn xảy ra khi các em đang đi bộ hoặc qua đường. Năm 2007, theo báo cáo của UBATGT Quốc gia, cả nước có gần 4200 trẻ em bị thiệt mạng và hơn 7000 em bị chấn thương do TNGT. Số liệu của trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội ước tính con số thực tế còn cao hơn 40% số liệu được báo cáo. Chỉ tính riêng bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) năm 2007 đã cấp cứu, điều trị cho 1.637 trẻ em dưới 15 tuổi bị TNGT. Nhiều vụ TNGT có liên quan đến trẻ em xảy ra nghiêm trọng và đau lòng, điển hình là: Đêm 1/6/2006 ba em học sinh tiểu học là Lý Minh Hiển (SN 2000), Huỳnh Sương (SN 1999) và Huỳnh Xưa (SN 1993) đi xe đạp trên quốc lộ 1A (thuộc địa phận xã Đại Tâm, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) bị xe ôtô khách BKS 65K-3217 lưu hành cùng chiều chạy tốc độ cao đâm phải làm 3 em bị tử nạn; ngày 7/10/2006 tại bến đò ngang sông Lam (thuộc xã Lãng Khê, Con Cuông, Nghệ An) chiếc đò chở hơn 30 học sinh đi học qua sông bị chìm làm 19 em học sinh THCS bị thiệt mạng; gần đây nhất, lúc 6h ngày 2/6/2008 tại Km1754 quốc lộ 1A (thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận) tai nạn thảm khốc xảy ra giữa xe ôtô khách BKS 17K-7679 và xe tải conteiner BKS 79K-5941 làm 14 người chết hơn 20 người bị thương, trong số nạn nhân này có gần một chục là trẻ em. Đáng chú ý, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 vừa qua có tới 84 thí sinh bị TNGT không thể dự thi… Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT có liên quan đến trẻ em cho thấy, ngoài nguyên nhân do người lớn điều khiển xe ôtô, xe máy, xe thô sơ không chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông gây TNGT cho trẻ em thì nhiều vụ xảy ra mà các em vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm gây tai nạn do các em ở lứa tuổi hiếu động lại thiếu sự hiểu biết về an toàn giao thông… Các vi phạm chủ yếu của trẻ em là không chấp hành đúng quy tắc giao thông như: Đi dưới lòng, lề đường; đi hoặc chạy qua đường không chú ý quan sát xe cộ; trèo qua dải phân cách; nơi có tín hiệu đèn và vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường vẫn qua đường khi chưa có tín hiệu cho phép, qua đường không đúng nơi quy định; chơi đùa, đá cầu ở lòng, lề đường; chạy theo và đu bám xe ôtô khi xe đang chạy; qua đường sắt không chú ý quan sát tàu hoả; đi xe đạp tụ tập ở lòng, lề đường, đi sai phần đường, đi ngược chiều, thậm chí đi cả vào đường cấm xe đạp, chở quá số người quy định, chưa đủ 12 tuổi vẫn đi xe đạp của người lớn, đi xe dàn hàng ngang 3, 4 xe trở lên vừa đi vừa đùa nghịch, rẽ ngoặt đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy, chuyển hướng xe không đúng quy định, bám vào xe ôtô đang chạy, điều khiển xe bằng chân, bốc đầu xe, đi xe bằng 1 bánh, chở người trên tay lái; mang vác vật cồng kềnh, sử dụng ô, lạng lách, đánh võng hoặc đua xe trái phép; chưa đến tuổi, chưa có GPLX vẫn điều khiển xe gắn máy, xe môtô… Thực hiện Luật giao thông đường bộ và Chỉ thị 22/CT-TW của Ban Bí thư và Nghị quyết 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong những năm qua lực lượng CSGT của Cục CSGT đường bộ - đường sắt và Công an các địa phương đã phối hợp với các ban, ngành hữu quan chủ động tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công an, Tổng Cục Cảnh sát, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo và triển khai đồng bộ, kiên quyết các biện pháp đảm bảo ATGT, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) với nhiều nội dung, hinh thức phong phú và đạt kết quả tốt, được dư luận nhân dân ghi nhận. Lực lượng CSGT đã phối hợp với Uỷ ban ATGT Quốc gia, Đài truyền hình Việt Nam phát động và tổ chức các Hội thi liên hoan băng hình toàn quốc tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, in sao các băng hình được giải tuyên truyền trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình địa phương, lực lượng CSGT cả nước đã tham mưu, biên soạn, in hàng triệu cuốn tài liệu tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; xây dựng bộ panô ảnh phản ánh về hoạt động bảo đảm TTATGT, vi phạm và TNGT để phục vụ công tác tuyên truyền tại các địa bàn giao thông công cộng, các trường học; tổ chức hàng trăm cuộc thi tìm hiểu ATGT từ cấp cơ sở, các trường học đến cấp tỉnh, khu vực và chung kết toàn quốc nhằm tạo sân chơi, thu hút các em học sinh, thiếu nhi tìm hiểu, nắm được các quy định về ATGT để tự giác chấp hành; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam , các Đài PT-TH địa phương xây dựng và duy trì bản tin ATGT, hướng dẫn luật giao thông qua chương trình “Tôi yêu Việt Nam” thu hút hơn 5 triệu lượt người tham gia dự thi và thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo bạn xem truyền hình cả nước; phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động hội thi sân khấu hoá tìm hiểu Luật giao thông đường bộ và pháp luật về trật tự an toàn giao thông theo chương trình 174 ký kết giữa Bộ Công an và Trung ương Đoàn ở 4 Thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng; từ cấp cơ sở, các trường học; phối hợp với báo Thiếu niên tiền phong tổ chức Hội thi sân khấu tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông tại Đài truyền hình Việt Nam và tổ chức cuộc thi “Học sinh với ATGT” bậc tiểu học, THCS, THPT ở hầu hết các địa phương trong cả nước góp phần nâng cao sự hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành các quy định về ATGT của học sinh, thanh thiếu niên nói riêng và các tầng lớn nhân dân nói chung. Đặc biệt, lực lượng CSGT từ Cục đến các địa phương đã chủ động phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo biên soạn tài liệu, sách giáo khoa, tập huấn cho đội ngũ giáo viên đưa chương trình giảng dạy Luật giao thông đường bộ vào các cấp học từ mầm non đến đại học, đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khoá về TTATGT; phối hợp với công ty Honda Việt Nam, Uỷ ban ATGT Quốc gia tỏ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các trường học trong cả nước; xây dựng và duy trì mô hình “Cổng trường an toàn”, “Đội xung kích ATGT” do học sinh, sinh viên tự quản tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở các trường học dọc quốc lộ 1 (Hà Nội – Nghệ An), quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng), phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, “Đoạn đường em chăm” và nhân rộng ra các trường trong cả nước. Cùng với việc phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, lực lượng CSGT thông qua công tác tuần tra kiểm soát kịp thời phát hiện, lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, thanh thiếu nhi vi phạm TTATGT, đồng thời phối hợp với Đoàn thanh niên, các trường học đề ra các biện pháp quản lý chặt chẽ học sinh, thanh thiếu nhi về chấp hành pháp luật TTATGT; thường xuyên thông báo vi phạm Luật giao thông về trường học, khu dân cư để thông báo nhắc nhở trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt Đoàn, Đội và đánh giá đạo đức đối với học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT…Những nỗ lực, kết quả công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế gia tăng , phòng ngừa TNGT nói chung, TNGT có liên quan đến trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, tình hình TTATGT ở nước ta vẫn có diễn biến phức tạp, TNGT nói chung và TNGT có liên quan đến trẻ em nói riêng còn ở mức cao và nghiêm trọng. Để tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa TNGT trẻ em nói riêng, TNGT nói chung của lực lượng CSGT trong thời gian tới, chúng tôi xin đề xuất như sau: 1- Tiếp tục tham mưu cho Giám đốc Công an cấp tỉnh phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện các giải pháp trong chính sách quốc gia phòng chống tai nạn thương tích giai đoạn 2002 – 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 197/2001/QĐ-TTg. Xác định phòng chống tai nạn thương tích nói chung, TNGT nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội và là nhiệm vụ quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để mọi người, đặc biệt là lứa tuổi trẻ em nâng cao hiểu biết về các nguy cơ có khả năng xảy ra và biết cách phòng ngừa TNGT. 2- Tiếp tục phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng liên quan triển khai đồng bộ, kiên quyết các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông mà Nghị quyết 13/CP và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra. Trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT cho các tầng lớp nhân dân nói chung và cho trẻ em, học sinh bằng các hình thức phong phú, nội dung dễ hiểu, thiết thực. Hướng dẫn cho các em nắm được và biết đi xe đạp, đi bộ trên đường và qua đường đúng quy tắc giao thông, biết cách tự phòng tránh TNGT cho mình… Duy trì và nhân rộng các phong trào, mô hình tự quản về TTATGT đã phát huy tác dụng tốt trong thời gian qua như: mô hình “Tự quản về TTATGT” ở các cụm dân cư, “Đội xung kích ATGT trong trường học”, “Cổng trường an toàn”, “Đoạn đường em chăm”, phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, “Đoạn tuyến sông an toàn”, “Lái xe an toàn”, cả các phường, xã, cơ quan, trường học, cơ sở Đoàn, Đội trong phạm vi cả nước, nhất là các trường học, thôn xóm gần quốc lộ, đường tỉnh, sông rạch. 3- Phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo, các trường học xây dựng chương trình giáo dục TTATGT phù hợp, mang tính liên thông ở các bậc học; tập huấn kiến thức pháp luật về TTATGT cho đội ngũ giáo viên; cử cán bộ chiến sỹ CSGT đến các trường học tuyên truyền về ATGT dịp khai giảng năm học mới, tháng ATGT; tổ chức các hoạt động ngoại khoá về TTATGT; tổ chức cho các em tham gia hướng dẫn giao thông… nhằm tạo sân chơi thu hút các em tìm hiểu và thực hành tham gia giao thông an toàn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch liên tịch số 9337/KHLT ngày 4/9/2007 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ GTVT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đài truyền hình Việt Nam về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xử lý các vi phạm pháp luật về TTATGT trong học sinh, sinh viên. 4- Phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, tuyên truyền nêu cao vai trò, trách nhiệm, tích cực tham vào công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các em học sinh, thiếu niên nhi đồng ở các trường học, vùng sâu vùng xa. Qua tuyên truyền để cảnh báo về TNGT, các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT; hậu quả tác hại của việc không chấp hành các quy định về ATGT, hành vi lấy cắp thiết bị ATGT, ném đá lên tàu, chơi đùa trên đường sắt… Kịp thời biểu dương khen ngợi, nêu gương người tốt, việc tốt của trẻ em, học sinh trong việc chấp hành các quy định về ATGT và góp phần bảo đảm TTATGT. . Để giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra, cần chú trọng tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân mặc áo phao khi đi đò, đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy. Đặc biệt cần đội mũ bảo hiểm cho trẻ em dưới 14 tuổi khi tham gia giao thông bằng môtô, xe máy. 5- Đi đôi với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT, lực lượng CSGT cần phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, trẻ em không chấp hành đúng các quy định về ATGT, nhất là các vi phạm: qua đường không đúng quy định; đi xe đạp chở quá số người cho phép, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ; chưa đủ tuổi vẫn điều khiển môtô, xe gắn máy… đồng thời thông báo về trường học, phường, xã những học sinh, trẻ em vi phạm pháp luật TTATGT để kiểm điểm, giáo dục nhằm chủ động phòng ngừa TNGT xảy ra.