Bảo hiểm xe cơ giới luôn là một nghiệp vụ "hot" nhất trong số tất cả các nghiệp vụ kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ cả về doanh thu lẫn thị phần. Đa số các DNBH đều có đội ngũ cán bộ giám định, bồi thường riêng.
Bảo hiểm xe cơ giới luôn là một nghiệp vụ "hot" trong số các nghiệp vụ kinh doanh của các DN bảo hiểm.
Tuy nhiên, hầu như DNBH chỉ tự tin khi gặp những vụ khiếu nại, bồi thường nhỏ, còn những vụ việc lớn đều phải thuê tổ chức giám định. Do vậy, nhu cầu đội ngũ giám định chất lượng cao luôn được các DNBH hết sức chú trọng.
Bảo hiểm xe cơ giới trong nhiều năm liền vẫn là nghiệp vụ đem lại doanh thu cao hơn hẳn so với các nghiệp vụ khác của thị trường. Năm 2014, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt doanh thu 27.391 tỷ đồng, tăng 12,45% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó dẫn đầu là bảo hiểm xe cơ giới đạt 7.729 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,22%, tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người (5.981 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,84%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (5.696 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,8%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (2.476 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,04%). Tình trạng trục lợi luôn là vấn đề doanh nghiệp phải đối mặt, và để ngăn chặn tình trạng đó, DNBH phải tập trung quản lý rủi ro, tăng cường bám sát các khâu trong quy trình bồi thường, đầu tư phát triển đội ngũ giám định, đặc biệt là công tác đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm.
"3 trong 1" hay "chuyên môn hóa"? Đó là câu hỏi buộc phải lựa chọn của hầu hết những người đứng đầu doanh nghiệp trong việc lựa chọn mô hình tổ chức giám định, bồi thường. Theo đánh giá của một số chuyên gia, mô hình "3 trong 1" (tức là tách riêng 3 bộ phận: Khai thác - giám định - bồi thường) bộc lộ khá nhiều hạn chế như: Cán bộ bảo hiểm dễ nảy sinh tình cảm, nể nang, giải quyết bồi thường theo cảm tính, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Nguy cơ tiêu cực về "thoả hiệp hợp pháp hoá sự kiện bảo hiểm", không chuyên sâu do một cán bộ ôm đồm nhiều công việc khác nhau, dẫn đến hiệu quả trên từng công việc cụ thể không cao. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận được những ưu thế của nó như: Trực tiếp giám định và xét bồi thường nên dễ khai thác, khách hàng chỉ biết có một người nên yên tâm hơn (khách hàng mua bảo hiểm của ai thì khi phát sinh sự kiện bảo hiểm tìm người đó).
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khi mà các doanh nghiệp đua nhau phát triển thị phần, thậm chí một số doanh nghiệp còn sử dụng biện pháp không lành mạnh thì yêu cầu của "thượng đế" càng quan trọng đối với doanh nghiệp. Do vậy mặc dù đa số DNBH phát triển theo mô hình chuyên môn hóa, vẫn có không ít DNBH sử dụng song song cả 2 mô hình kể trên.
Đại diện một Công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng: Trong bối cảnh thị trường có nhiều DNBH cùng hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ trên cùng một địa bàn nên khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm, do vậy những yêu cầu của khách hàng nhiều khi quá khả năng của DNBH, gây sức ép lên doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được đồng nghĩa với việc mất khách hàng, mất doanh thu, mất thị phần nên doanh nghiệp buộc phải mềm dẻo sao cho cân bằng lợi ích của cả 2 bên. Và vấn đề vẫn là làm sao để giải được bài toán quản lý nhân sự, làm sao để cán bộ của mình đủ kỹ năng, kinh nghiệm và giữ được đạo đức nghề nghiệp.
Để khắc phục vấn đề này, gần như 100% các DNBH đều cho rằng, cần tập trung quản lý và đào tạo tốt đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, bồi thường.
Hiện nay, hầu hết các DNBH đều tự tổ chức những khóa đào tạo, thậm chí một số DNBH lớn còn có bộ phận đào tạo, trung tâm đào tạo quy mô. Ngoài tài liệu đào tạo lưu hành nội bộ, nhiều DNBH còn "mạnh tay" đầu tư bằng cách mời các chuyên gia đến từ các tổ chức, Công ty giám định có tên tuổi trong và ngoài nước. Nhiều DNBH hội viên của Hiệp hội Bảo hiểm còn thường xuyên cử nhiều cán bộ chủ chốt đảm trách công tác giám định bồi thường tham gia các khóa học do hiệp hội tổ chức nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cán bộ giám định.
Trong những năm gần đây, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm đào tạo – Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm mở 2 lớp đào tạo giám định viên bậc 1 cho 107 cán bộ bảo hiểm. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức hai lớp đào tạo giám định viên với gần 100 học viên đến từ các DNBH thuộc hiệp hội. Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: Một trong các biện pháp hữu hiệu nhất để quản lý rủi ro, ngăn chặn trục lợi bảo hiểm là phát triển đội ngũ giám định viên chất lượng cao trong doanh nghiệp. Những người đi sau có thể tiếp thu để phòng tránh từ kinh nghiệm của bài học thất bại, kinh nghiệm thất bại của những người đi trước. Đây là những kiến thức vô giá, giúp DNBH giảm thiểu đáng kể chi phí bồi thường./.
Lê Khanh