Bảo hiểm mang tên nhà sản xuất hay còn gọi là bảo hiểm “theo xe” là dịch vụ cao cấp đang được ưa chuộng ở các nước phát triển. Từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, việc sở hữu ôtô cá nhân ngày càng phổ biến với khoảng 106.000 xe mới bán ra trong năm 2011. Con số này tăng gần gấp đôi lên khoảng 210.000 trong năm 2015.
Các nhà sản xuất không ngừng tung ra những mẫu xe mới với nhiều tiện ích hiện đại để thúc đẩy tiêu dùng. Ôtô vẫn còn được xem như một cách khẳng định địa vị xã hội của chủ nhân, đặc biệt là đối với những dòng xe cao cấp. Ở Việt Nam, người tiêu dùng thường có nhu cầu đổi xe sau 3 đến 5 năm sử dụng. Vì vậy, các hãng xe liên tục thực hiện các chương trình khuyến mại và chăm sóc khách hàng nhằm duy trì sự trung thành của khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới.
Đối với các dòng xe như Mercedes-Benz, chủ xe thường đặc biệt chú ý đến quyền lợi bảo hiểm và thủ tục bồi thường khi mua xe. Ảnh: Quốc Dũng
Với chi phí dịch vụ và giá phụ tùng cao, chủ xe sang sẽ an tâm hơn khi có được sự hậu thuẫn từ nhà sản xuất và đơn vị bảo hiểm. Ảnh: Bình Minh
Bên cạnh đó, công ty bảo hiểm cũng phải cân nhắc nhiều yếu tố trước khi bắt tay, đặc biệt là doanh thu và lợi nhuận tiềm năng của chương trình hợp tác. Chưa kể khách hàng sẽ chỉ mua bảo hiểm “theo xe” nếu sản phẩm có những ưu đãi đặc biệt về quyền lợi, dịch vụ và mức phí.
Vì thế, hãng xe cần phải phối hợp chặt chẽ với công ty bảo hiểm trong khâu thiết kế và phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất những mong đợi của chủ xe cũng như có chính sách chiết khấu đặc biệt về chi phí sửa chữa và thay thế phụ tùng cho công ty bảo hiểm để họ có thể mang đến những lợi ích cộng thêm cho khách hàng.
Theo phân tích của một chuyên gia bảo hiểm, chỉ những hãng xe cao cấp có thị trường đủ lớn tại Việt Nam mới có thể mở lối cho hướng đi mới mẻ này. Đối tác bảo hiểm nào họ sẽ lựa chọn để đảm bảo thành công? “Tôi tin chắc chúng ta sẽ có câu trả lời sớm vào thời gian tới khi mùa kinh doanh cao điểm xe hơi chuẩn bị bắt đầu”, chuyên gia này dự đoán.
Ngọc Điệp