1. Bạn Tú Hương, quận Long Biên, thành phố Hà Nội hỏi: Tôi ở Hà Nội, tôi bị 1 tai nạn giao thông tại Yên Bình - Yên Bái và xe kia ở tại địa phương. Khi xảy ra tai nạn tôi đã thông báo cho cơ quan công an và Bảo Việt (xe tôi có tham gia cả bảo hiểm TNDS và vật chất. Phía bên xe kia cũng thông báo cho Bảo hiểm Pjico, nhưng xe bên đó chỉ tham gia Bảo hiểm TNDS). Các bên đã xem xét hiện trường, Cơ quan Công an đã thông báo bên tôi là bị hại và cho 2 bên thương lượng. Tôi là bên bị hại được viết giấy xin xe để đưa về Gara kiểm tu chi tiết sửa chữa và lấy báo giá để cùng với bên có lỗi gây tai nạn thương lượng. Do thiệt hại trên 300 triệu nên bên xe kia không có thiện trí hợp tác giải quyết dân sự. Tôi cũng làm việc với phía bảo hiểm bên tôi xem có cách nào hỗ trợ để giảm thiểu trách nhiệm bồi thường của bên kia, nhưng phía bảo hiểm bên tôi chỉ nói nếu xe tôi sai thì sẽ được bảo hiểm chi trả thiệt hại, Bên thứ 3 sai thì họ phải chịu trách nhiệm và phía bảo hiểm sẽ chỉ nhận ủy quyền của tôi để can thiệp đòi bồi thường của bên thứ 3 (sẽ phải đưa ra tòa án). Tôi được biết thì bên thứ 3 chỉ có bảo hiểm TNDS, bảo hiểm bên đó chỉ chi trả tối đa là 70 triệu/vụ. Nhưng sau đó xe kia cũng đã được Cơ quan công an giải quyết cho đưa đi sửa chữa trong khi vụ việc chưa được giải quyết. Qua thương lượng qua lại 2 bên thì bên kia chỉ nói là cả tiền bảo hiểm phía bên họ chi trả và họ chỉ có khả năng lo được 100 triệu. Vì sau khi đưa vào Gara kiểm tra chi tiết thì thiệt hại là trên 300 triệu mà tôi cũng là lái xe ăn lương nên không có khả năng khắc phục nên số tiền bồi thường như thế là chưa thỏa đáng. Đến nay đã là 26/6/15, 15 ngày mà không thỏa thuận được. Tôi đã thông báo cho cơ quan công an tình hình là như thế để cơ quan công an giải quyết.
Cục Cảnh sát giao thông cho tôi hỏi:
- Cách giải quyết của cơ quan công an như thế có hợp lý không khi đã cho cả xe kia đi sửa chữa?
- Nếu vụ việc phải đưa ra tòa án giải quyết thì tôi có được hưởng quyền lợi gì từ Bảo hiểm bên tôi tham gia không, thời gian gian quyết tối đa khoảng bao lâu, trong thời gian điều tra và giải quyết vụ việc thì tôi có được giải quyết giấy tờ và bằng lái xe để tôi có thể vẫn tiếp tục công việc được không?
- Việc đề nghị giải quyết bằng pháp luật là do cơ quan công an chủ động hay tôi phải có đơn từ gì không?
- Việc xe tôi được đưa về để đánh giá, báo giá thiệt hại và việc cơ quan công an cho xe kia đi sửa chữa khi vụ việc chưa được giải quyết, có ảnh hưởng gì đến việc giải quyết của tòa sau này không?
Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
1. Cách giải quyết của Công an
Khoản 8 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
"Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề."
Theo quy định trên thì thời hạn tạm giữ xe và giấy tờ là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Như vậy, khi hết thời hạn tạm giữ thì cơ quan Công an có trách nhiệm trả lại phương tiện cho chủ phương tiện mà không phụ thuộc vào việc bạn có đơn xin xe hay không.
2. Yêu cầu Tòa án giải quyết
* Quyền lợi được hưởng từ doanh nghiệp bảo hiểm
Điều 7 Nghị định 103/2008/NĐ-CP quy định về phạm vi bồi thường thiệt hại như sau:
"1. Thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.
2. Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra."
Theo quy định này, khi bạn tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản cho bên bị tai nạn. Như vậy, bạn sẽ không được hưởng bảo hiểm trách nhiệm dân sự từ doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp này.
Còn đối với bảo hiểm vật chất xe ô tô thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm những thiệt hại vật chất xe ô tô xảy ra do:
- Những tai nạn bất ngờ, bất khả kháng trong những trường hợp: Đâm va, lật, đổ, rơi; Hoả hoạn, cháy, nổ; Bị các vật thể khác rơi hoặc va chạm vào;
- Những tai hoạ bất khả kháng do thiên nhiên: Bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh (trực tiếp), động đất, mưa đá, sóng thần;
- Mất cắp, mất cướp toàn bộ xe ô tô.
Như vậy, tuy không được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm trách nhiệm dân sự nhưng bạn vẫn sẽ được hưởng quyền lợi từ công ty bảo hiểm do bạn có tham gia bảo hiểm vật chất xe ô tô.
* Thời hạn giải quyết vụ án dân sự
Điều 179 BLTTDS quy định:
"1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
2. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ từng trường hợp, Toà án ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án;
d) Đưa vụ án ra xét xử.
3. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng."
Như vậy, việc giải quyết vụ án dân sự có thể mất hơn 8 tháng tùy theo từng loại vụ án.
* Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện
- Các giấy tờ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện (thiệt hại thực tế xảy ra: chi phí sửa chữa xe; chi phí khám chữa bệnh...)
- CNND, hộ khẩu (bản sao có chứng thực)
Như vậy, trong hồ sơ khởi kiện không yêu cầu bạn phải nộp bằng lái xe nên bạn vẫn có thể giữ lại bằng lái xe để tiếp tục công việc.
3. Giải quyết vụ tai nạn giao thông
Cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết vụ tai nạn giao thông theo một trong hai hướng sau:
- Quyết định khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu tội phạm. Trường hợp này, vụ tai nạn giao thông sẽ được giải quyết tiếp theo thủ tục tố tụng hình sự
- Quyết định không khởi tố vụ án nếu vụ án không có dấu hiệu tội phạm. Trường hợp này vụ tai nạn giao thông sẽ được giải quyết tiếp theo thủ tục hành chính.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc theo thủ tục hành chính; còn nếu bạn muốn giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự thì bạn phải nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.
Việc xe bạn được đưa về để đánh giá, báo giá thiệt hại thì đây cũng chính là căn cứ để bạn chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra trước Tòa hay nói cách khác việc này còn giúp cho việc giải quyết được dễ dàng hơn. Còn đối với việc xe kia sửa chữa khi vụ việc chưa được giải quyết thì việc này cũng không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết của Tòa án vì người này gây ra tai nạn nên họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn chứ bạn không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho người này nếu người này cũng có thiệt hại về tài sản.
2. Bạn Thúy Hạnh, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh hỏi: Tôi nhớ tôi đã phải mua tờ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới từ khá lâu rồi, và cũng có lần bị phạt vì vi phạm bảo hiểm đã hết hạn. Nhưng tôi thực sự không hiểu ý nghĩa của tờ bảo hiểm này. Có phải chủ xe nào có bảo hiểm này thì khi gặp tai nạn, sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại không?
Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới.
Theo đó, phạm vi bồi thường thiệu hại và nguyên tắc bồi thường được quy định như sau:
Về phạm vi bồi thường thiệt hại:
1. Thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.
2. Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra.
Trong đó, “bên thứ ba” là người bị thiệt hại về thân thể, tính mạng, tài sản do xe cơ giới gây ra, “hành khách” là người được chở trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách thuộc các hình thức quy định trong Bộ luật Dân sự.
Về nguyên tắc bồi thường:
1. Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.
2. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn.
3. Mức bồi thường bảo hiểm:
a) Mức bồi thường bảo hiểm về người: được xác định dựa trên Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về người theo quy định của Bộ Tài chính;
b) Mức bồi thường thiệt hại về tài sản: được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường phần vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính.
5. Trường hợp chủ xe cơ giới đồng thời tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho cùng một xe cơ giới thì số tiền bồi thường chỉ được tính theo hợp đồng bảo hiểm đầu tiên.
Như vậy, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm về trách nhiệm của chủ xe gây thiệt hại cho người khác, cả về thân thể và tài sản. Nếu xe của mình gây tai nạn cho người khác thì chủ xe phải bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên, nếu được bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì công ty bảo hiểm sẽ hoàn trả cho chủ xe một số tiền (nếu chủ xe/tài xế đã bồi thường cho nạn nhân) hoặc thay mặt cho chủ xe bồi thường trực tiếp cho nạn nhân theo mức quy định.
CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG