Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới
Trả lời bạn đọc tháng 2
Ngày đăng: 17/02/2015

1. Bạn Khánh Chi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội hỏi: trách nhiệm dân sự là gì?

Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

          Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm bồi thường của 1 cá nhân, tổ chức gây thiệt hại đến tài sản, sức khoẻ... của chủ thể khác mà hành vi đó chưa phải là tội phạm theo quy định tại Bộ luật hình sự.

2. Bạn Tùng Khánh, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh hỏi: trách nhiệm dân sự được hiểu như thế nào?

Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

          Theo quy định của Bộ luật dân sự: Một tổ chức hoặc cá nhân phải có nghĩa vụ dân sự. Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo quy định của pháp luật, thì một hay nhiều chủ thể (gọi là người có nghĩa vụ) phải làm một công việc hoặc không được làm một công việc vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (gọi là người có quyền).

          Người có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người có quyền. Trong trường hợp người có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

          Người có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu nghĩa vụ dân sự không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của người có quyền. Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc quy định của pháp luật.

3. Bạn Hồng Ánh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam hỏi: người có lỗi gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường như thế nào?

Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

          Theo Bộ luật dân sự, người nào có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm đến chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường:

- Tài sản bị mất;

- Tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

- Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định;

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. 

4. Bạn Hồng Hà, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hỏi: xe cơ giới có phải nguồn nguy hiểm cao độ không? Trách nhiệm của chủ xe như thế nào?

Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

          Điều 623 Bộ luật dân sự quy định phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu phương tiện giao thông vận tải phải bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông vận tải gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông vận tải phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

          Trong trường hợp phương tiện giao thông vận tải bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông vận tải cũng có lỗi trong việc để phương tiện giao thông vận tải bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

5. Bạn Phúc Huy, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hỏi: tại sao chủ xe cơ giới phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn giao thông do xe cơ giới của mình gây ra theo mức độ lỗi của lái xe?

Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

          Chủ xe cơ giới có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho xe của mình tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật hiện hành (hệ thống đèn, gương, còi, phanh, lốp...)

          Đồng thời chủ xe có nghĩa vụ tuyển dụng, giao việc cho lái xe có đủ bằng cấp chuyên môn, đảm bảo đủ sức khoẻ trong suốt hành trình (không mệt mỏi, căng thẳng, ngủ gật, tác hại của chất kích thích...).

          Khi tai nạn giao thông do xe của chủ xe gây ra, ít nhiều phía xe gây tai nạn có lỗi như sau:

- Bản thân chiếc xe gây tai nạn không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đảm bảo an toàn giao thông.

- Bản thân lái xe gây tai nạn có ít nhiều lỗi vi phạm luật lệ an toàn giao thông  (phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường, không kịp phanh, ngủ gật...).

          Vì vậy, chủ xe cơ giới phải bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn giao thông do xe cơ giới của chủ xe gây nên.

          Trường hợp lái xe gây tai nạn nghiêm trọng sẽ được cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra (có lỗi đây là lỗi vô ý hay lỗi cố ý để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải bồi thường trách nhiệm dân sự).

          Đặc biệt, Bộ luật dân sự còn quy định xe cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ (là cỗ máy chứa nhiều khả năng trục trặc kỹ thuật lưu thông trên đường với tốc độ cao) nên chủ xe phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi mình không có lỗi.

          6. Bạn Đào Huyền, thành phố Thừa Thiên Huế hỏi: các chủ xe cần phải mua những loại bảo hiểm TNDS nào, loại nào là bắt buộc?

Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

          Theo Nghị định 103/2008/NĐ-CP, chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với phạm vi bồi thường thiệt hại gồm:

- Thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra;

- Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra.

          Ngoài ra, chủ xe có thể mua bảo hiểm theo hình thức bảo hiểm với các sản phẩm: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hàng hoá vận chuyển; bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe (không phải là hành khách) và lái, phụ xe hoặc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với mức trách nhiệm cao hơn, rủi ro được bảo hiểm và loại trừ bảo hiểm khác theo quy định của Thông tư 126/2008/TT-BTC.

          7. Bạn Hiếu Kiên, thành phố Cần Thơ hỏi: nếu một người thuê chiếc xe đã được chủ sở hữu tham gia bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới và khi sử dụng xe đã gây tai nạn thì doanh nghiệp bảo hiểm có bồi thường không?

Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

          Theo quy định của Nghị định 103/2008/NĐ-CP định nghĩa “Chủ xe cơ giới (tổ chức, cá nhân) là chủ sở hữu xe cơ giới hoặc được chủ sở hữu xe cơ giới giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp điều khiển xe cơ giới.”. Như vậy trong trường hợp này, người thuê xe là “chủ xe cơ giới” và doanh nghiệp bảo hiểm có chi trả bồi thường khi rủi ro tổn thất được bảo hiểm xảy ra.

8. Bạn Lâm Anh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ hỏi: nếu xe bán sang tên cho chủ sở hữu mới khi thời hạn bảo hiểm chưa kết thúc thì quyền lợi bảo hiểm có tự động chuyển sang cho chủ sở hữu mới không?

Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

          Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới.

          Nếu việc sử dụng xe cơ giới không thay đổi (kinh doanh vận tải hoặc không kinh doanh vận tải), không làm tăng hay giảm phí bảo hiểm thì không phải làm thủ tục khai báo cho doanh nghiệp bảo hiểm nơi cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm biết sự việc này. Nếu thay đổi đóng tăng hoặc hạ phí bảo hiểm (tăng giảm rủi ro) thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thu phí bảo hiểm hoặc hoàn trả phí bảo hiểm một phần tương ứng với mức phí bảo hiểm mới được xác nhận.

          9. Bạn Đức Thịnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang hỏi: hiệu lực của bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới được bắt đầu từ lúc nào?

Với câu hỏi của bạn Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:

          a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới có hiệu lực bảo hiểm từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận bảo hiểm. Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận bảo hiểm được ghi cụ thể trên Giấy chứng nhận bảo hiểm nhưng không được trước thời điểm chủ xe cơ giới đóng đủ phí bảo hiểm 

          Thời hạn bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là 01 năm. Trong các trường hợp sau, thời hạn bảo hiểm có thể dưới 01 năm:

- Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 01 năm;

- Niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 01 năm;

- Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của pháp luật, bao gồm:

+ Ô tô mới nhập khẩu và sản xuất lắp ráp lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác;

+ Ô tô làm thủ tục xóa sổ để tái xuất về nước;

+ Ô tô được phép quá cảnh (trừ xe có Hiệp định ký kết của Nhà nước);

+ Ô tô sát xi có buồng lái, ô tô tải không thùng;

+ Ô tô sát hạch;

+ Xe mang biển số khu kinh tế thương mại theo quy định của Chính phủ vào hoạt động trong nội địa Việt Nam;

+ Xe mới lắp ráp tại Việt Nam chạy thử nghiệm trên đường giao thông công cộng;

+ Xe phục vụ hội nghị, thể thao theo yêu cầu của Chính phủ hoặc Bộ Công an;

+ Các loại xe cơ giới khác được phép tạm đăng ký theo quy định của pháp luật.

CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG