1. Bạn Mai Lan xã Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi: khi mua bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe ô tô cần các thủ tục giấy tờ gì? Trình tự thế nào?
Với câu hỏi của bạn, Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
Giấy tờ cần chuẩn bị bao gồm: Đăng kí xe.
Khi mua bảo hiểm vật chất cho xe thì khách hàng cần có thêm các thông tin từ các giấy tờ liên quan: đăng kiểm (nếu có), hóa đơn mua bán xe (đối với xe mới mua chưa đăng ký)…
Thủ tục khi mua bảo hiểm: 4 Bước
Bước 1: Điền và ký xác nhận vào Giấy yêu cầu bảo hiểm(mẫu in sẵn)
Các thông tin như: tên chủ xe trên giấy đăng kí, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, số biển kiểm soát, số khung số máy, năm sản xuất, hãng xe, loại xe, dung tích xi lanh, số chỗ ngồi, trọng tải, mục đích sử dụng, giá trị xe, sản phẩm bảo hiểm cần mua, những điều khoản mở rộng yêu cầu…
Bước 2: Giám định xe, xác định giá trị xe trước khi cấp đơn bảo hiểm (áp dụng với xe tham gia bảo hiểm vật chất lần đầu tiên) – Đây là công việc của cán bộ khai thác bảo hiểm.
Bước 3: Thanh toán phí bảo hiểm.
Bước 4: Cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho khách hàng.
2. Bạn Linh Chi, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội hỏi: bộ hợp đồng bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe ô tô bao gồm những gì?
Với câu hỏi của bạn, Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
Bộ hợp đồng bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe ô tô bao gồm:
▪ Quy tắc bảo hiểm ô tô: Quy định quyền lợi và trách nhiệm của chủ xe và công ty BH, được cấp nếu khách hàng yêu cầu
▪ Giấy yêu cầu bảo hiểm: Để chủ xe kê khai các thông tin tham gia bảo hiểm làm cơ sở để tính phí bảo hiểm và xác nhận yêu cầu mua bảo hiểm của chủ xe.
▪ Giấy chứng nhận bảo hiểm: Được công ty bảo hiểm cấp cho chủ xe, là bằng chứng kí kết hợp đồng bảo hiểm.
▪ Các điều khoản bổ sung cho hợp đồng: là những điều khoản được thảo thuận bổ sung nếu chủ xe yêu cầu
▪ Các thỏa thuận khác được lập thành văn bản giữa chủ xe và doanh nghiệp bảo hiểm.
3. Bạn Tuấn Phong, phường Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng hỏi: thời hạn bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là gì?
Với câu hỏi của bạn, Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
Thời hạn bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chi trả cho người được bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra nếu thời điểm hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực. Ngày bắt đầu và ngày kết thúc của thời hạn bảo hiểm được ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm.
4. Bạn Bích Liên, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội hỏi: tôi mua xe ô tô chưa làm thủ tục sang tên, muốn mua bảo hiểm thì làm thế nào? Xe tôi chưa sang tên khi tôi tham gia bảo hiểm tôi muốn ghi tên của tôi vào giấy chứng nhận bảo hiểm được không?
Với câu hỏi của bạn, Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
Khách hàng có thể mua Bảo hiểm như bình thường, tuy nhiên trên giấy CNBH phải ghi tên chủ xe giống như trên giấy đăng kí xe.Theo quy định thì khi mua bán xe, chủ xe mới phải kê khai làm các thủ tục sang tên đổi chủ. Trong trường hợp Chủ xe chưa kịp sang tên thì vẫn có thể tham gia bảo hiểm cho xe ô tô, khách hàng vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi bảo hiểm nhưng mục chủ xe vẫn phải ghi tên chủ xe cũ, khi tổn thất xảy ra doanh nghiệp bảo hiểm vẫn sẽ bồi thường cho Chủ xe mới. Chủ xe mới cần chứng minh được việc sở hữu hợp lệ chiếc xe ô tô đó.
Với câu hỏi của bạn, Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
Bạn có thể thanh toán phí bằng cách nộp tiền mặt, hoặc Séc trực tiếp cho cán bộ, đại lý bán bảo hiểm cho quý khách. Ngoài ra, có thể chuyển khoản hay các hình thức thanh toán khác theo thỏa thuận giữa quý khách và các doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, Bộ tài chính quy định không được cho nợ phí, phải thanh toán đầy đủ các khoản phí bảo hiểm trước khi cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho khách hàng.
Đối với các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện thì thông thường trong bảo hiểm là không được nợ phí. Tuy nhiên đối với các trường hợp đặc biệt khách hàng là:
- Đối tượng truyền thống có quan hệ thường xuyên liên tục lâu dài hiệu quả với doanh nghiệp bảo hiểm.
- Là tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh
Thì các doanh nghiệp bảo hiểm có thể xem xét tùy từng trường hợp cụ thể để có thể gia hạn thanh toán phí hay cho nợ một phần phí để tạo điều kiên thuận lợi cho khách hàng trong quá trình thanh toán phí. Việc cho phép nợ phí, cam kết thời hạn đóng phí sẽ được lập thành văn bản là bằng chứng cũng như là sự xác nhận trách nhiệm đã cam kết giữa 2 bên. Chủ xe cần thanh toán phí đúng hạn theo thỏa thuận để được hưởng quyền lợi bảo hiểm.
6. Bạn Thanh Minh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hỏi: bảo hiểm vật chất xe là gì?
Với câu hỏi của bạn, Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
Đây loại hình bảo hiểm về tài sản, các doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe những thiệt hại của chính chiếc xe nếu tai nạn xảy ra thuộc phạm vi bảo hiểm. Ngoài ra các doanh nghiệp bảo hiểm còn thanh toán những chi phí cần thiết và hợp lí phát sinh do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm nhằm: ngăn ngừa, hạn chế tổn thất phát sinh thêm, bảo vệ và đưa xe thiệt hại tới nơi sửa chữa gần nhất, giám định tổn thất.
7. Bạn Bách Tâm, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hỏi: tôi có quyền lợi gì khi tham gia bảo hiểm vật chất ô tô? cho biết về những điểm loại trừ?
Với câu hỏi của bạn, Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
Các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường những thiệt hại vật chất xe xảy ra do:
- Những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của Chủ xe, lái xe: Đâm va, lật, đổ, rơi; chìm; hoả hoạn, cháy, nổ; bị các vật thể khác rơi, va chạm vào;
- Những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên: Bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, sóng thần;
- Mất cắp, mất cướp toàn bộ xe.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm còn thanh toán những chi phí phát sinh nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất, bảo vệ và đưa xe thiệt hại tới nơi sửa chữa gần nhất, giám định tổn thất.
8. Bạn Anh Đức, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hỏi: đối với vảo hiểm TNDS tại sao gọi là người thứ ba? Người thứ nhất và người thứ hai là ai?
Với câu hỏi của bạn, Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
Trong bảo hiểm TNDS, “Người thứ ba” hay “Bên thứ ba” ở đây là cách gọi theo chuyên môn bảo hiểm được định nghĩa là người bị thiệt hại về thân thể, tính mạng, tài sản do xe cơ giới gây ra trừ những người sau:
- Lái xe, phụ xe và những người khác ngồi trên chính chiếc xe đó.
- Chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao quyền chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó cho tổ chức hay cá nhân khác.
Còn về khái niệm “người thứ nhất” và “Người thứ hai” có thể hiểu chung:
“Người thứ nhất” là các công ty bảo hiểm – Bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm.
“Người thứ hai” là Chính Khách hàng - Người tham gia bảo hiểm.
9. Bạn Thanh Hoàng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An hỏi: thời hạn bảo hiểm áp dụng đối với bảo hiểm TNDS bắt buộc:
Với câu hỏi của bạn, Cục Cảnh sát giao thông xin trả lời như sau:
Đối với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc thì thời hạn là 1 năm, trường hợp mua bảo hiểm bắt buộc thời hạn dưới 1 năm chỉ được phép trong các điều kiện sau:
a) Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 01 năm;
b) Niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 01 năm;
c) Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của pháp luật, bao gồm:
- Ô tô mới nhập khẩu và sản xuất lắp ráp lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác;
- Ô tô làm thủ tục xóa sổ để tái xuất về nước;
- Ô tô được phép quá cảnh (trừ xe có Hiệp định ký kết của Nhà nước);
- Ô tô sát xi có buồng lái, ô tô tải không thùng;
- Ô tô sát hạch;
- Xe mang biển số khu kinh tế thương mại theo quy định của Chính phủ vào hoạt động trong nội địa Việt Nam;
- Xe mới lắp ráp tại Việt Nam chạy thử nghiệm trên đường giao thông công cộng;
- Xe phục vụ hội nghị, thể thao theo yêu cầu của Chính phủ hoặc Bộ Công an;
- Các loại xe cơ giới khác được phép tạm đăng ký theo quy định của pháp luật.
CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG