Nếu trong tháng 8/2009, tình hình TNGT trên địa bàn Hà Nội diễn ra với những chiều hướng phức tạp, số vụ TNGT cũng như số người chết tăng so với tháng liền kề trước đó với 87 vụ TNGT làm 72 người chết và 26 người bị thương thì sang đến Tháng ATGT tình hình TNGT có giảm hơn, khi tính từ ngày 1 đến 24/9, toàn thành phố chỉ xảy ra 40 vụ khiến 37 người chết, 5 người bị thương.
Mặc dù tai nạn có giảm, nhưng theo đánh giá của Đội Khám nghiệm Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Hà Nội thì không ít vụ tai nạn trên có nguyên nhân từ rượu bia. Khi gây ra tai nạn, đại đa số những chủ phương tiện đều bỏ đi khỏi hiện trường hoặc viện lý do bản thân không điều khiển phương tiện nên từ chối yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
Như vụ tai nạn của chiếc xe Cativan lao xuống hồ Tây ngày 5/9 vừa qua cũng là một ví dụ điển hình. Một trong ba người còn ở lại hiện trường sau khi chui ra khỏi xe với hơi thở nồng nặc mùi rượu cũng đã viện lý do như trên để không cho CSGT kiểm tra nồng độ cồn.
Tổng kết 24 ngày thực hiện Tháng ATGT năm 2009, Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP cho biết, tình hình liên quan đến TTATGT vẫn diễn biến rất phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc và TNGT. Trong số 26.071 trường hợp đã bị xử lý do vi phạm TTATGT thì có gần 3.000 trường hợp xe khách vi phạm. Thế nhưng trong số xe khách vi phạm thì lực lượng chức năng chỉ mới xử lý được 22 trường hợp (0,08%) lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Có thể nói rằng việc xử lý các vi phạm liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia còn quá ít, chưa thật sự phản ánh hết thực trạng những vi phạm liên quan đến rượu bia hiện nay. Bởi trên thực tế, để xử lý những trường hợp sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện thì đơn vị mới chỉ có 50 máy đo nồng độ cồn, ống thổi kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở.
Số dụng cụ này được chia đều cho tất cả các đội thuộc phòng. Với hàng trăm nghìn lượt phương tiện tham gia giao thông hàng ngày cùng rất nhiều trường hợp điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia trên đường phố thì con số 50 dụng cụ máy đo nồng độ cồn trên không thể đáp ứng được so với yêu cầu thực tế số người vi phạm.
Để đảm bảo trật tự ATGT, trong Luật Giao thông đường bộ mới được sửa đổi năm 2008 có quy định rất rõ ngưỡng vi phạm đối với việc uống rượu bia của người tham gia điều khiển phương tiện.
Cụ thể, khi lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở của người điều khiển phương tiện vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở thì sẽ bị xử lý nghiêm. Luật Giao thông đường bộ mới cũng quy định người điều khiển ôtô tuyệt đối không được sử dụng rượu bia.
Với mức xử phạt đối với người điều khiển ôtô sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép là từ 1 - 3 triệu đồng. Còn đối với những trường hợp điều khiển môtô xe máy thì xử phạt từ 400 - 800 nghìn đồng, theo đánh giá của nhiều cán bộ chiến sĩ CSGT thì mức xử phạt như trên cũng không phải là nhỏ, nhưng không hiểu sao số người vi phạm vẫn cứ phớt lờ quy định.
"Trong khi một số người dân vẫn chưa tự giác nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không coi trọng bảo vệ tính mạng và tài sản của chính bản thân và người khác thì việc tăng cường xử lý vi phạm cũng như tăng mức xử phạt chính là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong việc răn đe những hành vi vi phạm, đảm bảo TTATGT" - Đội trưởng Đội CSGT số 1, Trung tá Nguyễn Văn Tòng nêu kiến nghị./.