Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Giải đáp pháp luật
Văn hoá giao thông thời @
Ngày đăng: 01/10/2009
Chỉ cần mỗi người nâng cao ý thức văn hoá khi tham gia giao thông lên một chút thì sẽ không phải tự làm khổ mình, làm khổ người thân và làm khổ những người khác.

Thực hiện văn hoá giao thông chính là thể hiện nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên hiện nay, tại các thành phố, thị trấn, tình trạng lách luật, vượt đèn đỏ, đi sai phần đường vẫn diễn ra khá phổ biến. Đường chật, phương tiện giao thông quá đông là những lý do được đưa ra, nhưng tựu chung lại vẫn là ý thức của người tham gia giao thông.

Đi lại trên đường, cứ ngỡ là chẳng cần  phải văn hoá gì, ấy vậy mà lại  cần,  rất cần nữa là đằng khác. Thời kinh tế thị trường, thời   hiện đại, người ta cứ ra đường là “phóng bạt mạng” cốt cho được việc của mình mà ít nghĩ đến những người xung quanh. Những ông bố thì đi thật nhanh để còn  kịp ký kết “cái hợp đồng kinh tế” bao nhiêu người đang chờ, các bà mẹ thì  “nhanh” để còn kịp đi chợ mua rau, đón con. Những bác tài xe ôm thì “nhanh” để còn kịp “quay vòng khác” lấy tiền về nuôi vợ con. Các nam thanh, nữ tú thì “nhanh” để còn kịp các cuộc hẹn hò…

Chính vì “nhanh” nên mới có chuyện một thanh niên nọ đang đi ở tốc độ cao, qua ngã tư, không kịp dừng khi đèn đỏ nên lao ngay vào một cô gái đứng trước mặt. Đã không một lời xin lỗi, chàng thanh niên còn quát rõ to “đi đứng thế à?”. Cô gái sững sờ vì mình đứng trước đèn đỏ, hoàn toàn đúng luật, thế mà còn “ăn mắng”. Những người đi đường nhìn chàng thanh niên  lắc đầu. Mấy người nước ngoài thì nhún vai đầy khó  hiểu… Đó  là chuyện  rất đỗi bình thường, bình thường như cơm bữa ở các đô thị lớn. Đó cũng là một hình ảnh của  văn hoá giao thông ở Việt Nam thời “hiện đại”. Một thứ văn hoá quá ư là “đa sắc màu” với những hành trình lên, xuống, rẽ trái, rẽ phải  “hoàn toàn vô tư, theo ý mình” mà không tuân theo bất cứ một luật lệ giao thông nào.

Mới đây nhất, ngay trên đoạn đường Nam Thăng Long-Hà Nội, một thanh niên chạc tuổi “băm” quặt tay lái rất nhanh trước mũi xe của một người đi cùng chiều, vì đang ở tốc độ cao, nên chiếc xe bắn ngay xuống đường, chàng trai bị văng ra khỏi xe.  Còn tại  phố Đoàn Thị Điểm- Hà Nội, đúng giờ tan tầm, một chú tuổi “teen” hứng chí “bốc đầu xe”, nhưng vì đường quá đông, chú không làm chủ được  “bài xiếc” của mình nên “tông thẳng” vào một loạt xe trước mặt và kết quả là chú phải nhờ đến xe cấp cứu đưa vào bệnh viện.

Quả là một thứ văn hoá giao thông khiến nhiều người, đặc biệt là những người nước ngoài và người Việt Nam từng ở nước ngoài đều phải rùng mình khi chứng kiến. Đèn đỏ vẫn ngang nhiên phóng qua ngã tư, khi tắc đường, xe máy cứ “vô tư” phi lên vỉa hè- phần đường dành riêng cho người đi bộ. Cứ thấy trước mặt mình “một đám đông đông” thì “ba mươi sáu chước…. chước lên hè là hơn”. Những chiếc xe máy sẽ ghếch vội cái bánh trước lên hè, rồ ga mạnh và… phóng hết tốc lực. Cho tới khi hè cũng tắc nốt, mọi người chỉ còn biết nhìn nhau ngán ngẩm và cùng nhau chịu đựng mùi xăng, mùi khói…. Chỉ tội cho những cháu nhỏ không may  ngồi trên xe máy vào những lúc này. Có những ông bố, bà mẹ phải nâng đứa nhỏ lên thật cao để “hy vọng” con mình “hít” được một chút không khí trong lành trên cao. Nhiều đứa trẻ khóc thét vì không chịu  đựng được không khí ngột ngạt giữa dòng xe chật cứng.

Thời kinh tế thị trường, mải lo công, lo việc nên mạnh ai nấy đi: Vượt trước mũi xe người khác, thậm chí vượt ngay trước mũi ô tô, cũng trở thành chuyện hết sức bình thường. Tất cả những điều này, trong Luật Giao thông đều đã quy định rõ. Khi đi thi lấy bằng lái xe, ai cũng được học, nhưng có lẽ họ chỉ nhớ khi đi thi, còn ra đường là quên hết. Âu cũng dể hiểu, đó chỉ  là  do “ý thức con người”.

Trên thực tế, đường nhỏ, xe đông, chưa chắc đã phải là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc. Thực tế cho thấy, dù giờ tan tầm, đường rất đông, nhưng nếu có một “bóng áo vàng”  tuýt còi, chỉ đường thì… răm  rắp, đâu ra đấy, mọi người cứ nối nhau đi một cách “ngon lành”. Nhưng nếu thiếu bóng áo vàng thì lại đi sai luồng, sai luật, vượt trước mũi xe, lấn đường… đủ các kiểu và rồi đường cũng lại tắc “một cách ngon lành”.   

Ngành Giao thông muốn khắc phục nhưng cũng đành chịu vì diện tích đường chỉ có thế. Ngành Công an ra quân lập lại trật tự an toàn  giao thông, nhưng cũng chỉ được từng đợt vì “quân số có hạn”. Chung quy lại, cuối cùng chỉ còn trông chờ vào “ý thức” của mỗi người dân.