Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / An toàn giao thông
Chủ động đấu tranh phòng ngừa tai nạn do xe ô tô khách gây ra
Ngày đăng: 09/01/2009
Xe ô tô khách hiện vẫn là ẩn hoạ và nguy cơ làm gia tăng tai nạn giao thông, thiệt hại về người.

          

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông, cả nước đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) do đó  tình hình TTATGT trên phạm vi toàn quốc đã có chuyển biến tích cực, TNGT giảm mạnh cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Theo báo cáo của Cục  CSGT đường bộ - đường sắt, năm 2008 cả nước xảy ra 12.163 vụ TNGT đường bộ, làm chết 11.318 người, bị thương 7.885 người, so với năm 2007 giảm 2.025 vụ (-14,5%), giảm 1.539 người chết (- 12%) và 2.746 người bị thương (-25,8%). Tuy nhiên, trong tổng số vụ TNGT vẫn còn xẩy ra 132 vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 396 người, bị thương 493 người, trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô khách gây ra làm chết và bị thương nhiều người. Xe ô tô khách hiện vẫn là ẩn hoạ và nguy cơ làm gia tăng TNGT và thiệt hại về người do tai nạn gây ra.

            Thực trạng và nguyên nhân

          Mặc dù TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong năm 2008 giảm 54 vụ, giảm 113 người chết và 224 người bị thương so với  năm 2007 và số vụ TNGT do xe ô tô khách gây ra chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số vụ TNGT đường bộ nhưng số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng  do xe khách gây ra lại chiếm tỷ lệ khá cao và đau lòng, nhiều vụ xảy ra làm chết và bị thương hàng chục người gây dư luện lo ngại trong xã hội. Điển hình là vụ tai nạn xe khách thảm khốc xảy ra trên quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An lúc 3 giờ 20’ ngày 21/9/2008. Xe ô tô chở khách BKS 47V – 1875 do lái xe Vương Thanh Quang điều khiển lưu hành hướng Vinh – Hà Nội, do trời mưa, đêm tối lại chạy tốc độ cao khi vào đường cong bị mất lái làm ô tô đổ nghiêng sang phần đường bên trái, cùng lúc đó xe ô tô đầu kéo BKS 774 – 1518 kéo rơ móc chạy đến, lái xe không kịp xử lý  đã đâm vào xe khách. Hậu quả làm 16 người tử nạn và 15 người khác trên xe bị trọng thương. Trong số 132 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, có 41 vụ liên quan đến xe ô tô chở khách, trong đó có 30 vụ do xe chở khách gây ra (chiếm gần 25%) làm chết 107 người, bị thương 260 người. Cũng trong tháng 9/2008 (tháng ATGT), tại km 2008 quốc lộ 1A (thuộc xã Đông Hoà Hiệp, Cái Bè, Tiền Giang) lúc 6h ngày 3/9 do xe khách tư nhân BKS 66S – 1926 do Phan Viết Hùng (SN 1955) điều khiển chạy tốc độ cao, lấn trái đường đâm vào một xe mô tô, sau đó đâm tiếp vào một xe mô tô và xe khách chạy ngược chiều, làm 6 người chết và 9 người bị thương. Trước đó, ngày 20/4 tại km 653 + 900 quốc lộ 14 xe ô tô khách BKS  47V – 1876 của HTX Vận tải Thắng Lợi cũng chạy lấn đường bên trái đâm vào  xe ô tô tải lưu thông ngược chiều. Hậu quả của vụ tai nạn là 7 người chết (6 người trên xe khách và lái xe tải), 23 người khác bị thương. Cũng do chạy tốc độ cao và lấn trái đường, lúc 6h ngày 2/6 tại Km 1734 QL 1A (thuộc thị thấn Tân Nghĩa, Hàm Tân,  Bình Thuận) xe ô tô khách loại 50 chỗ BKS 17K – 7679 do Phạm Tuấn Hưng điều khiển đã đâm vào xe ô tô tải lưu hành hướng ngược lại làm 14 người chết và 18 người bị thương; ngay trong ngày 1/9 (ngày đầu tháng ATGT) hơn 30 hành khách trên xe ô tô BKS 92K – 3349 chạy từ Đà Nẵng ra Huế bị phen hoảng loạn khi xe tự bốc cháy dữ dội trong hầm đường bộ Hải Vân. Nhưng rất may mọi người thoát hiểm kịp thời còn xe bị thiêu rụi chởi sau gần chục phút....

          Phân tích nguyên nhân các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô khách gây ra từ đầu năm đến nay cho thấy hầu hết do lỗi của lái xe không chấp hành đúng các quy định về ATGT khi điều khiển xe lưu thông trên đường. Trong đó, đi không đúng phần đường 13 vụ (43,3%), chạy quá tốc độ quy định 5 vụ (16,6%), tránh vượt sai quy định 4 vụ (13,3%), thiếu chú ý quan sát (ngủ gật) 3 vụ, phương tiện không đảm bảo ATKT 3 vụ, xử lý kém 1 vụ. Về tuyến đường xảy ra tai nạn, đáng chú ý có 30 vụ xảy ra trên các tuyến quốc lộ (trong đó QL 1A xảy ra 22 vụ, chiếm  gần 70%); độ tuổi lái xe gây tai nạn có 4 vụ ở trên 32, 3 vụ ở trên 35, các tuổi 28, 30, 31, 42 mỗi tuổi gây ra 2 vụ...., và thời gian xảy ra tai nạn : từ 6 giờ đến 12 giờ xảy ra 10 vụ, từ 20 giờ đến 24 giờ xảy ra 3 vụ, từ 0 giờ đến 4 giờ xảy ra 5 vụ... Trong số TNGT xảy ra có 17 vụ xe ô tô khách của tư nhân, 5 vụ xe của doanh nghiệp tư nhân, 3 vụ xe của doanh nghiệp nhà nước và 1 vụ do HTX vận tải quản lý. Từ phân tích này nói lên, trong thời buổi kinh tế thị trường, vì lợi nhuận nhiều chủ xe chỉ quan tâm đến mức khoán, buông lỏng quản lý lái xe, phó mặc cho lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, dừng đỗ xe vô tội vạ để tranh giành, bắt khách, chở quá tải, quá số người quy định, bất chấp những nguy cơ gây mất ATGT, có thể xảy ra TNGT bất cứ lúc nào. Đặc biệt là vào ban đêm hoặc ở các đoạn đường không có lực lượng CSGT kiểm tra. Nhiều lái xe do sức ép của mức khoán nên ít có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến thiếu tỉnh táo, xử lý tình huống trên đường kém hoặc độ tuổi còn trẻ, dễ bốc đồng lại thiếu kinh nghiệm khi lái xe trên đường nên đã xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc như trường hợp lái xe Lê Phước Bắc (SN 1973) điều khiển xe khách loại 50 chỗ tư nhân BKS  18N – 2987 lúc 5 giờ ngày 28/9 lưu thông đến km 500 + 800 QL 1A (Quảng Bình) do mệt mỏi, ngủ gật đổ xe đâm vào phía sau 1 xe tải bị nổ lốp đang đỗ ở ven đường, làm 4 người chết, 1 người bị thương; hoặc trường hợp lái xe Nguyễn Đức Tân đang điều khiển xe khách BKS 35N – 3355 chạy từ Hà Nội đi Ninh Bình đã giao tay lái cho phụ xe chưa có GPLX điều khiển, chạy lấn đường đâm vào xe máy chạy ngược chiều làm người điều khiển tử nạn; lái xe Trần Anh Tuấn điều khiển xe khách BKS 74K – 4582 chạy từ Cửa Việt về Đông Hà bị mất lái ở đoạn đường cong khiến xe bị lật nghiêng làm 18 hành khách trên xe bị thương vào tối 16/9... Ngoài ra, cũng phải kể đến khâu kiểm định ATKT phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong thời gian qua còn nhiều bất cập, không ít lái xe có GPLX nhưng khi vi phạm hoặc gây TNGT được kiểm tra thì hiểu biết về luật giao thông đường bộ rất ít, việc quản lý GPLX còn lỏng lẻo, dẫn đến hiện tượng có lái xe có 2 đến 3 GPLX cùng hạng để đối phó với việc kiểm tra; một số lái xe nghiện ma tuý, uống rượu bia nhưng vẫn điều khiển xe, trong khi đó lực lượng CSGT, CSTT, thanh tra giao thông làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, không quán xuyến hết địa bàn, không phát hiện kịp thời để xử lý các vi phạm dẫn đến việc lái xe chỉ chấp hành đúng các quy định về ATGT khi có lực lượng kiểm tra, thông báo bằng ám hiệu tay cho nhau biết để đối phó, còn không có lực lượng CSGT, TTGT thì vô tư vi phạm.

          Năm 2008, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 5,4 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 1.225 tỷ đồng, tạm giữ hơn 26.000 xe ô tô. Trong 50 ngày tổng kiểm tra, xử lý vi phạm xe ô tô khách (từ 1/6 đến 20/7/2008) đã kiểm tra xử lý gần 50.000 trường hợp xe ô tô khách vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, chở quá số người cho phép, dừng đỗ, tránh vượt sai quy định, thiết bị ATKT phương tiện không đảm bảo.

      

                                                  " nội thất " bên trong chiếc xe chở khách

        Tiếp tục các  giải pháp phòng ngừa

          Kiềm chế và làm giảm TNGT, nhất là TNGT do xe ô tô khách gây ra đang là yêu cầu cấp bách và là mục tiêu trong những năm tới nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do tai nạn gây ra. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, các ngành hữu quan nhất là ngành GTVT chính quyền các địa phương cần có sự phối hợp triển khai đồng bộ, kiên quyết hơn nữa chỉ thị 01/TTg của Thủ tướng Chính dphủ về chấn chỉnh hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô, các giải pháp cấp bách mà Nghị quyết 32/CP của Chính phủ đã đề ra. Trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT cho đội ngũ lái xe, hành khách để họ nắm được và tự giác chấp hành và tạo dư luận lên án các hành vi vi phạm ATGT của lái xe, chú ý tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô; thực hiện nghiêm túc quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác quản lý đội ngũ lái xe, chủ phương tiện. Đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục cần tăng cường việc kiểm tra, xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng đối với các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các lỗi là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Cần mở nhiều đợt cao điểm TTKS liên tuyến, sử dụng các thiết bị kỹ thuật như máy đo tốc độ, camera giám sát, “hộp đen” lắp trên xe ô tô để giám sát việc chấp hành luật giao thông của lái xe. Ngoài hai giải pháp cơ bản trên, trong chương trình đào tạo nghề lái xe cần chú trọng và tăng thêm số giờ môn học đạo đức ngừơi lái xe, lồng ghép tuyên truyền giáo dục đào đức nghề nghiệp vào chương trình đào tạo và trong quá trình giảng dạy; xiết chặt việc kiểm định ATKT phương tiện và sát hạch, cấp GPLX; nâng độ tuổi và số km lái xe an toàn đối với lái xe chỏ khách; kiên quyết lập biên bản đình chỉ lưu hành đối với phương tiện cũ nát, không đảm bảo an toàn hoặc quá niên hạn sử dụng, tuyên truyền, vận động lái xe không uống rượu, bia hoặc dùng chất kích thích khi điều khiển xe, tiến tới việc cấm sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi luật giao thông đường bộ sửa đổi có hiệu lực thi hành. Liên ngành GTVT – Y tế sớm có quy định sức khoẻ của người hành nghề lái xe các loại phù hợp để đảm bảo an toàn khi điều khiển xe lưu thông trên đường, đồng thời cần nghiêm túc, xây dựng các trạm nghỉ dọc đường hợp lý để lái xe nghỉ ngơi đảm bảo sức khoẻ trong hành trình và kiểm tra ATKT của phương tiện.

          Những công việc trên chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi các ngành, các cấp phải phối hợp thực hiện một cách đồng bộ và thường xuyên liên tục, trong đó việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe phải đặt lên hàng đầu và phải được coi là trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng, của doanh nghiệp quản lý trực tiếp người lái xe, của gia đình và toàn xã hội cùng với sự tự thân rèn luyện của mỗi lái xe.

Các tin khác liên quan