Lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, đường sắt tham gia chương trình tọa đàm tại Trung tâm phát thanh, truyền hình Công an nhân dân
Để làm rõ những nội dung liên quan đến vấn đề xử phạt đối với hành vi vi phạm về đội mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy khi tham gia giao thông, ngày 17/7/2014, tại Trung tâm phát thanh, truyền hình CAND, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh – Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt đã trả lời bạn nghe đài chương trình Nhịp cầu An ninh, phát sóng trên kênh Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ban Biên tập Website đăng toàn văn nội dung trả lời bạn nghe đài xung quanh vấn đề sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
PTV: Thưa đồng chí! Chúng ta vừa nghe phóng sự “Qua nửa tháng kiểm tra, xử lý mũ bảo hiểm không đạt chuẩn”. Dễ nhận thấy đây là vấn đề không dễ giải quyết trong thời gian ngắn. Riêng đối với CSGT, đồng chí đánh giá như thế nào về việc thực hiện quy định kiểm tra, xử lý mũ bảo hiểm không đạt chuẩn?
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh: Trước hết, hành vi đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn chưa được quy định trong Luật GTĐB năm 2008 và Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người dân được sử dụng đúng mũ bảo hiểm đạt chuẩn, tại Thông tư liên lịch số 06/20013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT ngày 28/2/2013 giữa Bộ khoa học công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ giao thông vận tải đã quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, trong đó có quy định về tính năng cấu tạo và chứng nhận hợp quy của mũ bảo hiểm đạt chuẩn (Điều 3). Tiếp sau đó, ngày 8/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sẽ xử lý nghiêm việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc không rõ ràng. Đối với lực lượng CSGT, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Tại Khoản 2, Điều 30, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”.
Tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 171 của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 100.000đ đến 200.000đ đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
Tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 171 của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 100.000đ đến 200.000đ đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
Với quy định đó, việc xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách vẫn được lực lượng CSGT toàn quốc tiến hành thường xuyên trong những năm qua.
Để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia, Bộ Công an đã có Công điện số 04/CĐ-BCA, ngày 8/7/2014, trong đó chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xây dựng các chuyên đề xử lý nghiêm theo đúng quy định Nghị định 171 của Chính phủ; đối với các trường hợp đội mũ không phải “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” thì nhắc nhở, giải thích cho người tham gia giao thông cần sử dụng mũ đúng tiêu chuẩn, quy cách để tự bảo vệ mình.
PTV: Trước khi bàn tiếp về nội dung mũ bảo hiểm, xin đồng chí làm rõ về khái niệm “xe đạp điện”, xe máy điện”, xe đạp máy”, các loại phương tiện này có điểm gì khác nhau không trong việc sử dụng mũ bảo hiểm?
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh: Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện và Thông tư số 39/2013 của Bộ GTVT quy định: xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h và có khối lượng không lớn hơn 40kg.
Đối với xe máy điện, tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Nghị định 171 của Chính phủ quy định: xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h.
Theo điểm e, khoản 1, Điều 3 Nghị định 171 của Chính phủ, xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được.
Nhân đây, xin nói thêm về xe gắn máy; theo Quy chuẩn quốc gia số 14, đó là phương tiện chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50cm3, nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất lớn nhất không lớn hơn 4kW.
Đối với các loại phương tiện trên thì không có điểm gì khác biệt trong việc quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Điểm khác đó là quy định điều, khoản áp dụng trong việc xử phạt vi phạm về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông tại Nghị định 171. Quy định xử phạt đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) được nêu rõ tại khoản 3 Điều 6; đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy thì được quy định tại khoản 4 Điều 8. Còn mức xử phạt đối với các hành vi này là như nhau.
PTV: Trong nửa tháng vừa qua (từ 1/7 đến 15/7) ghi nhận là lực lượng CSGT cả nước đã tích cực tuyên truyền cho người tham gia giao thông về việc sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc xử phạt người sử dụng mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn là thuộc thẩm quyền của ngành quản lý thị trường. Đồng chí có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh: Như trên tôi đã nói, lực lượng CSGT không xử phạt người dân đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn mà chỉ xử phạt đối với các hành vi được quy định trong Luật và Nghị định của Chính phủ.
Đối với ngành quản lý thị trường là cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi người sản xuất, kinh doanh, vận chuyển mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, mũ kém chất lượng…
Với việc tồn tại của hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng như hiện nay thì rất cần sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trong đó có cơ quan hải quan, quản lý thị trường, Tổng cục đo lường tiêu chuẩn chất lượng… cần quản lý ngay từ gốc, đó là nơi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu… các loại mũ bảo hiểm.
PTV: Nhiều thính giả nêu câu hỏi và muốn được đồng chí giải đáp. “Người dân hầu hết không biết tem nhãn nào đúng tiêu chuẩn, càng không xác định được đâu là thật, là giả. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần kiểm tra và xử lý người sản xuất chứ sao lại xử lý người mua? Xin mời đồng chí?
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh: Chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm trên là không xử phạt người dân.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2007 chúng ta bắt đầu triển khai việc xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm và đến nay có thể nói rằng tỷ lệ người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng đã chuyển biến tích cực. Cái đạt được của quy định này đó là tạo ý thức tự giác của người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình. Do vậy chúng tôi khuyến cáo người dân hãy tự bảo vệ mình bằng việc lựa chọn chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông.
Còn đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thì cần xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.
PTV: Cũng tương tự như câu hỏi trên, ý kiến: “Chúng tôi là người lao động có thu nhập thấp, không được đi lại nhiều nơi, nên gặp ở đâu bán mũ bảo hiểm là chúng tôi mua, thấy giá rẻ chúng tôi càng mừng, làm sao biết được thật, giả? Chúng tôi làm thế nào để mua được mũ đảm bảo chất lượng và không bị phạt?
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh: Theo quy định tại Thông tư liên tịch 06 và quy chuẩn quốc gia số 02, mũ bảo hiểm đạt chuẩn là mũ bảo hiểm có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu và có dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn để lại những tổn thương, di chứng rất đáng tiếc cho não bộ của con người. Để bảo vệ một cách tốt nhất cho tính mạng và sức khỏe của mình, người tiêu dùng hãy tìm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại mũ bảo hiểm đảm bảo các tính năng theo quy định để được sử dụng những loại mũ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Còn vấn đề xử phạt thì xin được nhắc lại, hiện nay lực lượng chức năng xử phạt theo quy định đối với hành vi: “người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ”.
PTV: Thưa đồng chí, một câu hỏi nữa: Hiện tại thì người đội mũ không đạt chuẩn hay nói cách khác, đội mũ không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy thì CSGT chỉ tuyên truyền nhắc nhở. Vậy đến thời điểm nào mà người tham gia giao thông còn vi phạm thì sẽ bị xử phạt?
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh: Như đã trao đổi phần trên, việc xác định mũ bảo hiểm nào là đạt chuẩn thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Lực lượng CSGT chỉ xử phạt đối với hành vi không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần làm hiệu quả hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục ý thức người tham gia giao thông trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Đối với người dân, cần ý thức về trách nhiệm công dân trong việc thực thi pháp luật cũng như lựa chọn cho mình những chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông để tự bảo vệ mình một cách tốt nhất. Còn thời điểm nào tiến hành xử phạt đối với hành vi đội mũ không đạt chuẩn còn phụ thuộc vào việc thực hiện quy định Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó là tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng; đồng thời tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân nên tìm đến các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm đạt chất lượng để mua dùng. Nếu chúng ta đã làm tốt tất cả những điều đó mà người dân khi tham gia giao thông vẫn đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn thì tôi tin rằng Chính phủ sẽ quy định hành vi này vào Nghị định xử phạt để xử phạt đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
Theo Phòng 3/C67