Trong công tác nguỵ trang, che phòng cho các phương tiện, bến bãi và hàng hoá, lực lượng Cảnh sát bảo vệ giao thông thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở lái xe, tàu thuyền dùng lá cây nguỵ trang. Tại ngã 3 Đồng Lộc (nơi trọng điểm địch đánh phá), tổ Cảnh sát bảo vệ giao thông có sáng kiến dùng đất đỏ pha nước quét lên thành xe cho phù hợp với màu đất, địa hình, tránh địch phát hiện mục tiêu.
Ở các tuyến đường giao thông chiến lược, Cảnh sát bảo vệ giao thông phối hợp với Công an xã phát động nhân dân tham gia công tác bảo vệ giao thông, nguỵ trang phương tiện. Đoạn đường nào cầu, cống bị đánh sập, mặt đường bị bom đạn cầy xới, xe chở hàng bị ùn tắc là ở đó có cán bộ, nhân dân địa phương kịp thời mang cuốc, xẻng, gỗ, tre, nứa để phối hợp với bộ đội, công an, thanh niên xung phong, công nhân trên tuyến sửa chữa. Với quyết tâm “Tất cả vì tiền tuyến”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”, “Địch lại phá, ta lại sửa, ta đi” và “Địch phá ta cứ đi”, lực lượng CSGT đã tham gia cùng các lực lượng bảo đảm giao thông vận tải ngành giao thông, thanh niên xung phong phá thế độc tuyến, độc vận của địch.
Địch tập trung đánh phá ác liệt các tuyến đường bộ, đường sắt trọng điểm. CSGT đã phối hợp với các lực lượng bảo đảm giao thông của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Ban điều hoà vận tải Trung ương bảo vệ vật tư, thiết bị, đất đá dự trữ sửa đường để ở các điểm dự phòng và cùng nhân dân xây dựng hàng trăm cầu tạm và hàng ngàn km đường tránh. Tiêu biểu là Hà Tĩnh đã vừa sửa lại, vừa làm thêm đường tránh mới dài gấp 3 lần thời điểm trước chiến tranh phá hoại. Trên tuyến đường sắt cũng làm được 5.574 km cầu tạm, 132 km đường nhánh, đường tránh. Có thể nói phá thế độc tuyến là một sáng kiến khoa học, một chủ trương bảo đảm giao thông độc đáo được toàn ngành giao thông áp dụng và giành thắng lợi trên từng tuyến đường.
Khi máy bay địch đánh phá ác liệt các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, thả thuỷ lôi, bắn pháo kích phong toả các cửa sông, biển, các đội vận tải bằng xe thồ, thuyền nan được huy động. Nhiều phương tiện vận tải, chuyển tải sáng tạo, được phát huy, như: ôtô vận tải chạy đêm chỉ dùng đèn ngầm; khi cầu Đuống, cầu Long Biên (Hà Nội) bị hư hỏng nặng, xe cộ không qua lại được, ngành đường sắt chuyển tải toa xe hàng hoá qua sông Đuống, sông Hồng bằng hệ thống cầu, phà liên hợp và dùng đầu máy xe lửa đẩy toa hàng qua cầu, phà, từ bờ nam sang bờ bắc với tốc độ 3km/h, đến bờ bắc lại có đầu máy xe lửa kéo toa xe lên... Sáng kiến dùng cầu phà liên hợp được coi là một công trình kỳ diệu của ngành đường sắt.
Ở các địa bàn, vị trí của các đơn vị đội, trạm CSGT chốt giữ bảo vệ đều là những mục tiêu trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Chúng đã ném xuống đây cả triệu tấn bom đạn các loại. Có thể nói không một con đường, một chiếc cầu, phà nào còn nguyên vẹn. Trên các vị trí cực kỳ ác liệt luôn bị máy bay, pháo kích oanh tạc, bắn phá dữ dội, lực lượng CSGT vẫn ngày đêm bám trụ kiên cường trên từng tuyến đường, cây cầu, chuyến tàu, nhà ga, bến phà để chỉ huy, hướng dẫn người, xe qua lại, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, an toàn; cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân; phối hợp cùng lực lượng thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân cầu, phà và nhân dân địa phương sửa chữa đường, làm cầu, phá bom nổ chậm, mở đường, thông tuyến cho xe, tàu thuyền qua lại, đồng thời khảo sát, nghiên cứu địa hình mở đường, tránh các mục tiêu đánh phá của địch. Khi máy bay, pháo kích bắn phá dữ dội, xe và hàng cháy, lực lượng CSGT dũng cảm xông pha dưới làn mưa bom địch cứu người, cứu hàng.
Trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ để bảo vệ hàng hoá, phương tiện vận tải, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, nhiều đơn vị, cán bộ, chiến sỹ cảnh sát bảo vệ giao thông đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, vì nhân dân phục vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
Đồng chí Huỳnh Kim Trung đã viết đơn bằng máu xin được vào tuyến lửa Quảng Bình làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT khu vực bến phà Sông Gianh. Đồng chí đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận. Đêm ngày 20/8/1972 máy bay Mỹ ném bom thôn Thuận Bài, xã Quảng Thiện, huyện Quảng Trạch, nhiều nhà dân bị cháy, nhà Mẹ Troòng để nhiều hòm đạn của bộ đội đang bốc cháy dữ dội, đồng chí lao vào vác đạn, một số thùng đạn 37 ly bắt đầu nổ, lửa cháy mỗi lúc một lớn, cho đến thùng đạn thứ 50 là thùng đạn cuối cùng đang bốc cháy thì quả đạn 85 ly nổ ngay trên vai đồng chí, mẹ Troòng chết tại chỗ, đồng chí Trung bị thương nặng và hy sinh.
Đồng chí Nguyễn Bá Chưng, CSGT Trạm phà Xuân Sơn, làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn giao thông trên các trục đường chiến lược miền Tây - Quảng Bình đã nhiều lần vượt bom đạn để cứu bộ đội bị thương, mai táng các đồng chí đã hy sinh, hướng dẫn, chỉ huy giao thông. Ngày 31/8/1968, có 3 xe ôtô chở các em nhỏ của K8 Vĩnh Linh sơ tán đi qua bị máy bay Mỹ ném bom, đồng chí đã bình tĩnh hướng dẫn đoàn vào nơi trú ẩn, nhưng một đoàn xe khác bị trúng đạn, đang bốc cháy. Bất chấp lửa đạn, đồng chí lao vào đưa từng em nhỏ xuống các hào trú ẩn, sau đó tiếp tục trở lại mặt đường để phân tán xe, lại một loạt bom nổ hất tung đồng chí Chưng ra vệ đường và đồng chí đã hy sinh khi miệng đang ngậm còi.
Cán bộ chiến sỹ Đồn Công an đường sắt Nghệ an thuộc Ty Công an đường sắt đã bám trụ kiên cường, chiến đấu dũng cảm cùng công nhân ngành đường sắt và nhân dân cứu được 11.105 tấn hàng hoá, 116 người bị thương..., 21 đầu máy xe lửa, 127 toa chở hàng. Đồng chí Huỳnh Nhớ - trưởng đồn, đồng chí Nguyễn Thạc Thịch - phó đồn, đồng chí Vũ Xuân Thuỷ cán bộ của đồn nhiều lần đứng trên đầu máy xe lửa động viên và cùng tài xế lái tàu đưa đoàn tàu chở hàng quân sự vượt qua bãi bom nổ chậm an toàn...
Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Bộ Công an đã nhấn mạnh:
Giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn giao thông vận chuyển của ta, nhưng quân và dân ta cùng lực lượng Công an đã tỏ rõ ý chí sắt thép “địch phá, ta sửa, ta đi”, bảo đảm TTATGT, sửa đường, vận chuyển, thông xe trong bất kỳ tình huống nào, đáp ứng yêu cầu của “Tiền tuyến cần gì, hậu phương có nấy”. Nhằm vào mục tiêu chung của phong trào, lực lượng bảo vệ giao thông vận chuyển đã đề ra khẩu hiệu “Tạo thời cơ, tranh thủ thời gian, bám sát địa bàn, hoàn thành dứt điểm các công trình và đột xuất”.
Các tuyến đường sắt, đường bộ, nhà ga, bến phà, cầu phục vụ vận chuyển sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến là mục tiêu đánh phá điên cuồng và thường xuyên của địch. Chúng trút xuống nơi đây đủ các loại bom đạn giết người thâm độc, biến các nơi đó thành “túi đựng bom”, “bãi để bom nổ chậm”, nhưng chính những nơi đó lại là nơi công tác hàng ngày của đông đảo chiến sĩ CSGT, Công an huyện, Công an xã. Họ đã cùng với lực lượng giao thông, công binh và thanh niên xung phong làm việc liên tục ở đó suốt mấy năm chiến tranh phá hoại, viết lên bản anh hùng ca về truyền thống Cách mạng.
Đánh giá thành tích của lực lượng bảo đảm giao thông trật tự trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại kỳ họp thứ 4, Quốc Hội khoá III, trong báo cáo trước Quốc hội, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “... cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải ở khắp miền Bắc là một thiên anh hùng ca của các chiến sỹ giao thông vận tải và của đồng bào ta dọc các tuyến đường...”. Hoà nhịp vào bản hùng ca của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt có 10 tập thể và 8 cá nhân lập công xuất sắc được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là tiểu Đội CSGT Đồng Lộc, Trạm CSGT Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Trạm CSGT Khương Hà, Đồn Công an nhân dân 84 (Quảng Bình), Đội tuần tra kiểm soát Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Trạm CSGT Bến Bính (Hải Phòng), Đội CSGT thành phố Vinh (Nghệ An), Đồn Công an đường sắt Nghệ An thuộc Ty Công an đường sắt... đó là các đồng chí Hồ Bá Thọ, Hoàng Hữu Nờ, liệt sỹ Huỳnh Kim Trung, liệt sỹ Nguyễn Bá Chưng (Quảng Bình), đồng chí Trần Đình Lư (Nghệ An), đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn (Hà Tĩnh), đồng chí Vũ Thành (Quảng Ninh) và 34 liệt sỹ hy sinh, hàng trăm đồng chí bị thương vì sự nghiệp bảo đảm giao thông vận tải.
3. Ngày 30/4/1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, thống nhất, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đường bộ - đường sắt không kém phần khó khăn, phức tạp và quyết liệt. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 2/6/1975, Ty Công an đường sắt đã được chuyển từ Tổng cục đường sắt về Bộ Công an. Ty Công an đường sắt, Cục Cảnh sát bảo vệ giao thông và Công an các tỉnh, thành phố đã cử nhiều lượt cán bộ chiến sỹ CSGT tăng cường cho các địa phương Miền Nam ổn định và giữ gìn TTATGT; tiếp quản và triển khai công tác đăng ký phương tiện, tăng cường lực lượng bảo vệ việc xây dựng, khôi phục và khai thông tuyến đường sắt thống nhất, bảo đảm giao thông trên các tuyến quốc lộ và giao thông đô thị. Lực lượng CSGT phối hợp mở nhiều đợt tấn công truy quét tội phạm hình sự trên các tuyến giao thông. Ty Công an đường sắt đã tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, góp phần bóc gỡ nhiều mạng lưới tình báo, gián điệp, các đối tượng hoạt động trong ngành đường sắt.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt đã bảo vệ hàng chục vạn đồng bào đi sơ tán, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân, bảo vệ vận chuyển vũ khí, đạn dược, thực phẩm, bảo vệ bí mật vân chuyển và trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. Đồng chí Trịnh Thế Hiền, cán bộ Ty Công an đường sắt đã anh dũng hy sinh, 02 đồng chí bị thương. Ty Công an đường sắt đã phối hợp với Công an Hà Nội đập tan âm mưu phá hoại của bọn phản động tại khách sạn Chi Lăng (Ga Hà Nội).