Tính đến cuối năm 2012, tổng số phương tiện toàn quốc đã đăng ký là 2.001.308 ô tô và 36.894.541 mô tô. Một đặc điểm về cơ cấu phương tiện cơ giới đường bộ nước ta là số lượng xe máy chiếm gần 95% tổng số phương tiện cơ giới đường bộ và tuy mức độ tăng trưởng cao nhưng nhìn chung mức cơ giới hóa là vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Hiện nay Việt Nam có khoảng 75 xe trên 1000 dân trong khi Thái Lan có 190 xe trên 1000 dân, Malaixia 340 xe trên 1000 dân. Theo các chuyên gia trong thập kỷ tới phương tiện cơ giới nước ta vẫn tăng cao. Nếu tính theo GDP thì mức tăng trưởng phương tiện được dự báo là cứ mỗi năm khi GDP tăng 1% thì tổng lượng vận tải tăng từ 1,2% đến 1,5% đặc biệt là trong thời gian tới khi chúng ta tiếp tục triển khai các chính sách mở cửa và thực hiện các cam kết cắt giảm thuế sẽ dẫn tới một lượng lớn các phương tiện sẽ được nhập vào Việt Nam với mức giá phù hợp với túi tiền người dân. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), năm 2013, toàn quốc xảy ra 30.874 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.627 người, bị thương 31.982 người, hư hỏng 2.727 ô tô, 10.865 mô tô, thiệt hại tài sản khoảng 65.589 triệu đồng. Trong tổng số các vụ tai nạn giao thông đường bộ thì có tới 74% số vụ là do người điều khiển mô tô gây ra, 21% số vụ là do người điều khiển xe mô tô gây ra. Như vậy, có thể thấy rằng tai nạn giao thông đường bộ chủ yếu do xe cơ giới (xe ô tô, mô tô) gây ra. Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng ta vẫn phải đối mặt với tình trạng tai nạn giao thông, phải đối mặt với những thiệt hại về người và của mà các chủ phương tiện và người bị nạn phải gánh chịu. Từ xưa đến nay con người đã tìm ra các biện pháp kiểm soát và hạn chế rủi ro, và một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là tham gia bảo hiểm. Việc tham gia bảo hiểm sẽ thành lập nên một quỹ tài chính, quỹ này sẽ chi trả cho các đối tượng tham gia bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra nhằm giúp đỡ người bị nạn ổn định cuộc sống. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba ra đời đã đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội và cũng như đáp ứng nhu cầu của các chủ phương tiện. Sở dĩ nhà nước ta quy định tính bắt buộc của nghiệp vụ này là do: Thứ nhất: Đó là nhằm bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của những người bị thiệt hại do lỗi của các chủ phương tiện gây ra, đồng thời cũng là bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Thứ hai: Việc quy định bắt buộc còn nâng cao trách nhiệm trong việc điều khiển xe, giúp cho các cơ quan quản lý số lượng phương tiện cơ giới đang lưu hành và thống kê đầy đủ các vụ tai nạn, cũng như những nguyên nhân của nó để có các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất một cách có hiệu quả. Thứ ba: Tính bắt buộc còn xuất phát từ việc thi hành nghiêm túc những quy định của pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ dân sự chủ yếu là nghĩa vụ bồi thường đã được quy định trong bộ luật dân sự, thể hiện sự công minh và công bằng của pháp luật. Chẳng hạn như việc bồi thường thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông xảy ra vào sáng ngày 07/06/2013 đối với xe ôtô biển số 43S-6420 của công ty Dịch vụ Du lịch Hoàng Hải Tùng có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng, trong khi vận chuyển khách du lịch từ Đà Lạt về Nha Trang đã đâm vào vách núi, gây hậu quả nghiêm trọng làm 9 người chết, 20 người bị thương nặng. Tại hiện trường, xe khách 24 chỗ 43S-6420 đâm đầu vào vách núi khi đang xuống dốc. Toàn bộ phần đầu xe bi bẹp dúm, 3 hàng ghế ngồi bị dồn chồng lên nhau, cửa xe bị bóp méo, kính vung vãi khắp hiện trường. Xe ô tô bị tai nạn được bảo hiểm tại Công ty Bảo Việt Đà Nẵng với thời hạn bảo hiểm từ ngày 01/07/2012 đến ngày 31/6/2013; Mức trách nhiệm đối với người thứ 3 và hành khách là 50 triệu/người/vụ; Mức trách nhiệm đối với lái phụ xe là 20 triệu/người/vụ; Mức trách nhiệm vật chất: 150 triệu/300 triệu. Ngay sau khi biết thông tin về vụ tai nạn, hai đơn vị thành viên thuộc hệ thống Bảo hiểm Bảo Việt là Công ty Bảo Việt Đà Nẵng và Công ty Bảo Việt Khánh Hòa đã phối hợp tổ chức thăm viếng và tạm ứng số tiền trên 100 triệu đồng cho gia đình các nạn nhân bị tử vong và hỗ trợ chi phí điều trị y tế cho những trường hợp bị thương, đồng thời trợ giúp chủ xe đưa phương tiện về nơi sửa chữa. Trong vụ tai nạn này, sự phối hợp khẩn trương, kịp thời của công ty bảo hiểm với các cơ quan chức năng đã góp phần tích cực hỗ trợ người được bảo hiểm một cách nhanh chóng, qua đó giúp cho người được bảo hiểm giảm nhẹ một phần gánh nặng tài chính sau những tổn thất, mất mát trong vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này./.