Tại nạn giao thông, lấy đi mạng sống của không ít người. Đó là bố mẹ, anh chị em và nỗi đau người ở lại không thể nào nguôi ngoai. Sau hai năm ngày bố mẹ và cậu em trai bị tai nạn qua đời, em Nguyễn Thế Tùng (20 tuổi) ở Nghi Tàm, phường Tứ Liên (Hà Nội) chưa hết bàng hoàng. Bố mẹ ra đi, khi ấy Tùng đang là sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Bách Khoa. Chị gái Tùng, Nguyễn Thị Thu Hằng, 22 tuổi là sinh viên trường ĐH Dược và người em gái Nguyễn Thu Hương mới vào học lớp 1. Bố, mẹ mất, Tùng và chị Hằng gánh vác mọi công việc trong gia đình. Để có tiền chăm sóc cho cô em gái và lo liệu cuộc sống trong gia đình, Tùng bắt đầu đi làm thêm buổi tối. “Công việc của em là phụ xe chở nước từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Chị Hằng đi gia sư, sau mỗi ngày đi học” - Tùng kể Tưởng chừng, với sự cố gắng, vất vả đó, ông trời sẽ thương mà che chở cho chị em Tùng. Nào ngờ, sau bao đêm làm việc quá sức, khi đang trên đường trở về nhà Tùng ngủ gật khi lái xe, nên đã đâm vào giải phân cách. Vụ tai nạn xảy ra, khiến Tùng vỡ xương mặt, dập cả quai hàm. “Mặt em giờ phải chốt gần 20 cái đinh. Chỉ ăn được cháo loãng!” - Tùng nói. “Cuộc đời không có bố mẹ bên cạnh khổ lắm anh ạ! Giờ em mới thấu hiểu làm sao câu người ta thường nói “mồ côi tội lắm ai ơi!” - Tùng đã khóc khi chia sẻ câu chuyện với chúng tôi. Tùng bảo, để tiếp tục cho sự cố gắng, khi khỏi bệnh em sẽ đi xin làm cơ khí để trang trải cho cuộc sống thường ngày. Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, hai vợ chồng Nguyễn Trường Ca (Sơn Tây - Hà Nội) đã ra đi để lại đưa con gái chưa đầy một tuổi. Ông Nguyễn Văn Hải, bố Ca kể: Con trai ông là người hiền lành, chịu khó. Sau khi cưới vợ, thấy gia đình khó khăn, Ca đã đi làm thuê để lo cuộc sống cho gia đình. Thế rồi, trong lúc đi trên đường Ca bị va chạm với người đi đường rồi bất tỉnh. Mấy ngày sau Ca qua đời để lại vợ dại con thơ với bao khó khăn chất chồng. Chưa đầy 4 tháng, sau khi chồng mất, chị Nguyễn Thị Hồng, xin bố mẹ đi chợ buôn bán, kiếm đồng ra đồng vào lo cho cuộc sống gia đình. Đâu ngờ, vừa ra khỏi nhà không lâu, ông Hải nghe tin, Hồng bị ô tô đâm trực diện, đã qua đời. Hai vợ chồng kéo nhau ra đi, để lại đưa con gái mồ côi chưa đầy 1 tuổi cho ông bà nội. Ngồi trò chuyện với phóng viên mà ông Hải không cầm được nước mắt. “Bố mẹ cháu là người khỏe mạnh nhất trong gia đình thì đã qua đời. Không biết mai này lớn lên, cháu nó sẽ sống ra sao?” - Ông Hải ngậm ngùi lo lắng cho số phận đứa cháu của mình. Bác sỹ Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ ngày thực hiện đội mũ bảo hiểm, số chấn thương sọ não giảm đi, nhưng thay vào đó bệnh nhân tai nạn giao thông ảnh hưởng cột sống, đốt sống cổ tăng lên. Đã có không ít trường hợp phải sống cuộc đời thực vật. Có người bị tê liệt nhiều bộ phận. Hầu hết tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra đều tạo gánh nặng cho không ít người thân trong gia đình”. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 10 năm qua, cả nước có hơn 100.000 người chết vì tai nạn giao thông, bình quân mỗi năm là có khoảng 10.000 người, mỗi ngày là 30 người, hơn 200 gia đình bị tổn thất về vật chất, tinh thần. Tai nạn giao thông cũng gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bình quân mỗi năm nước ta mất 40.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả tai nạn giao thông. Trước thực tế trên, để người tham gia cần nhận thức đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tai nạn giao thông để nâng cao chấp hành Luật giao thông đường bộ và chủ động phòng tránh tai nạn. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, mỗi người tham gia giao thông cần nâng cao trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Đừng chủ quan hay cố tình vi phạm trật tự an toàn giao thông mà gây ra tai nạn giao thông cho người khác và rồi tự biến mình thành nạn nhân, để rồi mang lại hậu quả đau lòng. Cùng với đó, chủ các phương tiện cơ giới đường bộ cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối vơi chủ xe cơ giới không chỉ là chấp hành pháp luật mà còn hạn chế rủi ro, tổn thất để lỡ có chuyện không hay xảy ra thì gia đình sẽ không phải chịu cảnh khánh kiệt.