Các chức năng cơ bản của hệ thống giao thông đô thị bao gồm:
+ Chức năng về giao thông: Đảm bảo sự liên hệ giao thông thuận lợi nhanh chóng và an toàn giữa các khu vực trong đô thị.
+ Chức năng kỹ thuật: Trong các đô thị hiện đại, hệ thống giao thông đô thị là một công trình kỹ thuật phức tạp, gồm các công trình ngầm, công trình vượt trên cao và công trình trên mặt đất…
+ Chức năng mỹ quan kiến trúc: Hệ thống giao thông đô thị là xương sống, là bộ phận hết sức quan trọng góp phần tạo nên bức tranh tổng thể toàn đô thị, bên cạnh đó nó còn là một trong những yếu tố để tổ chức không gian đô thị.
+ Chức năng mỹ thuật: Công trình giao thông còn là những công trình mang tính mỹ thuật cao được xây dựng và tồn tại hàng chục, có khi hàng trăm năm, được hàng chục triệu người sử dụng và là phần ổn định nhất của đô thị. Việc thay đổi hướng hoặc mở rộng các đường phố đã có thường là một việc rất khó khăn vì phải phá vỡ nhiều nhà cửa, công trình tốn nhiều tiền của.
Đối tượng của tổ chức giao thông đô thị:
Đối tượng của việc tổ chức giao thông đô thị là các thành phần, bộ phận của hệ thống giao thông đô thị, trong đó bao gồm thành phần chính sau:
- Hệ thống nút giao thông;
- Mạng lưới đường;
- Trang thiết bị phục vụ tổ chức giao thông trên đường và nút giao thông.
Mục tiêu của tổ chức giao thông đô thị:
Việc tổ chức hệ thống giao thông đô thị nhằm đạt được 4 mục tiêu cơ bản sau:
- Đảm bảo giao thông thông suốt;
- Đảm bảo giao thông an toàn;
- Đảm bảo hiệu quả kinh tế;
- Thân thiện môi trường.
Các giải pháp tổ chức giao thông đô thị:
Việc tổ chức giao thông nghĩa là sử dụng các biện pháp tác động đến hệ thống hiện có nhằm tối ưu hóa hệ thống đó theo những mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, việc quy hoạch và thiết kế giao thông có ảnh hưởng rất lớn đến các biện pháp tổ chức, ngược lại các giải pháp về tổ chức giao thông cũng có những tác động đến quy hoạch và thiết kế, và đôi khi cần thay đổi thiết kế để có được biện pháp tổ chức phù hợp. Các giải pháp tổ chức giao thông đô thị có thể là:
- Tổ chức đơn lẻ từng đối tượng, trong phạm vi hẹp các đối tượng này là nút giao thông và các đoạn tuyến. Tổ chức đơn lẻ tức là căn cứ đặc tính dòng giao thông tại một nút hay một đoạn đường cụ thể để đưa ra biện pháp tổ chức phù hợp nhất nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
- Phối hợp tổ chức giao thông linh hoạt trên toàn mạng lưới, là việc phối hợp tổ chức giao thông trên các tuyến đường chính nhằm tạo ra một chế độ điều phối dòng giao thông hợp lý nâng cao năng lực của toàn hệ thống. Khi đó nếu xét tại một đối tượng đơn lẻ (nút giao thông) có thể xảy ra trường hợp chế độ điều khiển tại đó chưa tối ưu, nhưng xét hiệu quả trên toàn hệ thống thì mang lại hiệu quả cao nhất. Bởi vì tổ chức giao thông hợp lý dẫn đến yêu cầu bắt buộc các đối tượng riêng lẻ phải tuân theo một chế độ điều khiển chung, trong khi đặc tính giao thông tại từng nút riêng lẻ lại có tính khác biệt cụ thể.
- Các biện pháp khác: Một khi các giải pháp về điều khiển không thể mang lại hiệu quả như mong muốn người ta có thể tính đến các biện pháp hỗ trợ khác như: Tổ chức giao thông một chiều, cấm đường, …
Trang thiết bị và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong tổ chức giao thông đô thị
Tổng quan chung
Trang thiết bị tổ chức giao thông là những phương tiện được sử dụng để truyền đạt thông tin đến người điều khiển phương tiện. Gần như tất cả những quy định, những quy tắc hay những giới hạn đều được truyền đạt thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, những thiết bị đó có thể phân thành 3 nhóm chính sau:
• Những ký hiệu, hình vẽ trên bề mặt đường (Traffic markings);
• Hệ thống biển báo giao thông (traffic signs);
• Hệ thống tín hiệu điều khiển giao thông (traffic signals).
Những hệ thống rất cần thiết để chỉ rõ các biện pháp tổ chức giao thông nhằm loại trừ những xung đột cho phương tiện hay người đi bộ tham gia giao thông. Vì thế trong kỹ thuật giao thông cần có trách nhiệm nghiên cứu thiết kế các thiết bị tổ chức giao thông để chúng có thể truyền đạt những thông tin rõ ràng dễ hiểu nhất, theo cách đó sẽ khuyến khích sự tuân thủ đúng đắn của người tham gia giao thông.
Các yêu cầu cơ bản của hệ thống trang thiết bị trong tổ chức giao thông đô thị
Đối với hệ thống trang thiết bị trong tổ chức giao thông, để đạt được hiệu quả, các công cụ phải:
1. Đáp ứng đầy đủ sự cần thiết (nhu cầu);
2. Những mệnh lệnh thu hút được sự chú ý;
3. Truyền đạt rõ ràng, dễ hiểu;
4. Những mệnh lệnh tôn trọng theo nhu cầu người sử dụng;
5. Đưa ra thời gian đầy đủ cho việc nhận biết, phản ứng.
Yêu cầu thứ nhất ngụ ý rằng những công cụ (thiết bị) không cần thiết thì không được sử dụng. Mỗi một thiết bị phải có một chủ định và phải cần thiết cho sự an toàn và hiệu quả của dòng giao thông.
Yêu cầu thứ 2 và thứ 3 tác động đến việc thiết kế các trang thiết bị. Hiệu lệnh đòi hỏi phải có tầm nhìn hợp lý và thiết kế dễ phân biệt từ đó thu hút được sự chú ý của người lái xe. Sự rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu của các thông điệp là điều then chốt, nếu các thông tin có thể hiểu được trong thời gian ngắn thì người lái xe có thể coi như một thiết bị điều khiển độc đáo. Việc sử dụng màu sắc, hình khối thành các mã là rất quan trọng; các chú thích là yếu tố khó nhất cho một thiết bị nhằm hiểu được chúng, vì vậy nếu thật sự cần thiết thì mới dùng và nên diễn giải ngắn gọn và dễ hiểu.
Yêu cầu thứ 4 nhằm tăng cường hơn nữa cho yêu cầu thứ nhất. Yêu cầu thứ tư có nghĩa là chỉ thực hiện mệnh lệnh khi người lái xe có nhu cầu hay trông đợi những thiết bị mang lại những thông tin chỉ dẫn quan trọng và đầy đủ cho họ. Sự lạm dụng hay sử dụng sai những thiết bị trên sẽ khuyến khích người lái không để ý đến chúng. Khi đó người lái xe sẽ không đưa ra sự tập trung tới các thiết bị, kể cả những thiết bị cần thiết.
Yêu cầu thứ 5 tác động đến việc bố trí các thiết bị. Ví dụ như việc bố trí biển STOP (dừng lại quan sát): phải luôn bố trí tại vạch dừng đỗ của các nhánh đường khi vào nút giao thông, mặt khác phải đảm bảo người lái xe có thể nhận biết được từ một khoảng cách có thể hãm xe an toàn trước vạch dừng xe.
Sự truyền đạt thông tin từ các thiết bị với người lái xe
Các thông điệp được truyền tới người lái xe thông qua việc sử dụng:
- Màu sắc: Màu sắc là đặc tính dễ dàng nhất để nhìn, một màu sắc có thể được nhận biết từ xa trên một hình khối cơ bản và trước khi các chú thích có thể đọc và hiểu được. Những màu sắc chính được sử dụng trong các thiết bị tổ chức giao thông là màu đỏ, màu vàng, màu xanh lá cây, màu da cam, màu đen, màu trắng và màu nâu.
- Các hình khối: Sau màu sắc, hình khối là yếu tố tiếp theo để người lái nhận thức được. Đặc biệt đối với các biển báo giao thông, hình khối là một yếu tố quan trọng để đưa ra thông điệp.