Tuy nhiên, hiện nay nhiều chủ phương tiện, từ xe khách, xe tải và kể cả xe con, xe máy thường sử dụng các loại đèn chiếu sáng có cường độ mạnh nhằm tăng khả năng quan sát khi di chuyển vào ban đêm; thậm chí do sự thiếu ý thức của một bộ phận lái xe, đã có không ít trường hợp bật hoặc sử dụng đèn pha sai quy định như đèn led, đèn xeon, đèn laser có ánh sáng xanh hoặc trắng với cường độ mạnh hơn gấp nhiều lần so với đèn xe nguyên bản; rất nguy hiểm cho các phương tiện khi đi trong thời điểm đêm tối, đặc biệt là những xe lưu thông ngược chiều, dễ xảy ra va chạm, thậm chí tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Các loại phương tiện tham gia giao thông, theo nguyên tắc an toàn đều được trang bị hệ thống đèn chiếu gần (cốt) và đèn chiếu xa (pha) để chiếu sáng ban đêm hoặc phát tín hiệu cảnh báo. Trong đó, đèn cốt có góc chiếu thấp, giúp lái xe có thể quan sát được tình trạng mặt đường và các vật cản phía trước trong phạm vi gần, thường được khuyến cáo sử dụng khi di chuyển trong khu đô thị, khu đông dân cư. Ngược lại, khi ra đường cao tốc hoặc muốn quan sát các biển báo thì đèn pha của xe sẽ giúp người lái xe quan sát tốt hơn bởi cường độ ánh sáng mạnh hơn và tầm nhìn xa hơn vì có khả năng chiếu sáng khoảng 100m trở lên. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các lái xe lạm dụng đèn pha bởi loại đèn này với góc chiếu cao và cường độ mạnh sẽ làm cản trở tầm nhìn và gây khó chịu những lái xe đi ngược chiều hoặc ngay cả những lái xe đi cùng chiều ở phía trước. Trong một vài tình huống, đèn pha có thể là nguyên nhân gây tai nạn bởi lái xe đối diện không thể quan sát tình hình giao thông để phản xạ kịp thời, đặc biệt, đối với phương tiện xe máy, xe đạp rất dễ tự gây tai nạn. Hành vi sử dụng đèn pha, đèn độ khi tham gia giao thông có thể dễ dàng bắt gặp trong đô thị, khu vực đông dân cư lúc chiều tối.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021) thì:
- Người điều khiển xe ô tô có hành vi sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư hoặc khi tránh xe đi ngược chiều bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, nếu gây tai nạn giao thông còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; hành vi lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu đèn lắp thêm, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Người điều khiển xe mô tô, gắn máy có hành vi sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư hoặc khi tránh xe đi ngược chiều bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu gây tai nạn giao thông còn bị áp dụng hình thức phạt xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; hành vi lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Để ngăn chặn và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của mình và mọi người. Phòng Cảnh sát giao thông Công an Đồng Tháp khuyến cáo mỗi lái xe cần trang bị cho mình kiến thức lái xe an toàn; lắp đặt đầy đủ hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, đèn báo hãm,… Tuyệt đối không lắp đặt, sử dụng đèn sai thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe; không sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư hoặc khi tránh xe đi ngược chiều và chú ý bật đèn chiếu sáng trong khoảng thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ sáng ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Xuân Mãi