Bài toán giảm thiểu tai nạn liên quan đến loại xe này trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung là việc khó và chưa có lời giải. Việc lực lượng CSGT Công an Kon Tum đã và đang triển khai chương trình tuyên truyền và tổ chức cho các chủ phương tiện xe máy kéo và các loại xe tương tự ký cam kết chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ cũng như dán decal phản quang nhận diện đối với loại xe này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu các vụ tai nạn và va chạm giao thông liên quan, nhất là vào ban đêm hoặc thời điểm ánh sáng không đảm bảo.
Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng là địa bàn có diện tích sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp rất lớn. Do đó loại xe máy kéo, xe công nông…là một trong những phương tiện giao thông mang tính đặc thù đối với bà con nông dân nơi đây, loại xe này như một phương tiện “chuyên dụng”, vượt mọi địa hình đèo dốc, sông suối để vận chuyển phân bón, nông sản, phục vụ sản xuất mà không có bất kì phương tiện nào có thể thay thế được. Tuy nhiên, các loại xe này cũng tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông, đặc biệt là vào ban đêm hoặc thời điểm ánh sáng không đảm bảo vì hầu hết các xe đều không có đèn, hoặc đèn mờ, không có tín hiệu nhận biết từ xa…và được ví như “cục sắt di động” trong đêm.
Thực tế, những năm qua tỉnh Kon Tum và cả vùng Tây Nguyên đã ghi nhận khá nhiều vụ tai nạn thương tâm và va chạm giao thông liên quan đến các loại phương tiện này. Trước tình hình trên, lực lượng CSGT Công an tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Thiếu tá Nguyễn Bá Thắng – Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Đắk Hà cho biết thêm, trên địa bàn huyện Đắk Hà có khoảng 3.500 xe máy kéo, công nông và các loại xe tương tự, khi đến vụ mùa thu hoạch nông sản, lượng các phương tiện này tham gia giao thông tăng cao. Đặc biệt, vào ban đêm các loại xe này thường không có đèn báo hoặc có đèn không đủ ánh sáng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó việc lực lượng CSGT phối hợp với Công an xã triển khai chương trình tuyên truyền, tổ chức cho các chủ phương tiện ký cam kết và dán decal phản quang lên thùng xe để các phương tiện khác dễ phát hiện, hạn chế thấp nhất va chạm liên quan đến loại phương tiện này. Đây là việc làm rất thiết thực, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn và va chạm giao thông liên quan đến loại phương tiện này.
Xe máy kéo, xe công nông được ví như là “con trâu” của người dân, vừa phục vụ tưới tiêu, cày bừa và vận chuyển nông sản. Vì vậy, công tác xử lý xe máy kéo, xe công nông trên địa bàn đang gặp khó. Khi chưa có phương tiện thay thế được, trong thời gian tới Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục phối hợp với Công an các huyện, thành phố tìm nhiều giải pháp vừa tuyên truyền, vừa xử lý, nhắc nhở nhất là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, cách xử lý các tình huống khi xảy ra tai nạn giao thông cũng như thông tin thêm về nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông, nêu rõ những nguy hiểm của việc sử dụng xe máy khéo nhỏ trong đêm khi không có đèn xe, phản quang. Đồng thời tổ chức cho các chủ phương tiện ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện xe máy kéo nhỏ tham gia giao thông.
Hạnh Xuân