Tai nạn giao thông xảy ra là điều không ai mong muốn, để lại những hậu quả và di chứng lâu dài về con người và vật chất. Trong nhiều trường hợp, người gây tai nạn không có khả năng khắc phục thiệt hại, từ đó nảy sinh những vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến công bằng an sinh xã hội.
Vì vậy, bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, thể hiện ý nghĩa nhân đạo của chính sách, bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản, mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là một trăm năm mươi (150) triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản: Do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là năm mươi (50) triệu đồng trong một vụ tai nạn. Do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe máy chuyên dùng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là một trăm (100) triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Tuy nhiên các trường hợp nào được hưởng 100% mức trách nhiệm bảo hiểm? các trường hợp nào chỉ được hưởng một phần mức trách nhiệm bảo hiểm?
Theo Quy định tại Phụ lục I, Nghị định Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, các trường hợp được giải quyết bồi thường 100% mức trách nhiệm bảo hiểm bao gồm hai trường hợp: chết, tổn thương não gây di chứng sống kiểu thực vật.
Các trường hợp tổn thương bộ phận thì số tiền bồi thường được tính như sau: Số tiền bồi thường = Tỷ lệ tổn thương x Mức trách nhiệm bảo hiểm.
Tỷ lệ tổn thương được xác định căn cứ hồ sơ y tế và Phụ lục I, Nghị định Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
M.Đ