Tai nạn giao thông xảy ra là điều không ai mong muốn, để lại những hậu quả và di chứng lâu dài về con người và vật chất. Trong nhiều trường hợp, người gây tai nạn không có khả năng khắc phục thiệt hại, từ đó nảy sinh những vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến công bằng an sinh xã hội.
Vì vậy, bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, thể hiện ý nghĩa nhân đạo của chính sách, bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản, mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không. Mặt khác, đối với người gây tai nạn, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới như người cứu cánh lúc nguy cấp, khi mà bản thân họ cũng có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng bồi thường thiệt hại. Lúc này, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đóng vai trò như người bảo lãnh, người có đủ khả năng tài chính và trách nhiệm pháp lý để đền bù thiệt hại cho người bị nạn.
Thông tư số 04/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, ngày 15-1-2021 quy định, mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc dân sự của chủ xe cơ giới thiệt hại về người là 150 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn; mức trách nhiệm thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Số tiền này được công ty bảo hiểm chi trả bồi thường cho bên thứ ba. Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới giúp chủ xe giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho nạn nhân cũng như nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu không may gây ra tai nạn giao thông. Bên thứ ba - nạn nhân được hỗ trợ tài chính nhanh chóng và kịp thời, có điều kiện được chăm sóc tốt hơn, được khắc phục các thiệt hại về người, tài sản, sức khỏe. Chính vì vậy, loại hình bảo hiểm này được đánh giá là chính sách an sinh xã hội cần thiết.
A.T