Thời gian qua, cơ chế, chính sách về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ngày càng được hoàn thiện. Ngày 15/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nghị định đã được rà soát, sửa đổi toàn diện nhằm cắt giảm thủ tục, đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi về thực hiện bảo hiểm. Tuy nhiên, việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về bảo hiểm bắt buộc hoàn toàn cần thiết trong điều kiện thực tiễn thị trường bảo hiểm vận động, phát triển một cách thường xuyên, liên tục và quy định pháp luật liên quan trong lĩnh vực giao thông đường bộ thời gian qua cũng tiếp tục được các cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm bắt buộc hiện nay được quy định căn cứ trên Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2023 với định hướng chuyển đổi mô hình quản lý, giám sát kinh doanh bảo hiểm từ quản lý, giám sát theo tuân thủ sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro, có nhiều nội dung sửa đổi căn bản so với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về bảo hiểm bắt buộc, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường là hoàn toàn cần thiết.
Ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 917/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soản thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Theo đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan liên có quan xây dựng nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc, trong đó có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Hiện nay, Bộ Tài chính đã tổng hợp và hoàn thiện dự thảo nghị định sau khi xin ý kiến rộng rãi của tất cả các bên liên quan, các đối tượng chịu tác động của chính sách, xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ ban hành nghị định về bảo hiểm bắt buộc, trong đó có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Chia sẻ các định hướng, giải pháp trong thời gian tới để chính sách đầy nhân văn này được đón nhận và đi vào cuộc sống hơn, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, cho biết trong thời gian tới, dự thảo Nghị định sắp ban hành nhằm đồng bộ với Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 về cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng tỷ lệ chỉ bồi thường đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy.
Cụ thể, một là, giảm phí bảo hiểm. Dự thảo Nghị định bổ sung quy định tỷ lệ giảm phí 15% đối với các xe có lịch sử bồi thường thấp để tạo tăng cường vai trò công cụ điều tiết kinh tế của loại hình bảo hiểm này.
Hai là, tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%. Đề xuất này nhằm tăng cường hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp tai nạn thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bồi thường.
Những năm qua đã 2 lần tăng mức trách nhiệm bồi thường, từ 70 triệu đến 150 triệu đồng. Cục sẽ tiếp tục rà soát và sửa đổi phù hợp trên cơ sở đánh giá đầy đủ kết quả triển khai cũng như kết quả kinh doanh cụ thể của loại hình bảo hiểm này.
Ba là, thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 03/2021/NĐ- CP, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm. Dự thảo Nghị định đã thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế./.
Đ.T