Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Cao điểm bảo đảm TTATGT
Quyết liệt tuyên chiến với “ma men”
Ngày đăng: 16/09/2022
Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là một trong những lỗi vi phạm nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao hơn so với các hành vi vi phạm khác. Hậu quả tai nạn thường rất nặng nề; do vậy, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được các tổ công tác đặc biệt của Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bình Phước và Đội CSGT Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Không đủ tiền nộp phạt thì bỏ xe

Tối một ngày đầu tháng 9, ông N.T.H ngụ ở Phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài điều khiển xe môtô từ đám tang người bạn thân ở ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú về nhà thì bị Tổ công tác đặc biệt số 2, phối hợp Trạm CSGT phụ trách tuyến quốc lộ 14, Phòng CSGT Công an tỉnh và Đội CSGT Công an thành phố Đồng Xoài yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Kết qủa kiểm tra đo được là 0,33miligam/lít khí thở, qua đó ông H đã bị tổ công tác tạm giữ phương tiện và đề nghị trong vòng 7 ngày đến Công an thành phố Đồng Xoài xử lý vi phạm.

Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, ông H cho biết: Vì người mất là bạn thân, nên gia đình có mời ông ở lại dùng cơm và uống rượu để chia buồn. Bản thân ông biết rõ hành vi đã uống rượu, bia sau đó tham gia giao thông là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy, ông không thể từ chối được. “Bản thân mình vi phạm và bị xử lý là đúng, nhưng nếu tôi chủ đích đi nhậu thì là một lẽ, đằng này uống rượu để chia buồn với gia đình bạn...Tôi nay cũng đã 70 tuổi rồi, bị CSGT xử lý vi phạm, bị phạt tiền và tạm giữ xe thì rất xấu hổ với con cháu và gia đình”, ông H chia sẻ.

CSGT kiểm soát nồng độ cồn đối với tài xế ôtô tại khu vực bùng binh Hùng Vương, thành phố Đồng Xoài.

Cùng thời điểm này, ông N.V.Q, ngụ khu phố Thanh Xuân, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài cũng di chuyển từ một quán cà phê ở phường Tân Đồng về nhà thì bị tổ công tác dừng xe đo nồng độ cồn. Sau khi đo được kết quả 0,35miligam/lít khí thở, ông Q cũng bị tạm giữ xe máy và phải đi bộ về nhà. Một tay ông Q ôm nón bảo hiểm, tay còn lại cầm giấy hẹn lững thững đi trên vỉa hè.

Chia sẻ với phóng viên, ông Q cho biết: Chiều tối, ông đi đám giỗ một người hàng xóm gần nhà và có uống rượu, sau đó mấy người rủ nhau đi uống cà phê. Vì cảm thấy hơi mệt, nên ông ra về trước, khi tới đây thì bị xử lý. Dù không nắm được mức phạt cụ thể là bao nhiêu, nhưng ông Q tỏ ra khá lo lắng và cho biết, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Ông là thợ xây tự do, thu nhập khoảng 500 ngàn đồng/ngày. Nhưng vì tuổi cao nên một tháng chỉ làm được khoảng 15 ngày. “Chiếc xe máy là phương tiện gắn liền với tôi, nay bị tạm giữ rồi sẽ không biết thế nào. Mai tôi lên công an Đồng Xoài xử lý vi phạm, nếu số tiền phạt ít thì tốt, còn nếu nhiều quá thì mình phải bỏ xe thôi”, ông Q phân trần.

Trong suốt ca làm việc, tổ công tác đo nồng độ cồn theo phương pháp quốc tế. Tất cả mọi phương tiện đi qua đều được yêu cầu dừng lại để kiểm tra nồng độ cồn đối với người lái xe. Thời điểm kiểm tra, kết quả 100% tài xế ôtô không ai vi phạm. Trong khi một số người đi xe máy lại vi phạm ở mức cao và đa số là lao động phổ thông, điều kiện kinh tế khó khăn.

Tài xế ô tô vi phạm có chiều hướng giảm

Báo cáo của Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước về kết quả sau hơn hai tháng ra quân thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông cho biết: Trong tổng số 1.247 trường hợp vi phạm nồng độ cồn thì có 128 tài xế ôtô, (6 xe khách, 105 xe con, 17 xe tải và 1.119 người điều khiển môtô, xe máy. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước 2.718.000.000 đồng. Ngành chức năng tạm giữ 1.247 phương tiện và tước 250 giấy phép lái xe. Trong số các trường hợp bị xử lý có 456 người vi phạm dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở, 290 trưởng hợp vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, 493 trường hợp vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và đặc biệt có 8 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Thống kế của Phòng CSGT Công an tỉnh cũng cho biết, thời gian các trường hợp vi phạm chủ yếu từ 18 giờ ngày hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau. Trong đó, cao điểm là từ 18 giờ tới 20 giờ.

Kiên quyết xử lý các vi phạm.

Thượng tá Lê Đức Trình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước cho biết: Rượu, bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông. Nhiều người vẫn chưa ý thực được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt cao nhất dành cho người đi môtô, xe máy vi phạm nồng độ cồn lên tới 8 triệu đồng và đối với người đi ôtô lên tới 40 triệu đồng (có nồng độ cồn vượt quá 0,4miligam/lít khí thở). Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Với mức phạt cao như vậy, hiện số người lái xe ôtô vi phạm có chiều hướng giảm. Cụ thể trong 2 tháng cao điểm thực hiện tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm thì tỷ lệ tài xế lái ôtô vi phạm chiếm 10,2% (128/1247). Trong khi những người đi môtô, xe máy vi phạm phần lớn đều là lao động nghèo. Nhiều trường hợp không có tiền nộp phạt đã không lên xử lý vi phạm. Theo quy định thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, khi vi phạm đều bị xử lý, không có ngoại lệ.

Qua tìm hiểu thực tế thì người đi xe máy thường có tâm lý chủ quan. Họ nghĩ là trong trường hợp gặp CSGT sẽ có khả năng trốn được qua các đường hẻm, đường tắt. Và nếu có bị phạt thì mức phạt cũng nhẹ hơn khi đi ôtô. Tuy nhiên hiện nay, khi tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn thì các lực lượng thường phối hợp với nhau. Ngoài tổ chức đứng chốt thì còn có lực lượng dùng mô tô tuần tra khu vực xung quanh, nên khi vi phạm thì việc trốn cũng khó thành. Việc xử lý nghiêm minh không ngoài mục đích tuyền truyền, giáo dục và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân đối với bản thân và cộng đồng. Đã uống rượu bia thì không nên lái xe, bởi không may xảy ra tai nạn thì hậu quả khôn lường.

Tuyên truyền và đề nghị chủ quán nhậu cam kết thực hiện việc treo biển và nhắc khách hàng khi đã uống rượu, bia thì không lái xe.

Không chỉ tại thành phố Đồng Xoài, ở các huyện, thị xã trong toàn tỉnh, việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về nồng độ cồn cũng được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Các Đội, Trạm CSGT toàn tỉnh đã trực tiếp tới tuyên truyền và đề nghị 228 nhà hàng, quán bar, vũ trường nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia. Từ đó cũng góp phần hạn chế các trường hợp vi phạm và tai nạn giao thông. Cụ thể là trong 2 tháng ra quân cao điểm, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, làm 20 người chết, 12 người bị thương. So với 2 tháng liền kề trước đó, giảm 1 vụ tai nạn, giảm 2 người chết và không xảy ra tại nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, Thượng tá Lê Đức Trình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước cho biết.

Phạm Quang Minh

Các tin khác liên quan