Trên tuyến sông Hồng thuộc địa phận thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội nơi mà Thủy Đoàn I Cục Cảnh sát giao thông đang “cắm chốt” thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với các phương tiện vận tải lưu thông qua tuyến tuyến sông Hồng, các phương tiện hàng hóa lưu thông qua đây chủ yếu là các phương tiện chở cát sỏi, quặng… từ các tuyến sông Lô, sông Đà, sông Chảy…về các bến bốc dỡ hàng hóa tại thành phố Hà Nội, Hải Phòng hay Quảng Ninh. Chốt kiểm soát của lực lượng Cảnh sát đường thủy bao gồm lực lượng Thủy Đoàn I, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, Vĩnh Phúc.
Các tổ công tác này sẽ thực hiện kiểm soát phương tiện khép kín địa bàn 24/24, tập trung kiểm tra các phương tiện hàng hóa, giấy tờ liên quan đến phương tiện, thuyền viên, hóa đơn chứng từ hàng hóa. Được biết theo kế hoạch thực hiện cao điểm từ 20/6 nhưng trước đó Thủy Đoàn I đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông địa phương tuyên đi tuyên truyền đến từng phương tiện lưu thông trên tuyến, từng chủ mỏ, bến bãi, bốc xếp hàng hóa để thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa trong vòng gần nửa tháng, cũng chính vì việc đẩy mạnh việc tuyên truyền nên tình TTATGT trên tuyến cũng được đảm bảo, các phương tiện chấp hành rất nghiêm, rất ít các trường hợp vi phạm, nếu phát hiện các vi phạm thì sẽ bị xử lý rất nghiêm nên có tính răn đe và lan tỏa rất hiệu quả.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến sông Hồng các phương tiện thủy lưu thông trên tuyến hầu như đã chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, không còn tình trạng chở hàng quá vạch mớn nước, giấy tờ liên quan đến thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên trên tàu đã đầy đủ, trang thiết bị toàn cũng được các phương tiện chấp hành nghiêm…
Tính từ ngày 20/6 đến 5/8, sau 1 tháng rưỡi ra quân thực hiện cao điểm, lực lượng Cảnh sát đường thủy toàn quốc đã xử lý lập biên bản 8.064 trường hợp, phạt tiền hơn 13 tỷ đồng., tạm giữ 34 phương tiện, tước bằng chứng chỉ chuyên môn 87 trường hợp. Trong đó các vi phạm chủ yếu như: chở quá vạch dấu mớn nước an toàn 6.125 trường hợp; cưỡng chế tháo dỡ phương tiện 18 trường hợp, không trang bị thiết bị phao cứu sinh, thiết bị an toàn 147 trường hợp…
Theo Trung tá Đặng Anh Tuấn, Phó Thủy đoàn trưởng, Thủy đoàn I, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau khi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an về thực hiện cao điểm, đơn vị đã huy động tối đa cán bộ chiến sỹ, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ để phục vụ tốt nhất cho đợt cao điểm lần này, từ khi triển khai thực hiện cao điểm đơn vị đã trú trọng công tác tuyên truyền tới người điều khiển phương tiện, mỏ, bến bãi đầu tiên sau đó mới tiến hành công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm. Thời gian đầu khi triển khai cao điểm đa phần các phương tiện đã thực hiện rất tốt, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, chỉ một số ít trường hợp vi phạm, những trường hợp vi phạm khi bị phát hiện đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong vòng 1 tháng rưỡi thực hiện cao điểm, đơn vị đã phát hiện xử lý 144 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm đăng ký đăng kiểm 7 trường hợp; vi phạm thiết bị PCCC 11 trường hợp; vi phạm sổ nhật ký phương tiện 11 trường hợp; vi phạm không có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chức danh trên phương tiện 24 trường hợp; vi phạm vạch dấu mớn nước an toàn 18 trường hợp; vi phạm DBTV, ĐBTV 19 trường hợp; vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn 25 trường hợp...
Anh Nguyễn Quang Cảnh (lái tàu người Vĩnh Phúc) cho biết, phương tiện anh thường xuyên đi trên tuyến sông Hồng và trước đây đôi khi có vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước và trên tàu thiếu thuyền viên theo quy định nên thường xuyên trốn tránh xử kiểm soát của lực lượng Công an, nhưng sau đợt ra quân cao điểm lần này quá “gắt gao”, lực lượng Cảnh sát đường thủy tuần tra 24/24 và cương quyết xử lý đến cùng, và trước khi thực hiện cao điểm đã được tuyên truyền nhắc nhở nên bản thân ông và các chủ phương tiện khác đã chủ động khắc phục thiếu sót để đảm bảo đúng pháp luật mới dám hoạt động…
Còn theo Thiếu tá Phạm Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ cho biết thêm, đặc thù địa bàn quản lý của đơn vị có nhiều bến bãi, mỏ cát hoạt động nên tình hình trên tuyến khá phức tạp, nhưng sau khi có sự chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông và được sự quan tâm phối hợp của một số đơn vị thuộc Cục Cảnh sát giao thông và Công an địa phương giáp gianh, đơn vị đã quyết tâm xử lý vi phạm không có “vùng cấm”, đặc biệt là việc tuyên tryền mạnh đến các chủ mỏ cát đã khiến thay đổi ý thức của các phương tiện thủy trên sông, đơn vị tuyên truyền yêu cầu các doanh nghiệp mỏ cát bán hàng đúng khối lượng cho từng phương tiện được ghi đúng trong sổ đăng kiểm của phương tiện, chính vì vậy tình hình TTATGT trên địa bàn đơn vị quản lý đã có chuyển biến tích cực, và thay đổi một cách rõ rệt…
Lệ Quyên