Thực tế, việc gây tai nạn giao thông có thể gây ra những thiệt hại về người (sức khỏe, tính mạng) và tài sản. Việc bồi thường cho những thiệt hại nào được điều chỉnh bởi Bộ Luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên bộ luật không đưa ra được số tiền cụ thể để yêu cầu bồi thường bởi lẽ thiệt hại xảy ra đối với mỗi trường hợp là khác nhau nên không thể ấn định một số tiền bồi thường được. Mặc dù vậy luật cũng đưa ra các khoản thiệt hại để giúp các bên có thể thuận lợi hơn khi bồi thường, theo đó:
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Thiệt hại khác do luật quy định.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Nếu trường hợp một bên có lỗi, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà không bồi thường hoặc có tranh chấp về mức bồi thường thì bên bị thiệt hại hoặc các bên hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự đến Tòa án; thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Như chúng ta biết, Nghị định 103 chưa quy định rõ về trách nhiệm tạm ứng, mà chỉ nêu trường hợp cần thiết, DNBH phải tạm ứng kịp thời cho khách hàng. Để bảo đảm nạn nhân tiếp cận nhanh chóng nguồn lực tài chính, kịp thời chữa trị, chi trả chi phí y tế, Nghị định 03 quy định về tạm ứng bồi thường theo hướng rõ ràng, minh bạch. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP quy định trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, quy định:
- Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:
+ 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong.
+ 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
- Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:
+ 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định trường hợp tử vong.
+ 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
Đồng thời, tại điều 9 Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/01/2021 của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định quy trình, thủ tục và hồ sơ hoàn trả các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường:
a) Quy trình, thủ tục hoàn trả tạm ứng bồi thường:
- Doanh nghiệp bảo hiểm nộp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới 1 bộ hồ sơ bao gồm các tài liệu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư này.
- Trong vòng 5 ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có trách nhiệm hoàn trả các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP. Trường hợp từ chối hoàn trả, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có văn bản giải thích rõ lý do.
b) Hồ sơ đề nghị hoàn trả tạm ứng bồi thường:
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập 1 bộ hồ sơ đề nghị hoàn trả tạm ứng bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Hồ sơ đề nghị hoàn trả tạm ứng bồi thường bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị hoàn trả tạm ứng bồi thường do doanh nghiệp bảo hiểm ký theo mẫu quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.
- Bản sao công chứng văn bản giải quyết bồi thường bảo hiểm hoặc từ chối giải quyết bồi thường bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Bảng kê chi tiết các vụ tai nạn mà doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị hoàn trả tạm ứng bồi thường.
Hạnh Lê